Lãi lớn của ngân hàng đến từ đâu?

Cập nhật: 10:22 | 18/08/2020 Theo dõi KTCK trên

Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng được xem là một trong những nguồn thu phi tín dụng bù đắp cho lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động chính sụt giảm.

1730-ngoaihoi

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh

Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, trong khi nguồn thu lãi suất giảm, hoặc tăng nhẹ thì lãi từ kinh doanh ngoại hối vẫn tăng mạnh.

Tại Eximbank, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 26%, đạt 166 tỷ đồng trong quý II/2020, trong khi quý cùng kỳ chỉ ghi nhận 20 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lãi thuần kinh doanh ngoại hối của Eximbank đạt hơn 219 tỷ đồng so với con số cùng kỳ năm trước 155 tỷ đồng.

Trong khi, thu nhập lãi thuần của Eximbank quý II/2020 giảm 9% so cùng kỳ; hoạt động mua - bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 43%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý II/2020 của ngân hàng chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 552 tỷ đồng, giảm 27,6% so với cùng kỳ.

Tương tự, tại ACB quý II/2020 ghi nhận hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 153 tỷ đồng, tăng 122% so với quý cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, ACB ghi nhận 295 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tăng 98% so với cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi tới 662 tỷ đồng trong khi cùng kỳ bị lỗ 8 tỷ đồng.

Vì vậy, dù trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng đầu năm của ACB gấp 6,5 lần so với cùng kỳ lên 532 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ kém khả quan, giảm 10,6% xuống 797 tỷ đồng; thu nhập lãi thuần đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ... nhưng ACB vẫn đạt 3.819 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay, tăng 5,4% so cùng kỳ.

Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của Sacombank cũng có kết quả khả quan trong quý II/2020, đạt 166 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác của Sacombank trong quý này lại kém khả quan hơn: lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 6% xuống còn 697 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 50 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ xử lý nợ) chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ.

TPBank có thu nhập từ lãi tăng mạnh 25%, kinh doanh ngoại hối gấp 9,6 lần và hoạt động khác gấp 3,9 lần giúp cho lãi trước thuế tăng 34% so cùng kỳ, lên mức hơn 1.025 tỷ đồng.

Với các ngân hàng lớn có thế mạnh trong kinh doanh ngoại hối như Vietcombank cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận khả quan riêng quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối quý II/2020 của Vietcombank đạt 821 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng đạt 1.928 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Tại Vietinbank, ghi nhận mức 644 tỷ đồng lãi từ kinh doanh ngoại hối trong quý II/2020, tăng 77% so với quý cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức tăng 33%.

Tuy nhiên, trong mảng kinh doanh ngoại hối của không ít ngân hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay có một phần đến từ hoạt động kinh doanh vàng miếng ở thị trường nội địa tại những nhà băng được cấp phép kinh doanh vàng.

Thuyết minh báo cáo tài chính ACB cho biết, hàng tháng, vàng được đánh giá lại theo tỷ giá giao ngay tại ngày cuối tháng. Chênh lệch do đánh giá lại hàng tháng được ghi nhận vào chênh lệch tỷ giá hối đoái trên bảng cân đối kế toán riêng vào cuối mỗi tháng và được kết chuyển vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh riêng vào thời điểm cuối kỳ kế toán năm.

Đa số các ngân hàng đều đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng

Thời gian gần đây, vàng được tìm đến như hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, quỹ đầu tư và nhà đầu cơ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung, đã đẩy giá vàng tăng vọt, vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Chính điều này đã đóng góp tích cực trong mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay khi hoạt động truyền thống cho vay sụt giảm bởi dịch bệnh. Còn tỷ giá được NHNN điều hành linh hoạt, ổn định trong nhiều năm nay.

Theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng, kể từ đầu năm 2013, tất cả doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép.

Theo Nghị định 24, điều kiện để kinh doanh vàng miếng với doanh nghiệp là có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, kinh nghiệm kinh doanh vàng từ 2 năm trở lên, đã nộp thuế kinh doanh vàng trên 500 triệu trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới tại tối thiểu 3 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Đối với TCTD, điều kiện để kinh doanh vàng miếng là phải có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới từ 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương trở lên.

NHNN đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm trên cả nước.

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/8: Vietbank nhận giải thưởng cấp châu Á

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/8/2020 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung ...

Phó Vụ Trưởng Vụ ổn định tiền tệ làm Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Phước

Ông Bùi Huy Thọ sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Phước kể từ ngày 15/8/2020.

Ngành ngân hàng đang đi đúng hướng trong "cơn bão" Covid-19

Việc tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỉ lục cho thấy sự đúng đắn trong chính sách tỷ giá và ngoại tệ, nâng cao ...

Lưu Lâm

Tin cũ hơn
Xem thêm