Nhật Bản mở rộng thị trường bất động sản tại Việt Nam

Cập nhật: 14:35 | 10/09/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Hiện tại, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường bất động sản ngày càng rõ rệt. Một xu hướng mà doanh nghiệp Nhật chọn tham gia nhanh vào thị trường chính là bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để tiến sâu hơn vào thị trường.  

Liên minh doanh nghiệp để mở đường

Trước năm 2014, thị trường bất động sản Việt Nam dường như vẫn còn là hình ảnh đầy mờ nhạt trong mắt các nhà đầu tư Nhật. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của công ty tư vấn bất động sản JLL Việt Nam, kể từ thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam đi vào giai đoạn phục hồi sau cơn biến động khủng hoảng, các nhà đầu tư từ khu vực châu Á đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rót dòng vốn vào các phân khúc bất động sản ở Việt Nam.

Xét về đối tác đầu tư, Nhật Bản đang dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam là 6,47 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư. Trong đó, bất động sản được coi là “khẩu vị” yêu thích của nhà đầu tư Nhật Bản.

nhat ban mo rong thi truong bat dong san tai viet nam
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Từ đầu năm 2018 trở lại đây, rất nhiều dự án “bắt tay” giữa doanh nghiệp phát triển bất động sản Việt Nam và nhà đầu tư Nhật Bản. Với sự chỉnh chu, chất lượng được đánh giá cao, sự có mặt của các đối tác Nhật Bản trở thành yếu tố góp phần gia tăng uy tín, sức hút cho các dự án khi tung ra thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam không ngại ngần lấy ngay những ý tưởng rất Nhật để làm bệ phóng cho dự án. Đơn cử là thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD). Riêng nhà đầu tư Nhật Bản Sumitomo Corporation góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam.

Gần đầy, tập đoàn Nam Long cũng vừa công bố các nhà đầu tư chiến lược cùng hợp tác phát triển giai đoạn 1 Khu đô thị Waterpoit, Long An. Theo thỏa thuận, Tập đoàn Nam Long, nhà đầu tư Nhật Nishi Nippon Railroad, TBS Group và Công ty TNHH Đầu tư Tân Hiệp cùng góp vốn theo tỷ lệ tương ứng 50% - 35% - 10% và 5% để thực hiện giai đoạn 1 Khu đô thị này, với tổng vốn đầu tư 6.900 tỷ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã mua lại 11.000m2 văn phòng trong khu phức hợp Le Meridien từ Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, hay tòa văn phòng hạng A nổi tiếng A&B Tower cũng lọt vào tay của một nhà đầu tư Nhật.

Sức lôi cuốn… ở đâu?

Theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và có nhiều tiềm năng phát triển. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm biên độ tỷ suất lợi nhuận cao. Đặc biệt, cũng trong khoảng những năm gần đây, với chính sách cởi mở và thu hút, thị trường bất động sản Việt đã trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn với tất cả các nhà đầu tư.

Trao đổi trên reatimes.vn, ông Hideaki Homma cho rằng: “Điều khiến thị trường Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản vì giá bất động sản tại đây, đặc biệt các sản phẩm nghỉ dưỡng vẫn còn rất rẻ so với nhiều nơi khác. Một điểm nữa khiến nhà đầu tư Nhật yêu thích đến Việt Nam vì hai nước có sự liên kết với nhau rất gần gũi như về mặt địa lý và có số lượng lớn người dân theo Phật giáo. Những người Nhật đều cảm thấy đến Việt Nam có sự gần gũi và tương đồng về văn hóa”.

Ông Hideaki Homma cũng khẳng định, thời gian qua, Việt Nam là nước có thị trường bất động sản rất phát triển, nên nhà đầu tư Nhật Bản đều nhận thấy và dễ dàng tìm kiếm ở đây cơ hội đầu tư cao.

Trả lời câu hỏi đâu là phân khúc bất động sản khiến nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhất, vị lãnh đạo các tổ chức Hiệp hội bất động sản Nhật - Mỹ cho rằng: “Nhật Bản là nước có dân số già. Trong khi đó tại Việt Nam, mức sống thấp hơn các nước trên thế giới. Nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn đầu tư vào các công trình lớn dành cho đối tượng an dưỡng hưu trí”.

Vốn nổi tiếng với tính kỷ luật và tiêu chuẩn cao, vì vậy các dự án có người Nhật tham gia thường nhấn mạnh vào tiêu chí chất lượng, tiện dụng. Đó có thể coi là uy tín cho những dự án tầm cỡ tại Việt Nam ra đời trong tương lai không xa.

Đức Hậu