Giá thép hôm nay 25/4/2022: Về dưới mức 4.900 nhân dân tệ/tấn

Cập nhật: 10:06 | 25/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Ghi nhận vào lúc 9h50 ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức 4.849 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát.

Giá thép hôm nay 22/4/2022: Ghi nhận mức 5.018 nhân dân tệ/tấn

Giá thép hôm nay 21/4/2022: Điều chỉnh nhẹ

Giá thép hôm nay 20/4/2022: Tiếp đà tăng

Ông T. V. Narendran - Giám đốc điều hành của Tata Steel, cho biết, giá thép có thể giảm so với mức hiện tại, nhưng trong thập kỷ tới sẽ vẫn cao hơn so với mức trung bình đã được chứng kiến trong thập kỷ trước khi Trung Quốc giảm xuất khẩu.

Theo ông ước tính, kim loại này sẽ có giá trung bình trong khoảng 650 - 750 USD/tấn trong thập kỷ tới, so với khoảng 400 USD/tấn trong giai đoạn 2010 - 2020 và 550 - 600 USD/tấn trong giai đoạn 2000 - 2010.

Trong khi Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy giá hàng hóa trong vài thập kỷ qua - đầu tiên là do tiêu thụ cao đẩy giá lên, và sau đó là do xuất khẩu cao hơn khiến giá giảm - thì giờ đây nước này có ảnh hưởng ít hơn đến giá hàng hóa, ít nhất là đối với thép.

0521-giathep
Ảnh minh họa

Trung Quốc đã cắt giảm lượng thép xuất khẩu để đáp ứng mục tiêu phát thải, kéo theo đó là làm giảm nguồn cung thép trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, các chính phủ trên toàn thế giới đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng để vực dậy nền kinh tế đang bị đại dịch tấn công, điều này đang thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa, đặc biệt là thép.

Ông Narendran nhận định, nhu cầu sẽ vẫn mạnh bên ngoài Trung Quốc. Hai năm trước, Trung Quốc chiếm 65% nhu cầu thép toàn cầu, hiện đã giảm xuống còn 57% và có khả năng sẽ xuống dưới 50% trong tương lai.

Và trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao hơn, nguồn cung thép có thể không sớm bắt kịp, vì Trung Quốc được đánh giá là có năng lực tăng công suất nhanh nhất so với các nước còn lại, theo The Economic Times.

Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát ở các quốc gia trên thế giới thì tình hình kinh tế cũng có nhiều biến động. Trong đó có tác động đến vật tư sắt, thép trên thị trường.

Theo diễn biến sức nóng của giá xăng dầu, giá sắt thép trong nước cũng tăng thêm từ 460 – 610 đồng/kg tùy hãng và giữ nguyên, từ giữa tháng 3 đến nay.

Thép Hòa Phát tiếp tục duy trì mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Cụ thể, với dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 18.990 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.090 đồng/kg. Thép Pomina bình ổn giá bán 27 ngày liên tiếp, với 2 dòng sản phẩm của hãng bao gồm dòng thép cuộn CB240 ở mức 19.430 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.630 đồng/kg.

Thép VAS chuỗi ngày ổn định giá bán tiếp tục được ghi nhận. Dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 18.890 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 chạm mức 18.990 đồng/kg. Thép Tung Ho, với dòng thép cuộn CB240 có mức giá 18.980 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 19.130 đồng/kg.

Ngành thép nhập siêu 800 triệu USD trong quý I/2022

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 956 nghìn tấn, tăng 75% so với tháng trước nhưng giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị xuất khẩu thép tháng 3 cũng đạt 909 triệu USD, tăng 72% so với tháng 2 và không biến động nhiều so với cùng kỳ.

Tính chung quý I, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng gần 2,3 triệu tấn thép, tương đương 2,3 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm khu vực ASEAN (40,5%), Khu vực EU (19%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc (7%) và Hồng Kông (4%)…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép cũng tăng khá mạnh cả về lượng và giá trị. Cụ thể trong tháng 3, nhập khẩu thép thành phẩm vào Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD tăng 23% về lượng và tăng 22% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung quý I, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 3 triệu tấn với trị giá hơn 3,1 tỷ USD, giảm 18% về lượng nhưng tăng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm Trung Quốc (32,5%), Nhật Bản (16%), Ấn Độ (13%), Hàn Quốc (11%) và Đài Loan (10%)…

Như vậy, trong quý I, ngành thép của Việt Nam nhập siêu 800 triệu USD.

Dự báo xuất khẩu thép năm 2022 tăng 15%

Trong quý I, xuất khẩu thép tăng trưởng mạnh song vẫn nhập siêu 800 triệu USD. Song nhìn chung, xuất khẩu thép năm 2022 sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tươi sáng.

Trong báo cáo ngành thép, CTCK Mirae Asset dự báo sản lượng xuất khẩu thép dự kiến đạt mức 8,7 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2021.

Sở dĩ, Mirae Asset đưa ra dự báo này bởi thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine.

Hiện nay, Nga xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào EU, với tỷ trọng 14% thép dẹt và 19% thép dài; Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7% thép dài, còn Belarus chiếm 14% thép dài.

Việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường châu Âu và Mỹ.

Mirae Asset nhận định những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôn mạ được hưởng lợi bởi mảng tôn mạ hiện tại đang dư khoảng 30% tổng công suất nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thép cán nguội (CRC) và tôn mạ màu rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh.

Trong đó, ba ông lớn ngành tôn mạ phải kể đến Tôn Nam Kim (Mã: NKG), Tôn Hoa Sen (Mã: HSG) và Tôn Đông Á (Mã: TDA).

Linh Linh

Tin cũ hơn
Xem thêm