Lối đi nào đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới?

Cập nhật: 08:00 | 27/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Nước ta mới có 11 thương hiệu Việt Nam nằm trong top 1.000 thương hiệu của châu Á, nhưng chưa có thương hiệu nào lọt vào danh sách của Global Brand. Chặng đường mang thương hiệu ra toàn cầu còn khá dài. Làm sao đẩy mạnh hỗ trợ thương hiệu bay cao, bay xa hơn?

Đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn cầu

Thương hiệu VinMart sẽ biến mất sau tháng 4/2022

Tận dụng cơ hội đưa gạo Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế

Thời gian qua, nhiều sản phẩm Việt, nhất là nông sản không tìm được đầu ra đã phải kêu gọi người tiêu dùng "giải cứu". Doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ chưa xây dựng được kết nối cung - cầu sản phẩm bền vững là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

Tại diễn đàn "Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022", PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia thương hiệu, thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia, cho rằng thương hiệu quốc gia không bao giờ đứng một mình mà phải nằm trong mối tương quan tổng hòa của thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia.

5311-nongsan
Ảnh minh họa

Xây dựng thương hiệu - xây dựng niềm tin của khách hàng

Theo vneconomy, là doanh nghiệp nhiều năm đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, chia sẻ khi bắt đầu kinh doanh ông không có khái niệm về thương hiệu. Lúc đó ông chỉ nghĩ rằng đất nước thiếu gì thì nhập khẩu về và nhập nguyên cả thương hiệu của họ. Khi nhập khẩu chịu mức thuế rất cao, tới 40%, lúc ấy ông nảy sinh suy nghĩ: tại sao mình không sản xuất, nếu sản xuất thì sản xuất như thế nào?

Việt Nam có nguồn tài nguyên là nhân công giá rẻ và đây chính là điều thôi thúc ông Phú bắt tay vào sản xuất. Lô hàng đầu tiên được sản xuất ra rất khó bán dù chỉ là các đồ dùng gia dụng như nồi, chảo… Sản phẩm có mẫu mã y chang sản phẩm nhập khẩu, được sản xuất trên dây chuyền máy móc cũng nhập từ Hàn Quốc, giá bán thậm chí rẻ hơn 10% hàng nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc… nhưng lại rất khó bán.

Sau thời gian dài loay hoay tìm hiểu, ông Phú mới ngộ ra sự khác nhau ở sản phẩm chính là niềm tin của người tiêu dùng. Dù hình thức nhìn giống nhau nhưng người tiêu dùng e ngại chất lượng có giống hay không. “Trong khi họ đã dùng sản phẩm này 10 năm, đã quen với thương hiệu đó thì đắt hơn họ cũng vẫn mua. Vì thế họ dùng sản phẩm quen còn hơn là thử cái mới”, ông Phú nhận định.

Đây cũng là khái niệm đầu tiên về thương hiệu mà ông Phú nhận ra kể từ khi bắt tay vào sản xuất. Do đó, thay vì giảm giá 10%, Sunhouse đã phải điều chỉnh kỹ thuật, giảm tới 50%… Khi đó sản phẩm mới có tín hiệu bán được, thậm chí chấp nhận lỗ ban đầu.

Cho nên, ông Phú kết luận, làm thương hiệu không phải là tự dưng người tiêu dùng mua của mình mà là tổ hợp của rất nhiều nỗ lực hành động của doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, để chứng minh lợi ích của sản phẩm đưa đến cho người dùng. Người dùng phải cảm nhận được sản phẩm đó có nhiều lợi ích hơn sản phẩm đang cạnh tranh khác, từ đó mới thuyết phục được người dùng. Sau 20 năm sản phẩm của Sunhouse đã vượt xa nhiều đối thủ. Giá bán của Sunhouse so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường dù đắt hơn 5-10% các sản phẩm khác nhưng vẫn được người dùng tin mua.

Tuy nhiên ông Phú cho rằng không thể lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để thu lời bất chính. Khi đã có niềm tin, cần liên tục trau dồi, gia tăng tổng lợi ích người tiêu dùng nhận được lớn hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, khi đó thương hiệu mới bền vững và phát triển.

Tạo điều kiện đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài

Theo báo KT&ĐT, tại hội thảo "Kết nối cung - cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định FTA qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên những FTA này cũng tạo thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, trong khi đó đa phần doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ, tiềm lực không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập...

5314-nongsan1
Ảnh minh họa

Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, thực tế hoạt động kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm thời gian qua cho thấy giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà bán lẻ chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng. Trong khi đó hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng nên gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững.

Tương tự, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phản ánh, mặc dù người nông dân đã chuyển dần sang sản xuất rau sạch nhưng hiện việc tiêu thụ vẫn dựa vào kênh phân phối truyền thống đến 70% sản lượng. Kênh này với nhiều thành tố trung gian, khiến chi phí marketing của kênh tăng, trong khi giá trị sản phẩm không thay đổi. Trong khi đó, kênh phân phối “Nông dân - người bán lẻ - tiêu dùng” lại chiếm sản lượng tiêu thụ rất thấp, khoảng 10%. Thực trạng trên cho thấy, cung và cầu nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng nghịch lý là kết nối cung - cầu vẫn chưa gặp nhau.

Chiến lược kinh doanh

Theo các chuyên gia kinh tế, để lấy được niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, tránh biến động giá. Cùng với đó, cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) - TS Võ Đại Lược cho rằng, để xây dựng được kết nối cung - cầu bền vững đòi hỏi Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình ngang với doanh nghiệp FDI. Đặc biệt nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi đầu tư công nghệ cao, hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nỗ lực phấn đấu vươn lên; cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ doanh nghiệp nước ngoài qia đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh.

Tăng độ phủ sóng cho thương hiệu Việt ở nước ngoài

Mang thương hiệu Việt ra toàn cầu là chuyện không hề đơn giản, nhưng sức mạnh của cộng đồng người Việt ở nước ngoài chính là cầu nối đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam ra toàn thế giới.

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nhân Việt Nam tại châu Âu, cho rằng với gần 5 triệu kiều bào đang sinh sống tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là điều kiện thuận lợi để hàng Việt thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Đây chính là nguồn lực, tiềm năng lớn về nhiều mặt trong đó quảng bá, đưa hàng hóa ra thị trường các nước.

Tại châu Âu, cộng đồng người Việt có thể mang hàng hóa, quảng bá thương hiệu Việt qua việc trực tiếp kinh doanh hàng hóa Việt tại khu vực các nước này. Có 80% người Việt làm ăn kinh doanh tại Đông Âu thông qua nhập khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào EU, phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng hoặc đưa vào hệ thống cung ứng của các doanh nghiệp nước sở tại.

Hơn thế, kiều bào ta còn là nguồn thông tin quý với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận thị trường nước ngoài. Những thông tin về thị trường, thị hiếu, thuần phong mỹ tục, luật pháp kinh doanh đều đòi hỏi những người muốn vào thị trường đó phải nắm rất rõ. Do đó, Việt kiều có thể là nguồn cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước để hàng hóa đáp ứng được các tiêu chí vào thị trường EU.

Ngoài ra, chúng ta có thể quảng bá, đem hàng hóa thương hiệu Việt Nam vào EU thông qua các hệ thống trung tâm thương mại của người Việt. Hoặc chúng ta có thể quảng bá thương hiệu Việt thông qua các doanh nghiệp Việt Nam thành đạt ở nước ngoài.

Những doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài thành đạt có quan hệ chặt chẽ với nhiều chuỗi cung ứng và quan hệ với các thương hiệu khác của nước sở tại. Thương hiệu Việt đi bằng con đường này rất tốt. Cũng thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa tại EU của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thương hiệu Việt có cơ hội giới thiệu văn hóa đặc sắc, các mặt hàng truyền thống tiềm năng của Việt Nam. Khi đó, chúng ta đưa thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng EU dễ dàng hơn.

Bên cạnh sức mạnh của kiều bào Việt ở nước ngoài, doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia cũng dễ dàng tạo dựng hình ảnh, lòng tin cho người tiêu dùng. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, chúng ta cần tạo ra môi trường, cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu của chương trình thương hiệu quốc gia.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin liên quan