Nga cảnh báo G7 về các biện pháp "ép" giá dầu

Cập nhật: 11:17 | 15/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Ngày 14/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng nỗ lực của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm kìm hãm đà tăng giá dầu trên thực tế có thể khiến giá cả tiếp tục đi lên.

Giá xăng dầu hôm nay 13/7/2022: Giảm chạm sàn

Giá xăng dầu hôm nay 14/7/2022: Thủng mốc 100 USD/thùng

Giá xăng dầu hôm nay 15/7/2022: Giữ vững đà giảm

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Zakharova nhấn mạnh việc ép giá dầu mỏ sẽ đi ngược lại quy luật thị trường và mang lại nhiều rủi ro.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng bình luận về chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden và về các thông tin quanh việc ông Biden nhiều khả năng sẽ đề nghị nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - Saudi Arabia - nâng sản lượng khai thác dầu thô nhằm "hạ nhiệt" giá dầu đang ở mức cao như hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Zakharova nhấn mạnh Moskva đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài với Saudi Arabia trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời cho rằng giá dầu mỏ và khí đốt cao là do "những sai lầm" của phương Tây trong chính sách năng lượng, cũng như do các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất năng lượng lớn như Nga, Iran và Venezuela.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo động thái tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine có nguy cơ đẩy giá năng lượng lên mức cao ngất ngưởng, gây bất lợi cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Moskva vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.

Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), doanh thu đến từ dầu khí của Nga gia tăng trong tháng 5, dù sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Giới chức phương Tây cho rằng việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu từ Nga có thể là giải pháp cho tình thế khó xử trên.

Việc áp giá trần là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga mà không khiến giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng vọt. Giá dầu mỏ của Nga hiện được bán với mức chiết khấu lớn trên toàn cầu. Hiện dầu Urals của Nga được bán ở mức khoảng 75 USD/thùng, thấp hơn so với dầu Brent giao ngay được bán với giá gần 100 USD/thùng.

Trước đó, vào ngày 13/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể "trật bánh" trừ khi các chính phủ thực hiện các biện pháp để giảm tiêu thụ. Theo IEA, đà tăng của giá nhiên liệu là mối đe dọa cho sự ổn định ở một số quốc gia.

Giá dầu đã tăng từ khoảng 80 USD/thùng vào đầu năm nay lên hơn 120 USD/thùng sau khi xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các đợt phong tỏa chống dịch thúc đẩy nhu cầu.

Nếu giá xăng cao bắt đầu làm giảm nhu cầu ở các nước công nghiệp phát triển, IEA cho biết điều này đã được cân bằng lại nhờ nhu cầu phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển.

IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng lên 99,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và đạt 101,3 triệu thùng/ngày trong năm tới. Trong khi đó, nguồn cung tăng lên 100,1 triệu thùng/ngày trong năm nay và dự kiến lên mức kỷ lục 101,1 triệu thùng/ngày vào năm tới, vẫn thấp hơn nhu cầu.

IEA lưu ý rằng thế giới có rất ít khả năng để tăng sản lượng. Theo cơ quan này, sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thậm chí có thể giảm trong năm tới nếu nguồn cung của Nga sụt giảm do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan