Ngân hàng Nhà nước nới room, cơn 'khát' vốn của doanh nghiệp vẫn khó hóa giải?

Cập nhật: 11:42 | 06/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức chính dụng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng doanh nghiệp vẫn khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn mới.

Ngân hàng Nhà nước nới room, cơn 'khát' vốn của doanh nghiệp vẫn khó hóa giải?
CTCK SSI (SSI Research) cho rằng, việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông báo về việc trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, NHNN yêu cầu các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian qua, thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm của dư luận, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt. Việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều nhà băng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân.

Tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng...

Trong số những giải pháp để tháo gỡ nút thắt này, nhiều chuyên gia đã đề xuất việc nới room tín dụng để tạo dư địa cho các nhà băng mở rộng việc cho vay. Theo đó, với việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng vừa qua của NHNN, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế sẽ tăng khoảng 156.000-200.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích CTCK SSI (SSI Research) cho rằng, việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại.

Lý giải nhận định này, SSI Research cho rằng, việc nới room sẽ tăng dư địa để các ngân hàng thương mại có thể giải ngân nhưng vấn đề lớn hiện nay lại đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay đang quá khắt khe khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn.

Bên cạnh đó, hạn mức được phân bổ với tỷ lệ về các ngân hàng thương mại như thế nào cũng là một vấn đề khó khăn dành cho NHNN. Cụ thể, nếu tỷ trọng nghiêng nhiều về các tổ chức tín dụng có hệ số an toàn cao thì thông thường đây sẽ là những ngân hàng thận trọng và không gặp nhiều vấn đề cho thanh khoản thắt chặt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra.

Ngoài ra, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.

Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng phát đi thông báo tăng lãi suất cho vay đến nhiều khách hàng, giữa bối cảnh “sức khỏe” doanh nghiệp đang suy yếu như hiện nay. Mức lãi vay lên tới 14-15% là một gánh nặng, chưa kể nhiều doanh nghiệp phản ánh muốn vay vốn phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng xem xét cho vay. Việc này làm tăng thêm chi phí và gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khi chi phí đầu vào cũng đang chịu áp lực tăng.

Theo Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, càng gần cuối năm, doanh nghiệp càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng, do đó, họ rất cần dòng tiền để quay vòng. Tuy nhiên, việc tiếp cận được vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp luôn là thách thức không nhỏ.

Tuệ Minh