Lý giải nguyên nhân ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng đi xuống trong năm 2023

Cập nhật: 13:18 | 09/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp kém khả quan khiến dòng tiền của doanh nghiệp suy yếu nghiêm trọng, làm gia tăng rủi ro nợ xấu, từ đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản và rủi ro tín dụng ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 có phần khiêm tốn và thận trọng.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 có phần khiêm tốn và thận trọng

Theo báo cáo về ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ tác động tiêu cực lên ngành ngân hàng khi rủi ro tín dụng gia tăng và chất lượng tài sản suy yếu.

VNDirect cho biết, trong năm 2022, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vào năm 2023 dự báo thấp hơn nhiều, chỉ còn khoảng 11%.

Thông qua việc tích cực mua vào ngoại tệ và ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN, thoanh khoản đã dịu bớt tuy vậy ngành ngân hàng lại chịu nhiều yếu tố bất lợi khác. Các chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng ngành ngân hàng năm 2023 sẽ phải đối mặt với những trở ngại như NIM thu hẹp, lãi suất cao và nợ xấu.

Thực tế, nhận thức được khó khăn, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 có phần khiêm tốn và thận trọng. Theo đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 9% so với năm trước.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 32% năm 2022 xuống 15% trong năm nay, tương đương mức lãi trước thuế kế hoạch 12.200 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,8% so với năm vừa qua. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng này thấp hơn rất nhiều so với kết quả đã đạt được trước đó. Năm 2022, Eximbank lãi trước thuế 3.709 tỷ đồng, tăng 207% so với năm 2021.

Chất lượng tài sản ngân hàng yếu đi là lý do khiến nhà đầu tư dè chừng với cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư cho rằng, các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện. Chỉ khi rủi ro về nợ xấu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng mới có thể lấy lại được đà tăng trưởng.

Trong khi đó, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 2/2023 chỉ tăng chưa đầy 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện NHNN cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng ở mức 1,92%. Nhưng theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, nợ xấu có chiều hướng tăng.

Dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng lên, 11/27 ngân hàng giảm xuống. Tỷ lệ nợ xấu trung bình năm 2022 của 27 ngân hàng đã tăng gần 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực; rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt.

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng có lợi thế về hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi đây không còn là “gà đẻ trứng vàng” trong năm 2023 vì nền kinh tế suy yếu là nhu cầu sụt giảm. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng đang có động thái đẩy mạnh thanh tra hoạt động bancassurance.

Quang Đăng