Muốn xương chắc khỏe, hãy tránh xa ba loại nước uống này
Một số loại nước được tiêu thụ hàng ngày có thể “rút canxi” khỏi cơ thể mà bạn không hề hay biết, khiến xương yếu dần, dễ gãy ngay cả khi còn trẻ.
Chúng ta thường chăm chỉ bổ sung canxi từ sữa, hải sản, viên uống… để bảo vệ hệ xương. Nhưng có một sự thật ít người để ý: một số loại nước tưởng chừng vô hại, thậm chí quen mặt trong cuộc sống hàng ngày, lại đang âm thầm “rút ruột” hệ xương của bạn mỗi ngày.

Dù là người trẻ tuổi hay trung niên, một khi mật độ xương suy giảm – nguy cơ gãy xương, loãng xương, thoái hóa xương khớp... sẽ sớm trở thành sự thật. Dưới đây là 3 loại thức uống phổ biến, nhưng nếu không kiểm soát lượng tiêu thụ, chúng có thể biến hệ xương vững chắc của bạn thành “vỏ trấu”.
1. Rượu: Kẻ “đánh sập” xương khớp từ bên trong
Nhắc đến rượu, người ta thường nghĩ đến gan. Nhưng ít ai biết rằng xương cũng là một trong những cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thói quen uống rượu thường xuyên.

Rượu làm ức chế quá trình tạo xương mới khiến mật độ xương giảm dần theo thời gian. Làm giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất thiết yếu như canxi, magie, kẽm, tất cả đều cần thiết cho sự hình thành xương.
Khi bị gãy xương, người uống rượu lâu năm sẽ mất nhiều thời gian hồi phục hơn, do quá trình tái tạo xương bị chậm lại đáng kể. Hậu quả không chỉ là đau nhức, mà còn là những vết nứt, gãy xương bất ngờ khi trượt chân nhẹ hay vấp ngã đơn giản, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi.
2. Cà phê: Uống không kiểm soát, xương bị "rút ruột" từng ngày
Một ly cà phê vào sáng sớm có thể giúp bạn tỉnh táo. Nhưng nếu bạn cần đến 4–5 ly mỗi ngày để giữ tỉnh táo thì nên coi chừng: caffeine trong cà phê là thủ phạm giấu mặt khiến xương bị suy yếu từ từ.
Các nghiên cứu y học cho thấy:
Caffeine làm giảm hấp thu canxi tại ruột.
Đồng thời, tăng bài tiết canxi qua đường tiểu, khiến lượng canxi từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung bị mất đi trước khi kịp vào xương.
Hậu quả không chỉ là xương giòn, mà còn gây chuột rút, co giật cơ, rối loạn thần kinh cơ khi cơ thể rơi vào tình trạng thiếu canxi trầm trọng.
Khuyến cáo từ chuyên gia: Không nên uống quá 2–3 ly cà phê/ngày, và nên bổ sung nước lọc, rau xanh, sữa hoặc thực phẩm giàu canxi để trung hòa.
3. Nước ngọt có gas: Thủ phạm “rút canxi” số 1 trong chế độ ăn hiện đại
Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết: trong mỗi lon nước ngọt có gas là một công thức tàn phá xương được pha sẵn.
Thành phần chính gây hại là axit photphoric là chất làm mất cân bằng tỷ lệ canxi, photpho trong cơ thể.
Khi tỷ lệ này lệch, cơ thể phải “mượn” canxi từ xương để bù vào máu, dẫn đến tình trạng “xương rỗng ruột”.
Thêm vào đó, lượng đường cao trong nước ngọt giảm hấp thu canxi tại ruột, làm giảm chất lượng xương về lâu dài.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy: người tiêu thụ nhiều nước ngọt có gas có nguy cơ gãy xương hông cao hơn 30–40% so với người ít dùng.
Đáng lo hơn, thức uống này lại là món khoái khẩu của giới trẻ và trẻ em, khiến tỉ lệ loãng xương sớm đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm tuổi dưới 35.
Không ai phủ nhận cảm giác sảng khoái mà một cốc nước ngọt, ly cà phê hay chén rượu mang lại. Nhưng khi thói quen trở thành lạm dụng, cái giá phải trả không chỉ là vài viên thuốc bổ xương, mà là những năm tháng sống với đau nhức, gãy xương, thậm chí nằm liệt vì vỡ xương hông sau một cú ngã nhẹ.
Để giữ xương chắc khỏe lâu dài, bạn nên:
Giảm tần suất uống rượu, cà phê, nước ngọt có gas xuống mức tối thiểu.
Uống đủ nước lọc, bổ sung sữa, hạt, đậu nành, rau xanh đậm, cá nhỏ ăn cả xương.
Tập thể dục đều đặn – đặc biệt là các bài tập chịu lực như đi bộ nhanh, leo cầu thang, tập tạ nhẹ.
Kiểm tra mật độ xương định kỳ nếu bạn trên 40 tuổi hoặc có tiền sử thiếu hụt canxi.