Khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nên sớm chuyển sang chính ngạch

Cập nhật: 07:30 | 23/05/2022 Theo dõi KTCK trên

Việc tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch, chuyển hình thức vận chuyển bằng đường biển, tàu hỏa là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Dự báo xuất khẩu cao su tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022

Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ vào tuần tới

Xuất khẩu cao su tháng 4 giảm sâu, tiêu thụ ở Trung Quốc chững lại

Chính sách "Zero covid" khiến xuất khẩu gặp khó khăn
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định theo tình trạng đóng và mở tại các cửa khẩu với Trung Quốc.

Chính vì vậy, việc tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch, chuyển hình thức vận chuyển bằng đường biển, tàu hỏa là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

2332-xuatkhau
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 4/2022 đạt 327 triệu USD, giảm 19,1% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,17 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng rau quả giảm liên tiếp trong 4 tháng đầu năm 2022; trong đó, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 625,8 triệu USD, giảm 27,7%, chiếm 53,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Ngoài ra, Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid", từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh như tạm ngừng ngay hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá khi phát hiện có ca nghi nhiễm COVID-19 khiến cho hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên đăng tải các thông tin về sự thay đổi của thị trường lên Cổng thông tin của Bộ cũng như xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, doanh nghiệp phải có sự thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Đặc biệt, địa phương khu vực biên giới cần chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.

Xuất khẩu nông sản chính ngạch để hóa giải lời nguyền ùn ứ cửa khẩu

Tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?", bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện cả nước chỉ có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Từ ngày 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn, các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

Đến sáng ngày 4/3, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3.

"Chúng tôi dự kiến ngày 15/3 - 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ", bà Hà nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

"Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi thì doanh nghiệp trở tay không kịp bởi chưa có tầm nhìn chiến lược.

Hiện, thị trường nước bạn không còn dễ tính nữa, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều", ông Bình nói.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn còn nhiều khó khăn như tập quán sản xuất, xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, thói quen mua bán của cư dân biên giới... điều đó tác động đến thương mại song phương.

"Chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu, trình Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây được cho là giải pháp căn cơ", ông Chinh cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hệ thống logistics cũng là yếu tố giúp giảm tải cho cửa khẩu. Hiện, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng xây dựng trung tâm kết nối nông sản tại cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.

"Sau Quảng Ninh, chúng tôi sẽ kiến nghị làm ở Lạng Sơn. Hàng hóa trước khi xuất khẩu sẽ được kiểm dịch sau đó xe hàng có thể đi thẳng qua nước bạn. Nếu có trường hợp ùn ứ thì đó cũng là nơi chế biến, đóng gói tạm trữ một thời gian", ông Hoan nói.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm