Ngân hàng tuần qua: Cuộc đua “dò đáy” lãi suất của các nhà băng

Cập nhật: 22:00 | 12/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất; VietinBank rao bán 3 khách sạn ở Hội An để thu hồi nợ; NHNN bơm ròng 50.000 tỷ đồng trong tuần qua; SCB liên tiếp đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch,... là những thông tin nỗi bật trong tuần vừa qua.

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất

Cùng với loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cho các khoản vay mới, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu để thúc đẩy nhu cầu vay vốn trên thị trường, hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố giảm tới 2 điểm % lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhằm chia sẻ khó khăn của khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm. Trong đợt này, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, dự án xanh… và các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

Riêng khách hàng là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, SHB có gói ưu đãi lãi suất 50 triệu USD với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,8%/năm…

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 1/11 đến hết 31/12, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Theo đó, trong 2 tháng cuối năm 2023, Agribank sẽ giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn cho vay hiện hành của Agribank, trong đó có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3 đến 4 điểm %. Việc giảm lãi suất này áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay… và không áp dụng lãi phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) vừa tung ra gói siêu ưu đãi lãi vay linh hoạt từ nay đến hết năm 2023, áp dụng cho khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà… Lãi suất của gói này chỉ từ 6,5%/năm, giảm 0,4 điểm % so với khoảng 1 tuần trước,

Không chỉ lãi suất cho vay, mặt bằng lãi suất tiền gửi cũng tiếp tục giảm nhanh. Từ ngày 10/11, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục giảm 0,1-0,2 điểm % lãi suất tiền gửi. Hiện, lãi suất gửi cao nhất tại NH này kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm.

Nhóm ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ cũng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về quanh mức 5%/năm.

Ngân hàng tuần qua: Cuộc đua “dò đáy” lãi suất của các nhà băng
hình minh họa.

VietinBank rao bán 3 khách sạn ở Hội An để thu hồi nợ

Ngày 9/11, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) chi nhánh Hội An vừa phát đi thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, theo đó tài sản được ngân hàng này rao bán bao gồm một loạt bất động sản tại Hội An (Quảng Nam).

Cụ thể, tài sản thứ nhất được VietinBank rao bán là quyền sử dụng đất và công trình khách sạn Le Pavillon Hoi An Central Luxury Hotel & Spa hình thành trong tương lai tại phường Cẩm Phô, TP Hội An. Giá khởi điểm mà ngân hàng này đưa ra là hơn 92 tỷ đồng.

Được biết, khu đất có diện tích: 847,1 m2; mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Thời hạn sử dụng lâu dài. Tài sản trên đất là khách sạn Le Pavillon Hoi An Central Luxury Hotel & Spa cao 6 tầng, có tầng lửng và một tầng hầm. Tổng diện tích xây dựng là 3.841 m2, mật độ xây dựng 60%. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ du lịch Hoàng Hùng Phát.

Tài sản thứ hai được VietinBank rao bán là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Cẩm Phô, TP Hội An. Được biết, chủ sở hữu tài sản trên là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Liên Phát.

Với diện tích khu đất là 613,8 m2. Mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ (603 m2); đất trồng cây lâu năm (10,8 m2). Tài sản trên đất là khách sạn Le Pavillon Hoi An Square Luxury Hotel cao 7 tầng, có tầng hầm. Diện tích xây dựng là 3.231 m2, mật độ xây dựng 60%. Ngoài ra còn có hồ bơi diện tích 108 m2. Giá khởi điểm mà VietinBank đưa ra là hơn 97 tỷ đồng.

Tài sản thứ ba là quyền sử dụng đất và khách sạn tại phường Cẩm An, TP Hội An của Công ty TNHH Sea Front One. Diện tích khu đất là 408,2 m2. Mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Thời hạn sử dụng lâu dài. Tài sản trên đất là một khách sạn với quy mô 7 tầng (40 phòng ngủ). Giá khởi điểm của tài sản gần 37 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giá khởi điểm của ba tài sản được VietinBank rao bán là hơn 225 tỷ đồng.

Ngoài ra, VietinBank còn rao bán tài sản bảo đảm của của Công ty TNHH Du lịch Bảo Trí. Tài sản này gồm một thửa đất rộng 290,6 m2 tại phường Cẩm Châu, TP Hội An. Mục đích sử dụng đât là đất ở đô thị (270,3 m2), đất trồng cây lâu năm (20,3 m2). Giá khởi điểm được ngân hàng này đưa ra là hơn 23 tỷ đồng.

Cùng với đó, VietinBank cũng rao bán tài sản bảo đảm của Công Ty TNHH An Bàng Hidden Beach. Cụ thể là thửa đất có diện tích 405,4 m2. Mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Thời hạn sử dụng lâu dài. Tài sản trên đất là biệt thự du lịch với quy mô 3 tầng (22 phòng ngủ), tổng diện tích xây dựng là 1.108,99 m2. Ngoài ra còn có một hồ bơi rộng 57,66 m2. Giá khởi điểm của tài sản nói trên là hơn 35 tỷ đồng.

NHNN bơm ròng 50.000 tỷ đồng trong tuần qua

Trong phiên giao dịch 10/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không chào thầu tín phiếu mới. Đây là phiên thứ hai liên tiếp Nhà điều hành không phát hành tín phiếu, sau gần 2 tháng liên tục thực hiện nghiệp vụ này.

Ở chiều ngược lại, có 20.000 tỷ đồng tín phiếu cũ đáo hạn, đồng nghĩa với lượng tiền tương ứng được bơm trả lại hệ thống.

Tính chung tuần qua, NHNN chỉ phát hành thêm 15.000 tỷ đồng tín phiếu mới vào 3 phiên đầu tuần, trong khi có tới 65.000 tỷ đồng tín phiếu cũ đáo hạn. Tổng cộng, NHNN đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng 50.000 tỷ đồng.

Sau phiên giao dịch hôm nay, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn 154.650 tỷ đồng, tương ứng với số tiền được NHNN hút ra khỏi hệ thống kể từ khi mở lại kênh phát hành tín phiếu.

Trước đó, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.

Theo thống kê từ ngày 21/9 - 8/11, NHNN đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. Đến ngày 10/11/2023, đã có 205.695 tỷ đồng trở lại hệ thống ngân hàng qua lượng tín phiếu đáo hạn.

Trong bối cảnh NHNN dừng hút tiền qua tín phiếu và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm trong tuần qua.

Theo số liệu từ NHNN, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 9/11 là 0,73%/năm, thấp hơn 0,2 điểm % so với cuối tuần trước.

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bám sát các mục tiêu vĩ mô cho giai đoạn cuối năm 2023.

SCB liên tiếp đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hà Nội mới đây đã có Văn bản số 3212/HAN-TTGS về việc chấp thuận chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Phương Mai, Phòng giao dịch Hàng Gà của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Cụ thể, Phòng giao dịch Phương Mai thuộc Ngân hàng SCB chi nhánh Hai Bà Trưng có địa chỉ tại tầng 1, 2, 3 số 75 Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Phòng giao dịch Hàng Gà thuộc SCB chi nhánh Thăng Long địa chỉ tại 53 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội sẽ chấm dứt hoạt động. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ký văn bản chấp thuận (từ ngày 1/11/2023),

Theo đó, SCB phải tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để chấm dứt hoạt động 2 phòng giao dịch nêu trên; đồng thời có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội về ngày chấm dứt hoạt động phòng giao dịch.

Trước đó, từ tháng 6/2023, SCB cũng đã chấm dứt hoạt động nhiều phòng giao dịch ở các tỉnh thành trong nước. Gân đây nhất, phòng giao dịch Ngô Mây chi nhánh Bình Định ở địa chỉ 49 Ngô Mây, phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn, Bình Định chấm dứt hoạt động từ ngày 27/10; phòng giao dịch Lý Nam Đế chi nhánh Thăng Long, địa chỉ tầng 1, 2, 3 nhà số 36B/1 phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội chấm dứt hoạt động vào ngày 31/10; phòng giao dịch Bạch Đằng chi nhánh Thăng Long, ở tầng 1, 2, 3 nhà số 7 Trần Khánh Dư, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội chấm dứt hoạt động vào ngày 31/10; phòng giao dịch Láng Hạ chi nhánh Hà Nội, ở địa chỉ 35 - 37 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội chấm dứt hoạt động vào ngày 1/11.

Theo SCB, quyền lợi của khách hàng tại những điểm giao dịch này đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

Đến nay, SCB vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.

Ngân hàng BIDV đã hoàn trả 270 tỷ tự trích nợ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Thông tin từ ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên đã trả lại số tiền gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối là Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà. Theo đó, số tiền này được hoàn trả vào đầu tháng 11 và ngân hàng này đã có văn bản thông báo việc này với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2023, BIDV – chi nhánh Long Biên đã thực hiện cấn nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà trích lập, được mở tại ngân hàng này. Phát hiện sự việc, ngày 5/6, Công ty Hải Hà đã gửi công văn đến BIDV Long Biên đề nghị nhà băng trả lời bằng văn bản về khoản tiền tự động trích thu nợ.

Công ty Hải Hà cho hay, công ty này đã trích lập 270 tỷ đồng Qũy trên tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Long Biên. Thế nhưng, để cấn nợ, BIDV Long Biên đã tự động trích nợ từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà. Cũng thheo công ty, việc BIDV Long Biên tự động trích thu nợ số tiền gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá số 1501xxxx mà không thông báo cho doanh nghiệp là không đúng quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Đến ngày 15/6, Công ty Hải Hà vẫn không nhận được phản hồi của BIDV Long Biên. Cùng ngày, doanh nghiệp tiếp tục có văn bản gửi ngân hàng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc cấn nợ từ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, Công ty cũng gửi văn bản báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) về sự việc này.

Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Long Biên nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95. Đồng thời, Bộ cũng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin về sự việc, đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam - nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng, dầu - thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95.

Được biết, Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của dân, được thu thông qua giá bán mỗi lít xăng dầu, chỉ để phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao đẩy giá vốn trong nước tăng cao. Liên quan đến vấn đề này, tối 6/11, đại biểu Quốc Hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) chia sẻ, kỳ họp này ông sẽ chất vấn về các vấn đề của quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vị đại biểu bày tỏ sự không đồng tình với việc quản lý và đặt quỹ tại doanh nghiệp đầu mối như hiện nay.

Bên cạnh đó, trước nhiều vụ thất thoát tiền của dân ở tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu Quốc Hội Phạm Văn Hòa đề nghị đưa quỹ này về Bộ Tài chính quản lý. Và khi đó, mới có công cụ để kiểm soát. Việc này giúp ngăn ngừa các vụ như "ôm" quỹ không trả hoặc ngân hàng cấn nợ như trường hợp của BIDV.

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua

Tuần qua, 20/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Trong bối cảnh giá cổ phiếu xuống thấp, SeABank dừng phương án chào bán gần 95 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho quý đầu tư của Na Uy.

Sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua (6 - 10/11) với 20 mã tăng giá và 7 mã giảm. Trong đó, TPB dẫn đầu toàn ngành với mức tăng 5,9%, đóng cửa tuần tại mức giá 17.000 đồng/cp. Ở phiên 6 và 8/11, cổ phiếu này đều đạt mức tăng trên 3%.

Một "ông lớn" trong ngành là mã CTG của VietinBank cũng tăng tích cực 5%, tạm dừng tại 29.400 đồng/cp. Nhiều mã ngân hàng khác đat mức tăng trên 3% trong tuần như SHB, VPB, STB, MBB, ...

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, mã VCB của Vietcombank giảm nhiều nhất toàn ngành tuần qua với mức -3,3%. Là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, mức giảm này của VCB khiến đây là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua.

Đứng sau VCB là cổ phiếu SSB của SeABank với mức giảm -2,1%, còn 23.800 đồng/cp. Đây là mức thấp nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, các cổ phiếu còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ, mức giảm nhiều nhất cũng chỉ là 1,1%.

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự hồi phục tích cực ở tuần này với 773 triệu cp được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương đương với giá trị giao dịch đạt gần 15.500 tỷ đồng, tăng 35% so với tuần trước đó.

STB vẫn đứng ở vị trí dẫn đầu với thanh khoản chung trong tuần đạt 2.918 tỷ đồng, tăng 400 tỷ đồng so với tuần trước. Đáng chú ý, giá trị giao dịch của VPB tăng vọt trong tuần này, với mức 2.140 tỷ đồng, cao hơn 50% so với tuần trước đó. Trong phiên 8 và 10/11, cổ phiếu VPB xuất hiện những giao dịch thỏa thuận có giá trị lớn, mỗi phiên đạt lần lượt là 401 và 362 tỷ đồng.

Thanh khoản của cổ phiếu EIB cũng tăng vọt trở lại mức 1.508 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với tuần trước đó khi lượng giao dịch đối với cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận đều tăng. Ngoài ra, các mã có giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỷ đồng trong tuần qua còn MBB, HDB và SHB.

STB cũng là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài tuần qua khi nhóm này đã mua ròng hơn 258 tỷ đồng, mức cao nhất toàn ngành và cao thứ 2 toàn thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mua ròng 43 tỷ đồng cổ phiếu CTG và 40 tỷ đồng TPB. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 188 tỷ đồng cổ phiếu VCB.

Trong khi đó, khối tự doanh có xu hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng khi bán ròng 195 tỷ đồng TCB, 191 tỷ đồng MSB và 167 tỷ đồng HDB trong tuần.

Khối ngoại "xuống" hơn nghìn tỷ đồng gom một cổ phiếu ngân hàng tuần qua

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên, khối ngoại giao dịch có phần kém tích cực, dù tổng giá trị giao ...

Ngân hàng tuần qua: Nợ xấu tăng nhanh phản ánh khó khăn của nền kinh tế

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt hồi phục; Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý III/2023; NHNN hút ròng hơn 11.000 tỷ đồng trong ...

Thùy Linh (T/H)

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm