Kinh nghiệm lên sàn

Nắm một cổ phiếu không giảm sâu, nhưng tăng thì mãi chẳng chịu, bán thì sợ lỗ, nên làm gì đây?

Nguyễn Đăng 27/05/2025 07:27

Bạn đang nắm một cổ phiếu không giảm sâu nhưng cũng không chịu tăng. Bán thì tiếc vì đang lỗ nhẹ, giữ thì vốn bị chôn. Đó là lúc nhà đầu tư dễ rơi vào trạng thái… không biết làm gì.

Trên thị trường, không thiếu những cổ phiếu mà nhà đầu tư gọi vui là “hàng kẹp”. Đó là khi bạn mua một mã vì kỳ vọng nó sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Giá không sụt sâu đến mức buộc bạn phải cắt lỗ, nhưng cũng chẳng có động lực nào để bật tăng. Sau vài tháng, cổ phiếu vẫn loanh quanh trong vùng giá mua, thậm chí còn thấp hơn một chút. Bạn không dám bán vì “sợ nó tăng ngay sau đó”, mà cũng chẳng còn hứng thú để theo dõi mỗi ngày.

kẹp hàng
"Kẹp hàng" là tình trạng phổ biến các nhà đầu tư gặp phải

Tình huống này rất phổ biến. Vấn đề nằm ở chỗ: Chúng ta thường đánh giá cổ phiếu dựa trên cảm xúc “tiếc”, chứ không dựa trên cơ hội thực tế.

Khi một cổ phiếu không tăng trong thời gian dài, điều đầu tiên cần làm là nhìn lại lý do bạn mua mã đó. Bạn có kỳ vọng cụ thể gì? Câu chuyện tăng trưởng nào khiến bạn giải ngân? Lý do đó còn đúng không? Nếu cổ phiếu trì trệ vì thị trường chung yếu, nhưng nền tảng doanh nghiệp vẫn tốt, bạn có thể cân nhắc giữ. Nhưng nếu doanh nghiệp không có động lực mới, ngành không còn hấp dẫn, kết quả kinh doanh bình bình và thanh khoản èo uột, thì việc tiếp tục giữ chỉ là sự chần chừ trong tâm lý.

Nhiều nhà đầu tư rơi vào “bẫy kỳ vọng hồi vốn”. Họ giữ mã cổ phiếu không tăng suốt nhiều tháng chỉ vì muốn chờ về giá mua. Nhưng chờ để hòa vốn thực ra là một quyết định mang chi phí cơ hội rất lớn. Trong khoảng thời gian bạn bị chôn vốn ở cổ phiếu đó, có thể có hàng chục mã khác đang cho lợi nhuận tốt hơn. Và nếu bạn không thoát khỏi tâm lý "phải gỡ lỗ", bạn sẽ liên tục giam mình trong trạng thái đầu tư thụ động.

Vậy phải làm gì khi “kẹt” cổ phiếu kiểu này?

Trước hết, hãy đánh giá lại toàn bộ danh mục. Mỗi cổ phiếu đều đang chiếm một phần tài nguyên quý giá là vốn và sự chú ý của bạn. Nếu một mã không tạo ra chuyển động trong 3-6 tháng, trong khi thị trường có sóng mới, hãy nghiêm túc cân nhắc xoay vòng. Không phải vì nó xấu, mà vì tiền nên ở nơi có khả năng sinh lời tốt hơn.

Thứ hai, bạn có thể chia tỷ trọng xử lý. Nếu không muốn bán toàn bộ, hãy giải phóng một phần vốn để linh hoạt hơn. Cách làm này giúp bạn tránh được áp lực "bán là bán hết", đồng thời vẫn giữ cơ hội nếu cổ phiếu bất ngờ có sóng trở lại. Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ rằng giữ lại cũng cần lý do, không phải chỉ vì “sợ tiếc”.

Cuối cùng, hãy học cách tách cảm xúc khỏi quyết định đầu tư. Một cổ phiếu từng được bạn kỳ vọng rất nhiều, nhưng nay không còn đáp ứng tiêu chí đầu tư, thì không còn lý do gì để giữ lại. Đầu tư là dòng chảy, không phải là nơi để hoài niệm. Việc bạn “gắn bó” với một mã cổ phiếu không giúp nó tăng giá. Điều duy nhất có ích là bạn biết khi nào nên chuyển hướng để tối ưu dòng vốn.

Việc giữ mã “kẹp” lâu ngày không khiến bạn thua lỗ ngay, nhưng nó ăn mòn hiệu quả đầu tư trong im lặng. Và đôi khi, đó lại là điều nguy hiểm nhất.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Nắm một cổ phiếu không giảm sâu, nhưng tăng thì mãi chẳng chịu, bán thì sợ lỗ, nên làm gì đây?
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO