Giá xăng dầu hôm nay 27/7/2022: Tiếp đà lao dốc

Cập nhật: 06:23 | 27/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 6h ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh khi thị trường dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị kéo chậm lại hơn nữa khi nhiều ngân hàng trung ương quyết định tăng mạnh lãi suất.

Giá xăng dầu hôm nay 26/7/2022: Dầu thô lấy lại đà tăng

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế xăng dầu trước ngày 30/7

Bộ Công Thương: Dự báo giá xăng có thể về mức 24.000 đồng/lít vào cuối năm nay

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2022 đứng ở mức 95,95 USD/thùng, giảm 0,75 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 đứng ở mức 104,44 USD/thùng, giảm 0,71 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu có xu hướng giảm mạnh khi thị trường dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị kéo chậm lại hơn nữa khi nhiều ngân hàng trung ương quyết định tăng mạnh lãi suất.

Các dữ liệu kinh tế được công bố thời gian gầy đây cũng cho thấy các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, EU… đang chậm lại, đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Giới chuyên gia dự báo áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ còn lớn hơn khi các ngân hàng trung ương tiếp tục phát đi thông điệp về việc tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát.

"Giá dầu mỏ áp lực bởi tâm lý lo ngại ngày càng tăng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, điều này sẽ làm nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và giảm nhu cầu nhiên liệu", Giám đốc điều hành Tetsu Emori của tổ chức quản lý quỹ Emori Fund Management Inc với trụ sở tại Nhật Bản nhận định.

Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do thị trường đặt kỳ vọng nguồn cung sẽ bớt khan hiếm hơn khi EU nới lỏng các biện pháp cấm vận đối với dầu thô của Nga.

Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cũng vừa phát đi thông tin cho biết sẽ khôi phục mức sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong 2 tuần tới, thay vì chỉ khoảng 860.000 thùng/ngày như hiện nay.

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 21/7, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng/dầu

Thay đổi

Giá không cao hơn

Xăng E5RON92

- 2.715 đồng/lít

25.073 đồng/lít

Xăng RON95-III

- 3.605 đồng/lít

26.070 đồng/lít

Dầu diesel 0.05S

- 1.735 đồng/lít

24.858 đồng/lít

Dầu hỏa

- 1.099 đồng/lít

25.246 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

- 1.164 đồng/kg

16.548 đồng/kg

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 21/7. Như vậy kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 19 đợt điều chỉnh, trong đó có 13 đợt tăng, 6 đợt giảm.

Ở kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 950 đồng/kg.

Mới đây, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính phải sớm báo cáo phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế với xăng dầu.

Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10% nhằm đa dạng thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu.

Về phía Bộ Công Thương, Chính phủ giao theo dõi sát thị trường, điều hành chủ động và tìm kiếm các nguồn cung có giá ưu đãi; giám sát hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bộ này cũng được giao kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.

Bộ Công Thương dự báo giá xăng có thể về 24.000 đồng/lít

Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, cơ quan này dự báo những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ 2021. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng/lít, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng/lít.

Từ quý IV/2022, giá xăng dầu thế giới được dự báo "hạ nhiệt" về khu mức 110 - 115 USD/thùng. Từ đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Tương đương với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130 - 140 USD/thùng, tăng 66 - 90% so với 2021. Tuy vậy, nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, Quỹ BOG... bình quân giá bán lẻ trong nước chỉ tăng khoảng 35 - 39% với xăng, 51% với dầu so với 2021.

Các mức giá này được tính toán trên cơ sở dự báo giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 100 - 105 USD/thùng, giảm 23 - 25% so với năm 2022.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10%, thay cho phương án gửi xin ý kiến là từ 20% xuống 12% trước đó.

Chính sách này được kỳ vọng sẽ đa dạng nguồn cung xăng từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Minh Phương

Tin cũ hơn
Xem thêm