Fortex (FTM): Cổ phiếu tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm bất chấp kinh doanh bết bát, quá khứ từng có 30 phiên giảm sàn

Cập nhật: 16:12 | 20/12/2021 Theo dõi KTCK trên

So với mức giá vỏn vẹn 1.420 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021, thị giá FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã tăng gấp 5 lần bất chấp việc kinh doanh bết bát.

5548-fortex
Fortex có ngành nghề kinh doanh chính: Sản xuất sợi; Sản xuất vải dệt thoi; Hoàn thiện sản phẩm dệt; Sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác...

Cổ phiếu tăng mạnh từ vùng 1.xxx đồng

Chốt phiên giao dịch ngày 20/12/2021, thị giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - Mã: FTM) giảm 2% (có thời điểm về sát giá sàn) về mức 7.000 đồng/cổ phiếu.

So với mức giá 1.420 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021, thị giá FTM trong gần 1 năm đã tăng gấp 5 lần. Kèm theo đó, thanh khoản cũng tăng mạnh từ mức vài trăm nghìn lên cả triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.

4706-ftm-1
Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ đầu năm tới nay.

Trước đó vào năm 2019, FTM là một trong những thương vụ "rúng động" thị trường chứng khoán Việt Nam với chuỗi giảm sàn 30 phiên liên tục. Cụ thể, đầu năm 2017, FTM chào sàn với thị giá giao dịch loanh quanh vùng 15.000 đồng/cổ phiếu. Nửa đầu năm 2019, FTM giữ vững nhịp tăng tốt lên mức đỉnh 25.200 đồng/cổ phiếu trong tháng 6, tuy nhiên ngay sau đó đã gây xôn xao thị trường với hàng chục phiên phiên giảm hết biên độ liên tục kể từ ngày 15/8 đến 26/9/2019.

Kết quả, giá cổ phiếu FTM đã gần như đổ đèo thẳng đứng xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu rồi tiếp tục đi ngang và điều chỉnh về vùng giá 1.xxx đồng như đầu năm 2021.

Khi đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã cấp margin cho cổ phiếu FTM và chịu thiệt hại lên đến gần 200 tỷ đồng trong đó có công ty mất khoảng 80 tỷ đồng.

1148-ftm-5
Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ năm 2019 tới nay.

Được biết, cổ phiếu FTM đã được chuyển sang diện cảnh báo từ ngày 26/4/2021 do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2020 là số âm.

Liên quan đến cổ phiếu này, ngày 30/8/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN, kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương.

Theo đó, mỗi cá nhân trên bị phạt tiền 600 triệu đồng, tổng giá trị phạt là 1,2 tỷ đồng khi sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu FTM.

Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra xác định theo quy định tại Điều 211 - Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

Lỗ quý thứ 11 liên tiếp

CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex - Mã: FTM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với khoản lỗ 37 tỷ đồng đồng thời đánh dấu quý thua lỗ thứ 11 liên tiếp kể từ quý 1/2019.

Điểm sáng là doanh thu đạt 88 tỷ đồng - gấp nhiều lần con số 5 tỷ cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,4 tỷ đồng. Song chi phí tài chính lớn 25,4 tỷ đồng - chủ yếu là chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp lỗ ròng.

5239-ftm-3
Lợi nhuận sau thuế của FTM theo quý (Đv: tỷ đồng)

Lũy kế 9 tháng, FTM lỗ 131,5 tỷ đồng - cải thiện so với con số lỗ 151 tỷ cùng kỳ năm trước. Tổng lỗ lũy kế tính đến 30/9 là 328 tỷ đồng/500 tỷ đồng vốn điều lệ.

Tính đến hết quý III, doanh nghiệp có khoản nợ vay ngắn hạn 633 tỷ đồng và vay dài hạn 189 tỷ đồng. Tổng nợ vay gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, công ty cũng có 792 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn - chiếm 51% tổng tài sản trong đó phải thu khách hàng 404 tỷ đồng, trả trước người bán ngắn hạn 219 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn khác 170 tỷ đồng.

Ngoài ra, FTM còn có khoản phải thu cho vay dài hạn 170 tỷ đồng.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Trước đó, tại báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2021, FTM ghi nhận lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng qua đó nâng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng đồng thời tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo đó, kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của công ty.

Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Chứng khoán phiên chiều 20/12: Sập nhanh hồi nhanh, VN-Index về sát tham chiếu

Thị trường chứng khoán trong nước phiên chiều 20/12, sau giờ nghỉ sức bán mạnh diễn ra trên diện rộng. Hàng loạt cổ phiếu chìm ...

Ủy ban Chứng khoán xử phạt BDC Việt Nam, Chủ tịch Everland, người nhà chủ tịch Licogi 13

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã xử phạt hàng loạt cá nhân và tổ chức vì vi phạm quy định trong giao ...

Chuyên gia chứng khoán “phím” 4 nhóm ngành tiềm năng năm 2022

Một số nhóm ngành được chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá tiềm năng trong năm 2022 dựa trên 3 luận điểm ...

Phương Thảo