NĐT cá nhân mua gom 545 tỷ đồng cổ phiếu DGC ngay khi Vinachem thoái vốn, xả mạnh nhóm ngân hàng

Cập nhật: 08:29 | 15/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong tuần tăng điểm thứ ba của VN-Index, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đóng vai trò lực cầu chính trên thị trường khi gom ròng hơn 3.100 tỷ đồng tại HOSE. Dòng tiền cá nhân có sự chuyển hướng khi rút ròng mạnh khỏi nhóm ngân hàng để dịch chuyển sang nhóm bất động sản, hóa chất.

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là lực cầu chính đưa VN-Index lên vùng đỉnh mới

Thị trường trong nước có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp khi chỉ số có thêm 16,86 điểm (tương đương 1,16%) và thiết lập đỉnh lịch sử mới tại 1.473,37 điểm. Trong đó, đà tăng điểm mạnh xuất hiện trong phiên thứ Sáu trước thông tin Chính phủ đang nghiên cứu để đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế với quy mô đủ lớn và phù hợp.

Diễn biến tương tự, HNX-Index tăng 13,99 điểm (3,27%) lên mức 441,63 điểm, UPCoM-Index tăng 2,46 điểm (2,27%) đạt 110,66 điểm.

Thống kê theo nhóm ngành, các cổ phiếu xây dựng vật liệu và bất động sản là hai nhóm đóng góp tích cực nhất tới đà tăng của chỉ số. Dòng tiền có sự tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ khi các mã tăng mạnh nhất tuần là các cổ phiếu nằm ở sàn UPCOM, trong đó có PTO, L12, SDJ, DCR, TL4, SCC, L14, VE3 đều ghi nhận mức tăng trên 40%.

2651-20211115-082000
Giao dịch khớp lệnh sàn HOSE của nhà đầu tư cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Xét giao dịch khớp lệnh của các nhóm nhà đầu tư, khối ngoại và các tổ chức trong nước duy trì trạng thái bán ròng trong tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị rút ròng lần lượt đạt 912 tỷ đồng và 2.222 tỷ đồng.

Ngược lại, các cá nhân trong nước vẫn đóng vai trò lực cầu chính giữ đà tăng cho thị trường. Nhóm này gom ròng với quy mô 3.103 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,3% so với tuần trước và tiếp tục là lực cầu lớn nhất. Theo sau, nhóm tự doanh công ty chứng khoán chuyển mua ròng nhẹ 31,4 tỷ đồng.

Dòng tiền vẫn diễn biến sôi động đưa giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE lên mức 30.977 tỷ đồng, giảm 2,21% so với tuần kỷ lục trước đó nhưng vẫn tăng 28,56% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Dòng vốn cá nhân rút ròng nhóm ngân hàng, chuyển hướng sang cổ phiếu bất động sản, hóa chất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các cá nhân trong nước áp đảo khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.

Trong đó, cổ phiếu nhóm bất động sản được mua gom nhiều nhất với giá trị lên tới 1.701 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với tuần trước. Có thể thấy nhóm này đã lấy lại vị thế tâm điểm thu hút dòng tiền sau nhịp điều chỉnh mạnh trong phiên 3/11. Trong top10 mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index, có tới 4 đại diện của các doanh nghiệp bất động sản là DIG, GBR, NLG, KBC.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của nhà đầu tư cá nhân cũng được đẩy mạnh ở nhóm cổ phiếu hóa chất với 639 tỷ đồng. Trong quý III, các doanh nghiệp nhóm này hầu hết báo lãi cao gấp 8 lần cùng kỳ nhờ giá bán thành phẩm leo thang.

Dòng tiền cá nhân nội cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm hàng & dịch vụ công nghiệp (567 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (545 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (515 tỷ đồng)...

2707-20211115-082024
Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn ròng diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm cổ phiếu của các nhà băng với quy mô gần 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần trong tuần trước. Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng giữa bối cảnh các cổ phiếu nhóm này vẫn đang biến động trong biên độ hẹp không rõ xu hướng.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là thực phẩm & đồ uống (135 tỷ đồng), bán lẻ (106 tỷ đồng)...

Tập trung gom hơn 500 tỷ đồng mã DGC, cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu top bán ròng

Giao dịch tại chiều mua của nhà đầu tu cá nhân tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 545 tỷ đồng.

Giao dịch của các cá nhân gần như đối ứng với các tổ chức trong nước khi nhóm này cũng bán ròng hơn 544 tỷ đồng mã DGC. Nhiều khả năng đây chính là động thái thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sau khi đăng ký bán toàn bộ hơn 15 triệu cp DGC từ ngày 8/11 đến ngày 7/12. Nếu hoàn tất, ước tính Vinachem sẽ thu về hơn 2.314 tỷ đồng từ thương vụ.

Nối tiếp, các cá nhân gom ròng 410 tỷ đồng cổ phiếu DXG của Đất Xanh Group khi giá cổ phiếu liên tục tăng trong tuần. Đồng thuận với các cá nhân, nhóm quỹ Dragon Capital đã thực hiện mua vào tổng cộng 491.300 đơn vị cổ phiếu DXG trong phiên 11/11.

Bên cạnh DXG, nhà đầu tư cá nhân cũng thực hiện gom ròng hàng loạt cổ phiếu bất động sản - xây dựng trong tuần qua, nổi bật là các mã NLG (277 tỷ đồng), NBB (239 tỷ đồng), CII (214 tỷ đồng).

2730-20211115-082040
Top 10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại chiều bán ròng, dòng tiền cá nhân nội đồng loạt rút khỏi nhiều cái tên ngành ngân hàng. Trong đó, CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là mã bị rút ròng nhiều nhất với 186 tỷ đồng.

Theo sau, nhóm này rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu của các nhà băng, lần lượt là VCB (164 tỷ đồng), ACB (142 tỷ đồng), HDB (118 tỷ đồng), SSB (96 tỷ đồng), TCB (83 tỷ đồng). Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có VHC (116 tỷ đồng), MSN (112 tỷ đồng), FLC (108 tỷ đồng), DBC (106 tỷ đồng).

Thị trường chứng khoán: Đường dài tích sản

Không ít tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng lớn trên thị trường đã định hướng nhà đầu tư mới tích sản bằng việc nắm ...

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Sóng đầu cơ sẽ hạ nhiệt?

Mặc dù rủi ro trong ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, nhưng nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn chiếm ưu thế và nhà đầu ...

Đa số doanh nghiệp FDI đang niêm yết đều có lãi

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, phần lớn doanh nghiệp FDI đều có lãi và ...

Thảo Bùi

Nguồn Doanh nghiệp Niêm yết