Mở lại đường bay nội địa: Giá vé máy bay tăng vọt

Cập nhật: 16:20 | 12/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từ ngày 10-20/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho phép khôi phục một số đường bay nội địa. Ngay sau khi có thông tin các đường bay được mở lại, nhiều hãng hàng không đã tổ chức mở bán vé với giá khá cao.

Lexus LX 600 sắp ra mắt, phiên bản nâng cấp thay thế LX570 có gì đặc biệt?

Giá gas hôm nay 12/10/2021: Khí đốt tự nhiên tăng trở lại

Mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa thế giới

Đồng loạt tăng giá

Khảo sát trên website của hãng hàng không Vietnam Airlines - đơn vị được Bộ GTVT cho phép khai thác đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại - cho thấy: Từ nay đến hết ngày 22/10, giá vé khứ hồi toàn bộ các chuyến bay chiều từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại đang được bán ở mức 7,2 triệu đồng/vé bao gồm thuế phí. Tương tự, với chuyến khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng đang được bán với giá khá cao, từ 3,6 - 4,5 triệu đồng/vé khứ hồi.

Dù giá bán khá cao nhưng hầu hết vé hạng phổ thông của Vietnam Airlines từ nay đến ngày 17/10 đã hết. Nếu hành khách vẫn có nhu cầu di chuyển từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ phải mua vé hạng thương gia được bán với mức giá 7,6 triệu đồng/một chiều, vé khứ hồi lên đên 15,2 triệu đồng/vé đã bao gồm thuế phí.

1836-hangkhong
Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, không chỉ Vietnam Airlines mà hầu hết các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet Air sau khi được phép hoạt động trở lại cũng đã tăng giá vé phổ thông từ 1,2 - 2 triệu đồng/vé so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Cụ thể giá vé 1 chiều chuyến bay Sài Gòn - Đà Nẵng của Bamboo Airways lên đến 1,8 triệu đồng/vé; còn vé của hãng hàng không Vietjet cũng trên 1 triệu đồng/vé 1 chiều. So với trước dịch Covid-19, giá vé đường bay này của 2 hãng hàng không đều đã đắt đắt gấp đôi.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), trong ngày 10/10, các hãng hàng không đang triển khai 11 chuyến bay (giãn cách ghế). Gồm, TP.HCM - Đà Nẵng 75 khách, Đà Nẵng - TP.HCM 14 khách; từ TP.HCM - Phú Quốc chỉ có 30 khách, Phú Quốc- TPHCM 37 khách; từ TP.HCM đi Chu Lai tổng 33 khách, chiều Chu Lai-TP.HCM 5 khách; TPHCM - Quy Nhơn 55 khách, Quy Nhơn - TP.HCM 20 khách; TP.HCM- Nha Trang 27 khách, chiều ngược lại 20 khách.

Riêng chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM lên tới 160 khách khởi hành 14h chiều do Vietnam Airlines thực hiện. Chuyến chiều ra được tổ chức là chuyến bay công vụ, không có khách thương mại. Trong ngày đầu tiên khôi phục lại các đường bay, các hãng hàng không đã phải hủy 27 chuyến bay.

Bên cạnh các chặng bay đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng không thực hiện được vì lý do thời tiết mưa bão thì các chuyến bay của Vietnam Airlines chặng TP.HCM - Hà Nội, của Vietjet chặng Đà Nẵng - Hà Nội đều không thực hiện được do TP.Hà Nội quy định bắt buộc hành khách phải cách ly tập trung sau khi hạ cánh nhưng chưa đưa ra hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, mặc dù đã được chấp thuận khai thác một chuyến bay khứ hồi chở khách từ TP.HCM đi Hà Nội nhưng chuyến bay không thể thực hiện được vì Hà Nội chưa thống nhất về việc cách ly tập trung.

Cụ thể, hãng đã bán hết vé và khách cũng sẵn sàng lên đường. Chuyến bay từ TP.HCM dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 12h trưa 10/10. Tuy nhiên vào phút chót Vietnam Airlines nhận được thông báo của TP.Hà Nội về việc chưa bố trí được nơi cách ly, nên chuyến bay buộc phải hủy bỏ. Vietnam Airlines đã hoàn trả tiền vé cho khách và xin lỗi về sự cố này.

Cũng liên quan đến quy định cách ly, chuyến bay VJ632 của Vietjet Air có hành trình TP.HCM đi Đà Nẵng chở theo 75 hành khách đã phải tạm dừng 40 phút vì nhận được thông tin địa phương "chỉ tiếp nhận hành khách đến, từ các khu vực không có ca mắc trong cộng đồng trong vòng 14 ngày".

Doanh nghiệp vẫn lỗ

Nhiều người tiêu dùng phản ánh, giá vé khứ hồi Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hoặc TP Hồ Chí Minh - Hà Nội hạng thương gia lên đến 15 triệu đồng đắt bằng... 2 cặp vé khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh đi Bangkok (Thái Lan) ở thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lý giải nguyên nhân khiến giá vé máy bay đứng ở mức cao, nhất là đường bay khứ hồi Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và ngược lại, đại diện Vietnam Airlines nêu rõ, giá vé tăng cao trong thời điểm hiện nay là bởi đang trong giai đoạn thí điểm nên buộc phải giới hạn ở mức 1 chuyến khứ hồi/ngày nên thu không đủ bù chi.

Đồng tình với lý giải này, nhiều hãng hàng không nêu rõ các chuyến bay trong giai đoạn thí điểm đầu tiên này sẽ không thể có lãi. Theo Phó Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng, trong giai đoạn hiện nay các hãng hàng không sẽ không thể có lãi, nhất là trong điều kiện mỗi chuyến bay chỉ chở 50% số khách. "Dù giá vé có kịch trần cũng không thể lãi được, nhìn thấy trước là lỗ" - ông Trọng chia sẻ.

Nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đến Hà Nội, chiều 11/10 UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 3487/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT về việc thí điểm mở đường bay nội địa thường lệ đi và đến TP Hà Nội. Trong đó nêu rõ đối với hành khách đủ điều kiện theo quy định của Bộ GTVT, Bộ Y tế thì thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương và TP Hà Nội.

Thu Uyên (Tổng hợp)