Sau dự án BT:

Nhà đầu tư vẫn đứng ngoài hành lang…

Cập nhật: 17:19 | 04/10/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Tại hội được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, câu chuyện tắc tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT một lần nữa trở thành tâm điểm với những bài toán khó, khó với cả những thành phố lớn.  

Nỗi lo này của các địa phương xuất phát từ việc cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.

Đầu tháng 8, cơ quan này có văn bản yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định vấn đề này có hiệu lực thi hành.

Điều này gây nhiều băn khoăn cho không chỉ các nhà đầu tư, mà ngay cả với các địa phương đang hợp tác triển khai các dự án BT, bởi nếu việc này được triển khai nghiêm túc thì các dự án đã tiến hành từ đầu năm đến nay sẽ bị dừng bàn giao quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư.

Ở những địa phương tập trung nhiều dự án BT như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên… vấn đề về quyền lợi khi hoàn thành dự án đang tạo nên những sức ép không nhỏ với chính sách của nhà nước.

nha dau tu van dung ngoai hanh lang
BT đang là phương án quan trọng để cải thiện hạ tầng giao thông

“Nếu tạm dừng trả quyền lợi đối ứng đối với hình thức đầu tư này vô thời hạn thì nhà thầu kiêm nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn. Do đó, theo tôi, công trình, dự án BT được lựa chọn theo đúng quy định, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nên cho tiếp tục triển khai bình thường.

Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện kiểm toán lại công trình đó để đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau này, với các quỹ đất đối ứng có thể đưa ra đấu giá và lấy tiền thanh toán lại cho nhà thầu.

Vì bản chất của BT là bàn giao công trình và nhận tiền, nhưng không có tiền nên thanh toán bằng quỹ đất thay thế”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ.

Ths. Nguyễn Thanh Bình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho biết, trong phát triển giao thông, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách dưới các hình thức BOT, BT được coi là giải pháp mạnh để huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp lớn. Và thực tế ở nước ta, nhiều công trình giao thông lớn đã và đang được thực hiện từ các nguồn vốn này.

“Cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài khai thác tối đa các cơ hội đầu tư vào hệ thống hạ tầng. Đổi mới hình thức PPP trong thu hút đầu tư, chẳng hạn như áp dụng các công cụ hỗ trợ đa dạng: Trợ giá xây dựng, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, trợ giá vận hành, thời hạn chuyển giao dài”, ông Bình nhấn mạnh.

Là địa phương vừa bị dừng 5 dự án theo hình thức BT và nhiều dự án khác dự định triển khai kêu gọi đầu tư theo phương thức này, ông Ngô Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho rằng:

“Việc này cần có quyết định sớm vì nếu chậm thì chủ đầu tư sẽ tính lãi theo từng ngày. Trong khi chúng tôi chuẩn bị đất đai rồi, nếu giao sớm ngang giá thì giảm lãi suất, tăng hiệu quả đầu tư”.

Bàn về câu chuyện BT, TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Về phương thức không có gì phải bàn, đây là dạng phương thức đặc thù của mô hình PPP, được áp dụng khá rộng rãi ở Việt Nam.

Về bản chất, đây cũng là một phương thức huy động tài chính từ đất để phát triển hạ tầng. Nói cách khác, tôi làm hạ tầng, anh trả tôi bằng tiền hoặc bằng đất và là mối quan hệ sòng phẳng. Vấn đề là phương thức triển khai cần được minh bạch hơn”.

Đồng quan điểm cho rằng phương thức đối tác công tư vẫn là “con đường lớn” để phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Mặt được của dự án BT là huy động được nguồn vốn xã hội hoá, tư nhân. Do đó, rất nên tạo khung pháp chế sớm để thực hiện BT, BOT nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, có giám sát độc lập”.

Chia sẻ với báo chí về quyết định tạm đình chỉ chuyển giao quyền lợi đối ứng cho dự án BT, GS.Đặng Hùng Võ cho rằng, không thể bắt các hoạt động kinh tế - xã hội đang cấp tập phải “ngừng lại” chờ đợi. Bởi như vậy sẽ tốn kém tiền bạc, công sức của tất cả các bên: Nhà đầu tư, Nhà nước và cả người dân.

Tiếp đó, khi các hợp đồng BT đã được đề xuất, hình thành, quyết định và ký hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành thì không thể dừng lại.

“Tôi cho rằng, các địa phương cứ thực hiện những dự án BT đang triển khai theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Những vấn đề có liên quan tới đất đai thanh toán cho nhà đầu tư hạ tầng được giải quyết theo các quy định của Luật Đất đai 2013”, ông Võ nhấn mạnh.

Hữu Dũng