Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng vốn đầu tư lên gần 1,5 tỷ USD, vận hành vào 2028

Cập nhật: 16:45 | 30/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Lọc dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) quyết định điều chỉnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tăng mức đầu tư lên hơn 36.397 tỷ đồng tương đương hơn 1,489 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa ký Quyết định 968/QĐ-BSR phê duyệt điều chỉnh nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mục tiêu nhằm nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng trên ngày (tăng 116%).

Quy mô đầu tư dự án được bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi; bổ sung 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới gồm: Phân xưởng xử lý xăng bằng hydro (GHDT); Phân xưởng xử lý diesel bằng hydro (DHDT); Phân xưởng Alkyl hoá (ALK); Phân xưởng sản xuất hydro (HGU); Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU3/4).

Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được bổ sung 2 phân xưởng công nghệ không bản quyền là phân xưởng xử lý nước chua (SWS2) và phân xưởng tái sinh Amin (ARU2).

Mức độ cải hoán, hiệu chỉnh của các phân xưởng này tùy thuộc sự thay đổi về nguyên liệu, công suất. Đồng thời, các phân xưởng phụ trợ, ngoại vi thực hiện cải hoán, lắp mới một số hạng mục, thiết bị hoặc cụm phân xưởng để đáp ứng công suất tăng thêm của nhà máy.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, vận hành vào 2028
Trích quyết định vừa được ông Nguyễn Văn Hội, chủ tịch HĐQT BSR ký

Với quyết định điều chỉnh mới này, dự án có tổng diện tích sử dụng đất khoảng 51,67 ha nằm tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh là 36.397.266.324.000 đồng, tương đương 1.489.859.448 USD. Tiến độ thực hiện dự án trong 37 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng EPC, dự kiến dự án vào vận hành trong năm 2028.

Nguồn vốn đầu tư và dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo tiến độ thực hiện dự án theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay 40/60, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay của Dự án sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn.

Phần vốn Chủ sở hữu được tích lũy từ nguồn khấu hao (nếu có), lợi nhuận và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu/cổ đông mới trong trường hợp các nguồn trên chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn. Về phần vốn vay, chủ đầu tư thuê Tư vấn thu xếp vốn cho Dự án dưới hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA) và vay các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tăng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, vận hành vào 2028
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang tạm đóng máy hoàn toàn cho đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5

Trước đó vào tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

Quyết định cũng điều chỉnh vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn được nhà đầu tư đăng ký. Theo đó, tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD (theo tỷ giá: 1 USD = 24.858 VND).

Nguồn vốn (theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay: 40/60, nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn và đem lại hiệu quả cao hơn), cụ thể vốn chủ sở hữu: 12.494 tỷ đồng, tương đương: 503 triệu USD; vốn vay: 18.741 tỷ đồng, tương đương 754 triệu USD.

Vốn cần phải cân đối nguồn là 27.299 tỷ đồng (được tính từ sơ bộ tổng mức đầu tư trừ thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện), gồm: vốn chủ sở hữu 10.920 tỷ đồng; vốn vay 16.379 tỷ đồng.

Mới đây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đóng máy hoàn toàn kể từ ngày 15/3/2024 để bảo dưỡng tổng thể. Theo kế hoạch, thời gian bảo dưỡng đợt này sẽ kéo dài 48 ngày.

Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) báo lãi hơn 8.450 tỷ đồng trong năm 2023

Năm 2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 146.423 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 9.608 tỷ ...

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được bảo dưỡng như thế nào?

Trong 48 ngày, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể. Đây là lần bảo dưỡng thứ 5 ...

Cao Thái