Giá lợn lại tăng: Ngành chăn nuôi trước nguy cơ bị “chiếu tướng”?

Cập nhật: 11:46 | 09/08/2018 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Từ chỗ khủng hoảng trầm trọng, giá lợn hơi xuất chuồng những ngày qua đã và đang tăng lên chóng mặt, có thời điểm chạm ngưỡng 55.000 – 57.000 đồng/kg. Một con số chưa biết lạc quan đến đâu song cũng khiến Ngành chăn nuôi được phen bù đầu, trăn trở.  

Điều đáng nói, mức tăng này không phải là tín hiệu lạc quan với Ngành chăn nuôi khi chính Bộ NN&PTNT nhận định, giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI). Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới.

Nhìn lại thành quả của cuộc “đại di cư” vào chăn nuôi lợn

Kể từ năm 2015 đến nay, trong khi các mảng chăn nuôi khác như thịt - trứng gia cầm, trâu bò thịt, bò sữa khá ổn định, thì diễn biến chăn nuôi heo lại hết sức bất thường.

Nếu như cuối 2015 đầu 2016, giá heo tăng rất mạnh thì từ nửa cuối năm 2016 đến hết năm 2017 lại là giai đoạn người chăn nuôi heo điêu đứng. Giá tăng mạnh được giải thích do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh, khiến giá nhích lên từng ngày. Sự tăng giá bất thường đó khiến cho một cơn lốc đầu tư vào nuôi lợn gia tăng đột biến.

Đặc biệt, số trang trại chăn nuôi lợn từ cuối 2016 sang đầu năm 2017 đã tăng khoảng 23%, tương đương 22.600 trang trại (trong tổng số 34.200 trang trại chăn nuôi của cả nước, chiếm gần 63%).

gia lon lai tang nganh chan nuoi truoc nguy co bi chieu tuong
Khi giá lợn xuống đáy, thức ăn từ bèo được thay bằng nhiều sổ đỏ (ảnh internet)

Với khoảng 4,5 - 4,6 triệu tấn/năm, tiêu thụ đáp ứng 70 – 75%, số nguồn cung dư ra sẽ vào khoảng 1 triệu tấn. Như vậy nếu không kịp bung hàng ra được ngoại quốc, thị trường giá trong nước sẽ lâm vào thế bí.

Thực tế qua cuộc khủng hoảng về giá trên khắp cả nước năm 2017, người nuôi luôn phải tự bằng lòng, ngậm đắng nuốt cay khi giá bán một cân thịt lợn không mua nổi một cân táo tàu, thậm chí giá thịt lợn rẻ như mớ rau ngoài chợ. Để chống chọi với tình trạng giá lợn giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua, người nuôi vét nhẵn túi, cắm sổ đỏ lấy tiền mua cám cho lợn ăn,... Thế nhưng, với mức lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con, không ít hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, đứng bên bờ phá sản, trắng tay. Buồn hơn, lợn đến kỳ xuất chuồng không ai mua, có nơi tính chuyện đưa lợn thả lên rừng đỡ tốn tiền mua thức ăn.

Liên tiếp là những biến động về giá tưởng chừng như ngành chăn nuôi có thể gỡ gạc được phần nào thiệt hại, tuy nhiên khi “cơn bão giá lợn” quay trở lại, cảnh trắng tay của hàng trăm ngàn hộ dân lại một lần nữa lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó là các thời điểm đầu và giữa năm 2017 khi giá lợn có những diễn biến phấp phỏng khó lường.

Kịch bản “nước đến chân mới nhẩy” liệu có quay trở lại?

Sau khủng hoảng, cơ quan chức năng cũng rốt ráo vào cuộc bàn chuyện tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn. Nhiều biện pháp được đưa ra, như kiểm soát chặt việc tăng đàn, giảm đàn lợn nái; tăng cường xúc tiến với Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch,... Song, cốt lõi là phải thực hiện liên kết chuỗi để kiểm soát chặt dịch bệnh và kiểm soát vệ sinh thực phẩm. Có như vậy, thịt lợn Việt Nam mới đủ điều kiện để vào các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU,...

Mới đây, việc giá lợn tăng cao, xấp xỉ ngưỡng 60.000/kg lại một lần nữa tạo ra những quan ngại cho thị trường. Nói quan ngại là bởi, theo thống kê, nguồn cung lợn thịt sản xuất trong nước có giảm so với cùng kỳ năm 2017, nhưng số lượng không lớn. Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý I/2018, sang đến quý II đã phục hồi tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng 1,5 - 2% vào quý III và quý IV. Đáng nói, trong khi giá thịt lợn trong nước ở mức cao thì giá thịt lợn nhập khẩu lại đang ở mức thấp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá lợn nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.

gia lon lai tang nganh chan nuoi truoc nguy co bi chieu tuong
Nhìn lại diễn biến giá lợn hơi năm 2017 (ảnh Vietnambiz)

Nhận định về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối. Theo đó, giá lợn hơi hiện tăng cao hơn ở các khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thợ mổ ở khu vực này không có điều kiện tiếp cận được những cơ sở chăn nuôi trong trại, “găm hàng” lớn nên càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao. Từ đó gây lan toả tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá thịt lợn cả nước lên cao.

Còn nhớ, thời điểm tháng 4/2018, khi lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại, cán mốc 40.000 đồng/kg, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã nhận định, đó là kết quả của giải pháp cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương kiểm soát giảm đàn lợn nái. Tuy nhiên, có những thời điểm tăng nhanh bất thường (mỗi ngày tăng 2.000 đồng/kg) là do người chăn nuôi găm hàng, tạo hiệu ứng “khan hiếm giả” nguồn cung. Những động thái này, nếu không có giải pháp điều tiết đúng sẽ gây thêm rủi ro cho ngành chăn nuôi.

Sau 4 tháng, đến thời điểm hiện tại, điệp khúc tăng giá “phi mã” lại lặp lại. Rõ ràng, vai trò quản lý, điều tiết, định hướng của các bộ, ngành, cơ quan liên quan là chưa thực sự quyết liệt. Thậm chí, nhiều đơn vị quản lý chuyên ngành, địa phương không có được số liệu thống kê chính xác quy mô đàn lợn, sản lượng thịt lợn trong từng tháng. Do đó, không có biện pháp can thiệp kịp thời để bình ổn thị trường.

Rõ ràng, chỉ trong vòng hơn một năm, giá lợn từ chạm đáy đã lên đỉnh, cao nhất khu vực cho thấy sự bất ổn của ngành chăn nuôi Việt Nam. Dù mới đây, Bộ NN&PTNT đã kịp thời có công văn hỏa tốc đề nghị các địa phương vào cuộc ổn định sản xuất, bình ổn thị trường, song dư luận cho rằng như vậy vẫn chưa phải là đủ. Hơn bao giờ hết, cả ngành NN&PTNT và Công Thương cần phải làm tốt hơn vai trò điều tiết từ sản xuất đến thị trường, đặc biệt là thông tin minh bạch về tình hình thực tế, không chỉ riêng với sản phẩm thịt lợn mà nhiều nông sản, thực phẩm khác. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững và hiệu quả.

Hữu Dũng