Gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng

Cập nhật: 15:21 | 29/09/2020 Theo dõi KTCK trên

Tổng cục Thống kê mới đây đã thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) bùng phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ

Petrolimex sẽ bán hết 75 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2020-2021

1958-close
Gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và trùng vào tháng Bảy âm lịch nên riêng tháng 9/2020 cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 203.300 tỷ đồng; giảm lần lượt 23% và gần 30% so với tháng trước. Số lao động đăng ký là 83.000 lao động, giảm 13,8% so với tháng trước.

Tính chung 9 tháng, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng số vốn đăng ký lại tăng 10,7% lên hơn 1,428 triệu tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký là 777.900, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả hơn 2,17 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 29.500 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,5% so với 9 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 133.600 doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600 doanh nghiệp, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 cho thấy có 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020, có 54,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 51,6% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 35% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 29,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 26,5% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu;

Hai yếu tố không tuyển được lao động theo yêu cầu và lãi suất vay vốn cao đều được 23,9% doanh nghiệp lựa chọn; 20,1% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu cao; 19,3% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; chỉ có 6,4% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; 2,5% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoàng Hạ

Tin cũ hơn
Xem thêm