Hãng bay nợ tiền dịch vụ, ACV tính phương án khởi kiện

Cập nhật: 11:31 | 29/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Tính đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu.

Mới đây, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về một số công tác cần triển khai thực hiện nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị.

Theo đó, các dịch vụ hàng không mà ACV đang cung cấp cho các hãng bay bao gồm dịch vụ cất hạ cánh; phục vụ hành khách; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; soi chiếu an ninh hàng hoá; cho thuê quầy làm thủ tục hành khách…

Hãng bay nợ tiền dịch vụ, ACV tính phương án khởi kiện
ACV tính phương án khởi kiện các hãng bay nợ tiền dịch vụ

Được biết, tính đến cuối năm 2023, ACV đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% các khoản phải thu khách hàng. Trong đó, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh trong giai đoạn COVID-19.

ACV cho hay, trong năm 2023, mặc dù Tổng công ty đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ nhưng kết quả thu hồi nợ và kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực trạng này đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.

Cụ thể, ACV đã xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm: không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.

ACV hiện đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 sân bay trong cả nước, bao gồm 9 sân bay quốc tế gồm Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 sân bay nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân.

Hãng bay nợ tiền dịch vụ, ACV tính phương án khởi kiện
Tại cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ đồng

ACV làm ăn ra sao trong năm 2023?

Về tình hình kinh doanh, theo thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, ACV cho hay, năm qua, các sân bay do Tổng công ty quản lý, khai thác đã phục vụ trên 113,5 triệu lượt khách, tăng 15% so với năm 2022. Trong đó, lượt khách quốc tế là 32,6 triệu tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 nghìn tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710 nghìn lượt chuyến.

Về kết quả thực hiện tài chính, tổng doanh thu năm 2023 của ACV đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Các chỉ số tài chính của ACV cũng được duy trì lành mạnh, đảm bảo tăng trưởng và phát triển vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại Tổng công ty như: ROA 10,95%; ROE 14,89%. Năm qua, ACV đã nộp ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh lạc quan, năm 2023, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức khởi công 02 gói thầu quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) với tổng giá trị 43.136 tỷ đồng và khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ACV cũng hoàn thành và đưa vào khai thác Nhà ga T2- Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và Cảng hàng không Điện Biên.

Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang được ACV thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 như: phê duyệt dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng); Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Năm 2024, ACV dự kiến phục vụ khoảng 118 triệu khách, tăng 3,3% so với năm 2023. Trong đó quốc tế 39 triệu khách, tăng 16,8% so với năm 2023; khách nội địa 79 triệu khách, đạt 98% so với năm 2023; hàng hóa bưu kiện 1.332 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2023.

Hàng không phục hồi, ACV vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, ghi nhận ...

Cổ phiếu hàng không đứng trước cơ hội "cất cánh"

Trong báo cáo về nhóm cổ phiếu hưởng lợi nhờ Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác, Chứng khoán Mirae Asset đã đưa ...

ACV trích dự phòng phải thu khó đòi hơn 3.600 tỷ đồng của các hãng hàng không

Cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 3.642 tỷ từ các hãng hàng không, chiếm 40% ...

Thái Hà