Ngành cá tra "đuối sức": Vĩnh Hoàn lợi nhuận giảm non nửa, Nam Việt lỗ đậm nhất 7 năm

Cập nhật: 14:39 | 31/07/2023 Theo dõi KTCK trên

Nam Việt, Vĩnh Hoàn - hai doanh nghiệp được ví như “ông vua”, “bà hoàng” trong ngành thuỷ sản vừa cập nhật báo cáo tài chính quý II với những “gam màu buồn”, kẻ hao hụt lợi nhuận, người “ôm” khoản lỗ nặng nề.

Ngành cá tra
Ngành cá tra "đuối sức": Vĩnh Hoàn lợi nhuận giảm non nửa, Nam Việt lỗ đậm nhất 7 năm

Nam Việt lỗ đậm nhất từ năm 2016

Kết thúc quý II, Nam Việt (Navifico, HOSE: NAV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.074 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do sức mua các nước nhập khẩu giảm, giá bán liên tục giảm mạnh.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, doanh thu xuất khẩu quý II đã giảm tới 25% so với cùng kỳ, xuống còn 676 tỷ đồng, còn doanh thu từ thị trường trong nước có ghi nhận tăng, nhưng không đáng kể, chỉ ở mức 1%, lên 398 tỷ đồng.

So với quý II/2022, doanh thu tài chính của Nam Việt giảm tới 54%, về mức 8 tỷ đồng. Thuyết minh chi tiết của Nam Việt cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và lãi chênh lệch tỷ giá cùng giảm hơn một nửa, xuống còn hơn 5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng.

Trong giải trình về nguyên nhân biến động của kết quả kinh doanh, Nam Việt cũng cho biết thêm, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này đã tăng tới gần 77% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của các khoản vay lãi suất cao từ quý trước. Theo báo cáo tài chính, chi phí lãi vay ghi nhận ở mức 43%, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí tài chính quý II/2023 của Nam Việt.

Điểm sáng hiếm hoi trong kỳ kinh doanh của “ông lớn” cá tra là sự tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, hai chỉ tiêu này lần lượt giảm 62% và 44% so với cùng kỳ, xuống còn 43 tỷ đồng và 23 tỷ đồng, tương ứng giảm 62% và 44% so với cùng kỳ.

Sau cùng, Nam Việt lỗ ròng 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 241 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2016 đến nay.

Lũy kế nửa đầu 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 2.229 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 56 tỷ đồng và 41 tỷ đồng, tương ứng các mức giảm 89% và 91% so với nửa đầu năm 2022.

Như vậy, so với mục tiêu doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng mà ĐHĐCĐ đặt ra, kết thúc nửa đầu năm 2023, Nam Việt mới thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu và còn cách khá xa mục tiêu lợi nhuận, mới chỉ hoàn thành được 19% kế hoạch.

Về tình hình tài chính, tính tới ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Nam Việt đạt 5.481 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp đã tăng 12% so với đầu năm, lên mức 2.634 tỷ đồng (chưa kể đến khoản trích lập hơn 11 tỷ đồng dự phòng).

Cuối kỳ, tổng nợ phải trả giảm 3% so với đầu năm, ghi nhận ở mức 2.498 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.931 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, vay và nợ thuê tài chính dài hạn ở mức 185 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.

Vĩnh Hoàn lợi nhuận “hụt” non nửa

Về kết quả kinh doanh của “nữ hoàng cá tra”, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 2.724 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

So với quý II/2022, doanh thu từ hoạt động tài chính kỳ này giảm nhẹ 7%, xuống còn 99 tỷ đồng. Đáng chú ý, mặc dù chi phí lãi vay của Vĩnh Hoàn ghi nhận mức tăng trưởng tới 115%, cao hơn Nam Việt nhưng sau cùng, chi phí tài chính lại giảm một nửa, xuống còn 49 tỷ đồng.

Ngoài ra, kỳ kinh doanh này, dù chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm được 3% nhưng Vĩnh Hoàn đã tiết giảm được tới 67% chi phí bán hàng, nhờ cắt giảm chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác.

Kết quả, Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế đạt 430 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với con số 802 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Tuy lợi nhuận tăng trưởng âm nhưng nếu so với “ông lớn” Nam Việt, kết quả này của “nữ hoàng” Vĩnh Hoàn vẫn sáng sủa hơn nhiều.

Ngành cá tra
Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế đạt 430 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.945 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 656 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, so với kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 11.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Vĩnh Hoàn vẫn khá tích cực khi doanh nghiệp này đã thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và hơn 65% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản Vĩnh Hoàn đạt gần 12.170 tỷ đồng. Cũng giống như Nam Việt, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ kém, lượng hàng tồn kho của Vĩnh Hoàn cũng tăng tới 39%, lên mức 3.927 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của “nữ hoàng cá tra” đang không hiệu quả. Cụ thể, Vĩnh Hoàn đang chi 174,5 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. Thuyết minh báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, số tiền này đang được rót vào các mã cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – Công ty CP (HOSE: KBC). Theo tính toán giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này cuối tháng 6/2023 là 124 tỷ đồng, Vĩnh Hoàn đang tạm lỗ đầu tư chứng khoán gần 51 tỷ đồng, tương ứng 29% giá trị. Trong đó, DXS đang là khoản đầu tư lỗ nhiều nhất.

Ngành cá tra
Các khoản đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn đang không hiệu quả.

Dư nợ tính đến cuối quý II/2023 của Vĩnh Hoàn ở mức 3.853 tỷ đồng, trong đó, dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng chiếm đa số với 2.664 tỷ đồng, tăng 21% so với số đầu năm.

Khi nào cá tra “nổi sóng”?

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2023 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những khó khăn do nhu cầu tiêu thụ của thị trường suy yếu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành cá tra đồng loạt sụt giảm là do giá thức ăn, con giống và các chi phí đầu vào tăng cao, giá thành cao. Giá bán hạ mà vẫn khó tiêu thụ, dẫn đến tồn kho, chi phí của doanh nghiệp bị đội lên.

Tình trạng này đã được Chứng khoán VCBS dự báo từ hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, xét về triển vọng, các chuyên gia của VCBS nhận định, trong giai đoạn cuối năm, ngành cá tra sẽ phục hồi trở lại, trong đó, Nam Việt và Vĩnh Hoàn vẫn là những cái tên tiềm năng và sẽ thực sự “nổi sóng” vào năm 2024.

Theo dự phóng của VCBS, cả doanh thu và lợi nhuận của Nam Việt năm 2023 đều sẽ “đi lùi”. Trong đó, doanh thu sẽ giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 3.919 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 39%, đạt 413 tỷ. Bước sang năm 2024, doanh thu sẽ tiếp tục giảm khoảng 11%, đạt 3.494 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ tăng nhẹ 3,8%, đạt 428 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn trong năm 2023 sẽ đạt lần lượt 11.498 và 1.255 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng trở lại, với doanh thu đạt 11.685 tỷ đồng và lãi ròng đạt 1.321 tỷ đồng.

Hà Lê