Loại rau chỉ vài nghìn đồng nhưng tốt hơn cả nhân sâm nếu ăn đúng cách
Giàu kali, sắt, lutein và vitamin K, loại rau này có thể giúp tim khỏe, mắt sáng, da đẹp. Nhưng ăn sai cách lại dễ khiến bạn… hình thành sỏi thận.
Giữa một rổ rau xanh ở chợ sáng, ít ai để ý đến cải bó xôi (spinach) – loại rau có lá xanh đậm, thân mềm, đôi khi được gọi là rau chân vịt. Giá chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/bó nhưng bên trong cải bó xôi là kho tàng dinh dưỡng đáng giá hơn cả nhiều loại thực phẩm chức năng đắt tiền.

Dưới đây là các thành phần dinh dưỡng chính có trong cải bó xôi:
Vitamin A: Có tác dụng hỗ trợ sức khỏe mắt, tăng cường miễn dịch.
Vitamin C, K: Chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, làm sáng da và tăng cường sức đề kháng.
Axit folic (Vitamin B9): Giúp phát triển tế bào, rất cần thiết cho phụ nữ mang thai để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh.
Sắt: Giúp cải thiện lượng máu, hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Magie, Canxi và Kali: Các khoáng chất này rất tốt cho sức khỏe xương và hệ thần kinh.
Chất xơ: Hỗ trợ hệ tiêu hóa giúp kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì cân nặng ổn định.

Cải bó xôi: “Trợ thủ” cho tim mạch, não bộ và làn da
Với những ai đang lo lắng về huyết áp, tim mạch hay trí nhớ suy giảm, cải bó xôi có thể là một “trợ thủ thầm lặng”. Các nitrate tự nhiên trong cải bó xôi giúp giãn nở mạch máu, giảm áp lực cho tim. Bên cạnh đó, chất sắt không heme có trong rau hỗ trợ tăng sản sinh hồng cầu, ngăn thiếu máu não.
Với phụ nữ sau tuổi 30, loại rau này lại càng “đáng quý” hơn: vitamin A, C, E kết hợp với kẽm và flavonoid trong cải bó xôi giúp kích thích tái tạo collagen, làm sáng da, mờ thâm, ngăn lão hóa sớm.
Đặc biệt, cải bó xôi là “ứng cử viên vàng” trong thực đơn của người ăn chay, người lớn tuổi, người đang hồi phục sức khỏe vì dễ tiêu, ít calo nhưng giàu khoáng chất và chất xơ.
Nhưng nếu dùng sai cách: Xương chưa chắc chắc, sỏi thận đã tới trước
Không thể phủ nhận những giá trị tuyệt vời mà cải bó xôi mang lại. Nhưng như bất kỳ loại thực phẩm nào, khi dùng không đúng cách, lợi có thể thành hại.
Điều ít người biết là cải bó xôi chứa hàm lượng oxalate cao, một loại axit hữu cơ có thể kết hợp với canxi trong cơ thể tạo thành calcium oxalate là thành phần chính của sỏi thận.
Đặc biệt, khi ăn quá nhiều cải bó xôi sống hoặc kết hợp với thực phẩm giàu canxi mà cơ thể lại thiếu nước, việc kết tinh sỏi sẽ diễn ra nhanh hơn. Những người có tiền sử sỏi thận, gout hoặc chức năng thận yếu cần đặc biệt thận trọng.

Làm sao để ăn cải bó xôi đúng cách và có lợi?
Luộc sơ hoặc hấp nhẹ: Quá trình nhiệt có thể làm giảm lượng oxalate trong cải bó xôi tới 30–40%.
Kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C (ớt chuông, cà chua) để tăng hấp thu sắt và hỗ trợ tiêu hóa.
Tránh ăn cải bó xôi cùng lúc với sữa, phô mai hoặc viên canxi làm giảm nguy cơ tạo sỏi.
Uống nhiều nước nếu bạn ăn cải bó xôi thường xuyên giúp cơ thể loại bỏ oxalate dễ dàng hơn.
Không nên ăn cải bó xôi mỗi ngày mà nên luân phiên cùng các loại rau khác như rau dền, mồng tơi, bí đỏ.
Cải bó xôi không phải nhân sâm, cũng không phải thần dược. Nhưng nếu hiểu đúng, dùng đúng, loại rau bình dân này có thể góp phần làm khỏe tim, sáng mắt, đẹp da, khỏe xương mà không cần đến bất kỳ viên uống bổ trợ nào.
Tuy nhiên, nếu bạn xem nhẹ cách chế biến, ăn quá nhiều hoặc không phù hợp thể trạng thì chính cải bó xôi cũng có thể trở thành “kẻ gây rắc rối” cho thận và hệ tiết niệu.
Hãy nhớ: giá trị của thực phẩm không chỉ nằm ở bảng thành phần dinh dưỡng, mà nằm ở cách bạn sử dụng nó thông minh đến đâu.