Giá nông sản giảm có đủ sức thu hút doanh nghiệp chế biến?

Cập nhật: 09:33 | 18/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, xuất khẩu các sản phẩm rau quả tươi giảm mạnh do chi phí logistics tăng cao, lịch trình vận chuyển bị xáo trộn. Điều gì khiến lĩnh vực chế biến rau quả này chưa thể phát triển dù tiềm năng và dư địa phát triển là khá lớn?

Giá xe Yamaha Exciter 150 mới nhất ngày 18/6/2021 tại TP.HCM

Giá xăng dầu hôm nay 18/6/2021: Quay đầu giảm mạnh

Giá cà phê hôm nay 18/6/2021: Rớt giá 'thê thảm'

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tháng 5, xuất khẩu nông sản tắc đường khiến giá một số củ, quả lao dốc. Cụ thể, khoai lang tím chỉ còn 1.000 đồng/kg, xoài Đài Loan có giá 2.000 đồng/kg, mít Thái chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ còn 6.000- 7.000đồng/kg…

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết xuất khẩu rau quả tươi giảm nhưng các sản phẩm chế biến từ rau quả có chiều hướng gia tăng do các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng quốc tế chuyển sang sử dụng các sản phẩm nông sản chế biến, tiện lợi.

Hiện nay, nguồn cung các rau, củ, quả trong nước trong thời điểm dịch khá dồi dào. Do đó, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, tích trữ nguyên liệu giá rẻ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản chế biến, thu lợi nhuận lớn.

3145-nongsan1
Ảnh minh họa

"Bởi sau khi chế biến, giá trị các sản phẩm rau quả tăng 2 - 6 lần so với rau quả tươi. Nếu chúng ta có nguồn nguyên liệu sạch, công nghệ chế biến hiện đại, thị trường tiêu thụ và hệ thống phân phối lớn thì tương lai lĩnh vực chế biến nông sản có thể trở thành ngành siêu lợi nhuận", ông Nguyên nói.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến nông sản và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong 3 năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã thu hút được nguồn vốn tư nhân đầu tư vào chế biến nông sản khoảng 2,6 tỷ USD với 60 tổ hợp, 7.700 cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Riêng lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp.

Gần đây, tỷ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017, sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, thì đến nay sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô chỉ còn 70%.

Hiện đại hóa khâu chế biến để nâng cao giá trị nông sản

Tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019, Chính phủ đã đặt mục tiêu "nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics nông sản toàn cầu".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), trong những năm qua ngành nông nghiệp đã tái cơ cấu theo hướng hiện đại, công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực và thế giới, giá trị như: Chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, thủy sản...

Việc chú trọng đầu tư chế biến sau thu hoạch, giá trị sản phẩm đã được nâng cao, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch XK nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm.

Hiện nay, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp có mức độ cơ giới hóa cao như ở khâu làm đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, thu hoạch lúa đạt trên 90%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật cây hằng năm đạt trên 70%. Trong chăn nuôi, tại các trang trại quy mô lớn có mức độ cơ giới hóa ngày càng phát triển; tỉ lệ hệ thống tự động cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường ngày càng tăng. Lĩnh vực thủy sản đã áp dụng sử dụng máy móc, công nghệ trong nhiều khâu từ việc kiểm tra nhiệt độ nước, chăm sóc, thu hoạch.

3144-nongsan
Ảnh minh họa

Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các DN trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỉ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch XK nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan, như: Thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, caosu đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm…

Không để chế biến rau quả "sớm nở, tối tàn"

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, xuất khẩu nông sản khó khăn, ùn ứ rau quả tại nhiều địa phương. Từ việc giải cứu nông sản cho bà con nông dân, nhiều doanh nghiệp chế biến đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc, lạ như bánh xoài, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu, bún khoai lang…

Vậy cần làm như thế nào để các sản phẩm này có thể đi đường dài ở thị trường nội địa và quốc tế, chứ không nổi lên như một hiện tượng.

Theo ông Nguyên, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ. Sự vận động của ngành chế biến rau quả phải bám theo tín hiệu thị trường trong nước và thế giới để không sản xuất ồ ạt khiến việc tiêu thụ khó khăn.

Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến cần phải liên kết với người dân sản xuất nguyên liệu đầu vào sạch, không tồn dư hóa chất bởi khách hàng quốc tế ưa chuộng hàng sấy, đóng hộp nhưng cũng khắt khe về nguyên liệu.

"Trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp nên tận dụng các sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bởi, sản phẩm chế biến có thời hạn bảo quản dài và dễ lưu thông hơn so với trái cây tươi", ông Nguyên nói.

Thu Uyên (Tổng hợp)