Giá dầu thô tại Mỹ lập đỉnh cao nhất trong 7 năm

Cập nhật: 11:00 | 05/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Trong phiên giao dịch ngày 4/10, giữa lúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tiến hành cuộc họp trực tuyến về sản lượng thì giá dầu thô tại Mỹ đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua.

Việt Nam tăng cường nhập khẩu nhiên liệu dầu thế giới

OPEC+ có thể duy trì thỏa thuận tăng sản lượng dầu: Triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới?

Dự báo nhu cầu dầu tăng trong hai thập niên tới

Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng 1,59% và được giao dịch với giá 77,09 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 sau khi chạm mốc 77,26 USD/thùng trước đó.

Cuộc họp của OPEC+ nhằm quyết định liệu có tăng sản lượng dầu hay không để giúp giảm giá dầu đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày.

Chuyên gia Helima Croft thuộc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets của Canada nhận định OPEC+ sẽ chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ về việc tăng sản lượng. Bà cho rằng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc đang leo thang, khả năng OPEC+ sẽ xem xét lại quyết định tăng dần sản lượng đưa ra trước đó và thúc đẩy tăng mạnh sản lượng.

3027-giadautho
Ảnh minh họa

Trong khi đó, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức 90 USD/thùng trong vài tháng tới. Để hạ nhiệt, OPEC+ có thể lựa chọn phương án tăng sản lượng, nhưng vấn đề đặt ra là các nước có sẵn sàng thực hiện điều này hay không.

Tình hình thị trường dầu mỏ thay đổi không đáng kể từ sau cuộc họp của OPEC+ vào đầu tháng trước khi nhu cầu tiếp tục tạo gánh nặng lên nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giá dầu mỏ đã lần đầu tiên tăng lên mức hơn 80 USD/thùng vào tháng trước sau gần 3 năm. Việc giá dầu tăng một mặt có lợi cho các nhà sản xuất bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và doanh thu, mặt khác lại gây ra những hạn chế trong trung hạn vì giá dầu tăng có nguy cơ kìm hãm sự phục hồi kinh tế vốn mong manh sau đại dịch COVID-19.

Trước đó, trong cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng. Tại cuộc họp trước đó hai tháng, các nước này đã nhất trí tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô 400.000 thùng/ngày và mức này được dự kiến giữ nguyên trong thời gian tới.

Ngày 31/8, các chuyên gia OPEC+ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô của năm 2022 sẽ lên tới 4,2 triệu thùng/ngày, tăng so với con số dự báo trước đó 3,28 triệu thùng/ngày. Điều này được cho là có thể OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu trong tương lai.

OPEC+ giữ nguyên kế hoạch sản lượng, giá dầu thô lập đỉnh 3 năm

Sau khi giá dầu thô tăng hơn 50% trong năm nay, một số khách hàng lớn như Mỹ và Ấn Độ đã nhiều lần đề nghị liên minh OPEC+ bơm thêm dầu thô ra thị trường để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp hôm nay (4/10), OPEC+ đã "tái khẳng định kế hoạch điều chỉnh sản lượng" mà các nước thành viên đã đồng ý trước đó. Do vậy, liên minh này sẽ chỉ tiếp tục bơm thêm khoảng 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 11.

Sau thông tin trên, giá dầu Brent đã nhảy vọt lên gần 82 USD/thùng, lập đỉnh ba năm. Chia sẻ với Reuters, Phó Thủ tướng Nga Alexander Noval cho hay: "Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình. Theo như chúng tôi quan sát thấy, nhu cầu thường sẽ giảm trong quý IV nên OPEC+ chưa thể thống nhất kế hoạch tăng sản lượng cho quý cuối năm".

Trước cuộc họp chính sách, một nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng liên minh dầu mỏ đang phải chịu áp lực tăng thêm nguồn cung. Song, người này cho biết thêm: "Chúng tôi đang e ngại làn sóng COVID-19 thứ 4, không ai muốn hành động quá táo bạo".

Hồi tháng 7, OPEC+ đã nhất trí bơm thêm 400.000 thùng dầu/ngày cho đến ít nhất là tháng 4 năm sau, qua đó khôi phục dần mức giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày thực hiện vào năm ngoái.

Nhu cầu dầu thô đang tăng trở lại nhanh chóng, trong khi nguồn cung bị gián đoạn bởi các yếu tố khác nhau. Giữa năm nay, liên tục nhiều cơn bão đổ bộ đã khiến sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sụt giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp dầu mỏ cũng hạn chế đầu tư cho mỏ mới do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Tuần trước, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp mặt Thái tử Mohammed bin Salman tại Arab Saudi để thảo luận về một loạt vấn đề. Tại đó, vị trợ lý cho biết giá dầu tăng cao đang là "mối lo ngại của Mỹ". Ấn Độ, một nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu khác, cũng đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng.

"Hiện tại, hầu hết thành viên của OPEC+ đều thoải mái khi giá dầu Brent neo quanh mốc 80 USD/thùng. Tuy nhiên, điều này lại có nguy cơ khiến các khách hàng lớn như Mỹ và Trung Quốc phật lòng", công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy nhận định.

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm