Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lập đỉnh ba tháng, tình trạng dư thừa thanh khoản đã được cải thiện

Cập nhật: 10:03 | 05/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 0,19% trong phiên giao dịch ngày 29/9, cao nhất trong hơn ba tháng sau khi NHNN hút hơn 120.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, tín hiệu này cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản đã được cải thiện.

Cụ thể, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 80 - 90% giá trị giao dịch) trong phiên ngày 3/10 đã tăng lên mức 0,74%/năm, cao hơn so với phiên 2/10 (0,55%/năm). Vào phiên giao dịch ngày 29/9, lãi suất qua đêm chỉ ở mức 0,19%/năm. Đó cũng là mức lãi suất cao nhất trong hơn ba tháng trở lại đây (từ ngày 27/6).

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lập đỉnh ba tháng, tình trạng dư thừa thanh khoản đã được cải thiện
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Lãi suất liên ngân hàng thuộc những kỳ hạn khác cũng có xu hướng đi lên so với phiên hôm qua. Cụ thể, kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,73% lên 1,01%, kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,81% lên 1,1%. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,52% xuống 1,3%, tuy nhiên nhìn chung lãi suất vẫn cao hơn so với giai đoạn giữa tháng 9.

Bắt đầu từ tháng 5, do tình trạng dư thừa thanh khoản, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục đi giảm, có thời điểm bằng với mức đáy được ghi nhận vào cuối năm 2020. Lãi suất liên ngân hàng thấp đã gây sức ép lên tỷ giá, nhất là trong bối cảnh USD đang mạnh lên.

Trong bối cảnh như vậy, NHNN đã buộc phải can thiệp bằng cách liên tục hút ròng thông qua kênh tín phiếu. Tổng cộng, trong 10 phiên giao dịch vừa qua, nhà điều hành đã hút ròng khỏi hệ thống hơn 120.700 tỷ đồng qua phát hành tín phiếu với lãi suất trúng thầu qua các phiên có xu hướng tăng lên.

Vào ngày 4/11, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã đạt 1,3%, cao nhất trong những phiên trước đó. Ngoài ra, số lượng tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu tín phiếu cũng có xu hướng đi xuống. Những dấu hiệu trên cho thấy mức dư thừa thanh khoản có thể đã giảm bớt.

Bình luận về động thái của NHNN, PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng áp lực tỷ giá hiện có nhưng động thái hút thanh khoản vừa rồi của ngân hàng trung ương là nghiệp vụ chính sách tiền tệ bình thường trong điều kiện dư thừa thanh khoản.

Theo ông, trong điều kiện dòng vốn ngoại tại Việt Nam tương đối linh hoạt và Việt Nam đang ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, duy trì mặt bằng lãi suất thấp thì áp lực với tỷ giá ngày càng lớn cũng là điều dễ hiểu.

Để góp phần bình ổn tỷ giá, vừa qua NHNN đã có động thái hút ròng thông qua việc phát hành tín phiếu nhưng đó không phải tín hiệu của việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà điều hành đang cố gắng giữ mặt bằng lãi suất thấp nhưng không để tỷ giá biến động quá nhiều, chuyên gia nhận định.

Giới phân tích đánh giá, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

“Chúng tôi cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, công cụ hút ròng qua kênh tín phiếu khả năng sẽ là công cụ chính được NHNN sử dụng để điều tiết thị trường vì thế khối lượng hút ròng có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại và tỷ giá phần nào được điều chỉnh ổn định hơn”, các chuyên gia của BSC nhận định.

Theo đánh giá của một vị chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong mảng kinh doanh ngoại hối và nguồn vốn của các ngân hàng, hoạt động phát hành tín phiếu cho thấy tín hiệu về mặt tái kiểm soát lãi suất liên ngân hàng của Nhà điều hành. Từ đó, nếu xuất hiện các tình huống xấu diễn ra NHNN sẽ dễ dàng điều tiết hơn mà không gây những “cú shock” cho thị trường tiền tệ. Cụ thể, việc hút tiền qua tín phiếu sẽ khiến một lượng tiền không lưu thông đi từ hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước, không tác động xấu tới tỷ lệ thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại hay thanh khoản thị trường. Việc hút tiền này không tác động tới thanh khoản chung hay cung cầu ngoại tệ mà chỉ gián tiếp tác động lên tỷ giá.

“Việc gọi thầu tín phiếu không tác động trực tiếp lên tỷ giá mà chỉ tác động gián tiếp vào chênh lệch lãi suất. Nó sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi NHNN hút hết được lượng tiền thừa không lưu thông khỏi hệ thống. Do đó việc gọi thầu tín phiếu này nhằm đưa ra cho thị trường thông điệp về việc NHNN sẽ tái kiểm soát nhiều hơn lãi suất liên ngân hàng vào thời điểm cuối năm ”, vị này nhận định.

Lý giải về nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Tuy vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Về việc điều hành tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng từng thừa nhận đây là bài toán rất khó. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phân tích, về mặt kinh tế học, lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế.

"Số phận" các ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua ...

11 “đơn thuốc chữa bệnh thừa tiền” của nhóm ngân hàng

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tốc độ tăng trưởng tín dụng có tăng nhưng chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân bởi nhiều ...

Tỷ giá tăng mạnh trở lại, doanh nghiệp loay hoay ứng phó

Sau khi hạ nhiệt vào cuối tuần trước, giá USD tại các ngân hàng đã tăng mạnh trở lại trong các phiên giao dịch đầu ...

Khánh Linh (T/H)