Thuế - Bảo hiểm

Chi trả bồi thường bảo hiểm quý I/2025: Bảo Việt dẫn đầu, nhiều doanh nghiệp vượt ngưỡng 40%

Nguyễn Đăng 26/05/2025 18:14

Quý I/2025, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng cả về doanh thu lẫn quy mô chi trả bồi thường.

Theo số liệu mới công bố từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong quý I/2025 ước đạt 21.775 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục giữ vai trò chủ lực với doanh thu đạt 5.125 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng doanh thu và tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi kèm với tăng trưởng này là mức chi trả bồi thường rất cao, khi nghiệp vụ xe cơ giới tự nguyện ghi nhận tỷ lệ bồi thường lên tới 50,4%, mức cao nhất trong các nhóm nghiệp vụ.

công ty bảo hiểm niêm yết
Tỷ lệ bồi thường tại các công ty bảo hiểm niêm yết sàn chứng khoán
(Nguồn: Tổng hợp BCTC quý I/2025 các công ty)

Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc toàn thị trường trong quý I đạt 5.477 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 25,2% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Đáng chú ý, bảo hiểm cháy nổ tự nguyện dù doanh thu sụt giảm 39,7% còn 1.774 tỷ đồng, vẫn ghi nhận tỷ lệ bồi thường cao, ở mức 41,6%. Các con số này cho thấy thách thức kép với doanh nghiệp bảo hiểm: vừa tăng trưởng doanh thu, vừa phải đối mặt với áp lực chi trả ngày càng lớn.

Phân theo doanh nghiệp niêm yết, tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025 của 12 công ty bảo hiểm trên sàn cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt khoảng 17.301 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí bồi thường bảo hiểm lên tới 10.722 tỷ đồng. Trung bình, nhóm này có tỷ lệ bồi thường lên tới 61,97%, cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Điều này cho thấy mức độ rủi ro mà các doanh nghiệp lớn đang trực tiếp gánh chịu thay vì chuyển giao qua tái bảo hiểm.

Dẫn đầu thị trường là Tập đoàn Bảo Việt, với doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt 9.785 tỷ đồng. Tuy nhiên, đi kèm với quy mô lớn là mức chi trả bồi thường rất cao, lên tới 8.296 tỷ đồng – tương ứng tỷ lệ 84,78%. Đây là mức bồi thường cao nhất trong toàn nhóm, bỏ xa các doanh nghiệp còn lại. Tái bảo hiểm Hà Nội đứng thứ hai với tỷ lệ 50,4%, tiếp theo là Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) 43,63%, PJICO 40,65% và Tập đoàn Bảo hiểm DBV 38,23%.

Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Bảo hiểm BIDV (BIC) ghi nhận tỷ lệ bồi thường thấp nhất, lần lượt là 15,69% và 27,28%. Đây cũng là những doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế cao, cho thấy khả năng kiểm soát tổn thất hiệu quả và chiến lược khai thác ổn định. Đặc biệt, BIC ghi nhận lãi sau thuế 155,6 tỷ đồng, đứng thứ hai toàn nhóm, chỉ sau chính Bảo Việt.

Bức tranh toàn ngành đang phản ánh rõ sự phân hóa về năng lực quản trị rủi ro giữa các doanh nghiệp. Trong số 34 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chỉ có 15 đơn vị và một chi nhánh bảo hiểm nước ngoài giữ được tỷ lệ bồi thường dưới mức trung bình toàn thị trường, trong khi 18 đơn vị còn lại có tỷ lệ vượt ngưỡng. Đây là chỉ báo cho thấy không chỉ riêng các nghiệp vụ rủi ro cao như xe cơ giới hay cháy nổ, mà còn có sự khác biệt lớn trong chính sách khai thác, định phí và kiểm soát tổn thất của từng doanh nghiệp.

      Nổi bật
          Mới nhất
          Chi trả bồi thường bảo hiểm quý I/2025: Bảo Việt dẫn đầu, nhiều doanh nghiệp vượt ngưỡng 40%
          • Mặc định

          POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO