FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng

Cập nhật: 19:00 | 20/07/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP FPT (HOSE: FPT) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.855,6 tỷ đồng - mức cao nhất lịch sử hoạt động.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
FPT ghi nhận lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động

Kết thúc quý II/2023, FPT ghi nhận doanh thu đạt 12.485,5 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 623 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 14,6%, về mức 287,5 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhưng sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn công nghệ này đạt 1.855,6 tỷ đồng, tăng trưởng 18,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của FPT.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của FPT đạt 24.167,6 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.338,7 tỷ đồng, tăng 19,3% còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.665,4 tỷ đồng, tăng 18,2% so với nửa đầu năm.

Được biết, năm 2023, FPT lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 52.289 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 9.055 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn công nghệ này vẫn đang theo sát kế hoạch mà ĐHĐCĐ đề ra khi đã hoàn thành 46% chỉ tiêu doanh thu và 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh theo quý của Tập đoàn FPT

Về kết quả kinh doanh đầy ấn tượng đạt được trong nửa đầu năm 2023, Tập đoàn FPT cho biết thêm, mảng công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và ngoài nước, vẫn tiếp tục là nguồn thu chủ chốt, mang về 14.202 tỷ đồng, chiếm 59% tổng doanh thu và 46% tổng lợi nhuận trước thuế.

Trong đó, doanh thu và lợi nhuận dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài lần lượt tăng 30,2% và tăng 34,6% so với nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, đà tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản vẫn được duy trì, với mức tăng 39,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thông tin từ phía doanh nghiệp, sự tăng trưởng này đạt được là do các đối tác Nhật Bản đang có nhu cầu chi tiêu lớn cho chuyển đổi số - lĩnh vực mà nước này đang bị tụt lại sau Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tập đoàn FPT đang mở thêm các văn phòng mới tại Nhật Bản và tăng cường tiếp xúc với các tập đoàn lớn. Đầu tháng 6/2023, văn phòng thứ 15 của Tập đoàn FPT tại Nhật Bản đã đi vào hoạt động.

Ở chiều ngược lại, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu sụt giảm từ khối khách hàng doanh nghiệp, nên chỉ ghi nhận doanh thu 2.975 tỷ đồng, với mức tăng nhẹ 9%. Lợi nhuận trước thuế của nhóm này đã giảm 24,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 171 tỷ đồng. Về vấn đề này, FPT cho biết, doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với khối chính phủ, bộ ban ngành, khối doanh nghiệp nước ngoài và các ngành kinh tế ít bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo tăng trưởng. Đến nay, tập đoàn công nghệ này đã xúc tiến ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với gần 30 địa phương trên toàn quốc.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
Cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của Tập đoàn FPT

Với mảng Dịch vụ Viễn thông, kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai con số, doanh thu đạt 7.423 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 14,5%.

Bên cạnh đó, nhu cầu giáo dục ngành công nghệ thông tin tăng mạnh đã góp phần thúc đẩy doanh thu của mảng Giáo dục của FPT tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.754 tỷ đồng.

Quy mô tài sản vượt mốc 60.000 tỷ, lượng tiền dồi dào trở lại

Cũng theo báo cáo tài chính của FPT, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp quý II/2023 đã lập kỷ lục ở mức 60.556,7 tỷ đồng, tăng 17,2%. Sự tăng trưởng này chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh, mà cụ thể là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Cụ thể, tính tới ngày 30/6/2023, tiền gửi có kỳ hạn của FPT đạt 20.449,9 tỷ đồng, tăng tới 56,9% so với thời điểm ngày 31/12/2023, chiếm 33,8% tổng giá trị tài sản.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
Quy mô tài sản của FPT đã vượt mốc 60.000 tỷ

Đáng chú ý, dù sở hữu lượng tiền gửi dồi dào như vậy nhưng FPT vẫn tích cực vay nợ. Tại ngày 30/6/2023, tổng nợ vay của tập đoàn này đã tăng 57,8% so với ngày cuối năm 2022, lên mức 19.544,7 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu là 0,68 lần.

Về cơ cấu nợ vay, trong khi khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm 84,5% về còn 229,4 tỷ đồng thì khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng tới 77,1%, lên mức 19.315,4 tỷ đồng.

Xét theo nguyên tệ, FPT vay 6.576 tỷ đồng bằng USD, 3.816 tỷ đồng bằng yên Nhật và 9.152 tỷ đồng bằng đồng Việt Nam.

Cổ phiếu tiệm cận vùng đỉnh lịch sử, vốn hoá doanh nghiệp đạt 101.978 tỷ đồng

Trên sàn chứng khoán, FPT cũng đón nhận tin vui với việc thị giá cổ phiếu tăng liên tục trong suốt hai tháng qua và đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, cổ phiếu FPT đạt mức 80.300 đồng/cp. Theo đó, vốn hoá doanh nghiệp 101.978 tỷ đồng, chính thức trở lại “câu lạc bộ” trên 100.000 tỷ đồng.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
Cổ phiếu FPT đạt 80.300 đồng, nâng vốn hoá doanh nghiệp vượt mức 100.000 tỷ

Như vậy, FPT hiện là doanh nghiệp có giá trị lớn thứ 13 trên sàn chứng khoán.

Được biết, mức cao nhất mọi thời đại của cổ phiếu FPT được xác lập trong phiên giao dịch 14/4/2022 với giá 83.450 đồng/cp.

Trên thực tế, cổ phiếu FPT được đánh giá là một trong số những mã tăng trưởng đều đặn và ổn định nhất trong 10 năm gần đây. Từ năm 2013 đến nay, chỉ có duy nhất năm 2018 là mã cổ phiếu này giảm sâu. Ngay cả năm 2022 khi thị trường lao dốc trong nửa cuối năm, vốn hóa của đoàn công nghệ này vẫn giữ được ngang bằng so với năm 2021.

FPT lãi kỷ lục trong quý II/2023, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng
"Câu lạc bộ" vốn hoá trên 100.000 tỷ (tại thời điểm ngày 20/7/2023)

Thái Hà