Đừng để "con ngoan thành con dại" vì game, hãy báo ngay cho bác sĩ khi phát hiện con có những triệu chứng "game thủ"

Cập nhật: 10:02 | 18/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Cảnh báo của BV Tâm thần Trung ương 2, nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ…

Hành trình đau khổ khi con là “con nghiện game”

Người con đó không phải là một cậu bé hư hỏng, học dốt. Ngược lại cậu bé rất thông minh, học giỏi và là niềm tự hào của bố mẹ cậu một thuở. Thế nhưng, đang học năm thứ 2 đại học, người con đó đã không thể tiếp tục theo đuổi con đường học tập được nữa chỉ vì một niềm đam mê: Nghiện game online. Cậu sinh viên đó tên là Lê Hoài Nam, một học sinh nhiều năm liền đạt Học sinh giỏi cấp thành phố, là niềm tự hào của bố mẹ cậu. Mẹ cậu là chị Phan Thị Tuyền, là một giáo viên ở một huyện ngoại thành Hà Nội (đã được đổi tên) nay đã về hưu. Gia đình chị Tuyền khá giả, có “của ăn của để”. Chồng chị Tuyền cũng là giáo viên. Kinh tế gia đình chị Tuyền khá giả là nhờ chị thành công trong nghề tay trái và buôn bán bất động sản.

Đừng để
Nghiện game thường đem lại những hệ lụy khôn lường.

Vợ chồng chị Tuyền có hai đứa con. Cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và đã ra nghề đi làm. Mọi thứ đối với gia đình vợ chồng chị Tuyền tưởng chừng mỹ mãn như vậy song rồi cuộc đời đã không chiều ý họ. Đứa con trai cưng của vợ chồng chị, niềm tự hào của cả gia đình một thời thì nay đã phải bỏ học vì nghiện game online. Nói chuyện với tôi, chị Tuyền kể rằng, con trai chị không phải bây giờ mới mê game online mà nó mê từ khi còn học THCS. Hồi đó, thấy con mê chơi điện tử, vợ chồng chị cũng cấm cản, đe nẹt, quản thúc, giám sát nhưng không cấm được triệt để. Thi thoảng cháu vẫn trốn bố mẹ ra cửa hàng game. Mặc dù mê game nhưng do có tố chất thông minh nên con chị Tuyền vẫn học tốt, thậm chí thi đại học đỗ vào 3 trường top đầu của thành phố.

Hồi còn học cấp phổ thông, Nam chỉ mê thôi chứ chưa đến mức nghiện. Nhưng lên đại học thì mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn. Bố mẹ sơ sểnh là ngay lập tức Nam tìm đến cửa hàng game online. Lúc vợ chồng chị Tuyền gây sức ép đưa con về nhà, cậu nghiện đến mức không nói chuyện với ai, râu ria không cạo, hàng tháng trời không tắm. Vì con nghiện game mà suốt bao nhiêu năm nay, chị Tuyền luôn phải lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để đi tìm con. Có người mách chị Tuyền đưa con đến một trung tâm cai nghiện game online để giúp con cai nghiện. Chị Tuyền tức tốc tìm đến ngay. Thế nhưng, khi nhìn thấy cảnh phải sinh hoạt, ăn, ở với mấy chục con nghiện game có vẻ như không ổn lắm (có cả người lớn, trẻ em, thanh thiếu niên) nên chị Tuyền lại ngậm ngùi quay trở về.

Chị cũng từng đến gặp các bác sĩ sức khỏe tâm thần thì mỗi người chỉ một cách. Người thì bảo phải cắt từ từ, cai dần dần. Người lại nói phải cắt dứt điểm. Thành ra cho đến giờ, sau hai năm con trai bỏ học, chị Tuyền vẫn sống trong nỗi tuyệt vọng bế tắc không tìm thấy lối ra. Suốt hai năm long đong chạy vạy vì chuyện của con, giờ chị Tuyền như người mất hồn. Chị không ngủ được, cứ thao thức suốt đêm. Thấy bạn bè đang đêm mà tự dưng bật đèn xanh trên facebook là thể nào chị cũng nhảy vào để tâm sự những chuyện trên trời dưới biển để mong đêm dài qua nhanh. Chị nói với tôi rằng: Nếu con chị cứ thế này mãi, chắc chị không sống nổi. Cuộc đời của chị bao năm qua sống chỉ vì con mà nay cháu như thế thì chị như người đã chết.

“Trước đây, tôi hạnh phúc vì nó bao nhiêu thì giờ đây tôi đau khổ vì nó bấy nhiêu. Con tôi cho tôi sự sống thì bây giờ nó cũng lấy đi hết tất cả. Tôi không thể hiểu nổi vì sao cái game online đó nguy hiểm đến mức như vậy mà người ta vẫn cứ để cho tồn tại, phát triển. Khi họ kinh doanh, họ có nghĩ tới những nỗi đau khổ tuyệt vọng này của chúng tôi không. Sản xuất, kinh doanh game online khác gì hành nghề giết người đâu”, chị Tuyền nói.

Đừng để
Nhiều bé đang độ tuổi đến trường phải nhập viện vì nghiện game.

Nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng

Theo bác sĩ Lê Thanh Hà (Học viện Quân y 103), nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Người sử dụng internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

"Thực tế cho thấy, nhiều người chơi đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Một tỷ lệ trẻ nghiện game online kéo dài khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo", BS Hà nhấn mạnh.

BS Hà nói: "Việt Nam là nước có tỷ lệ người trầm cảm không cao, khoảng 4% so với các nước trong khu vực. Trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 tuổi (chỉ xếp sau tai nạn giao thông). Theo nghiên cứu của BV Tâm thần Trung ương 2, tỷ lệ trầm cảm ở tuổi 15 đến dưới 24 là gần 30%". Trong rất nhiều trường hợp nhập viện điều trị do nghiện game có trường hợp khá điển hình, sau khi dùng mọi biện pháp tại gia đình không có kết quả, mẹ của bệnh nhân đã phải cưỡng chế bằng mọi cách đưa đến bệnh viện điều trị. Ban đầu nhập viện, bệnh nhân có nhiều biểu hiện không muốn hợp tác, khiến gia đình và bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn.

Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Tất Định - Khoa tâm thần- Bệnh viện Quân y 103 cho biết trường hợp bệnh nhân đang học lớp 11 ở Hà Nội, có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mẹ đã ly hôn, cháu sinh sống cùng mẹ và bà ngoại. Do đặc thù công việc của mẹ là giáo viên mầm non khá bận rộn, không có nhiều thời gian kèm cặp và can thiệp cuộc sống cũng như học tập của con. Để tốt cho việc học tập của con người mẹ này đã trang bị dàn máy tính, nhưng vì không thể kiểm soát được mọi việc làm của con. Dẫn đến con dồn hết thời gian ăn uống học tập vào việc chơi game, lâu dần thành con nghiện game.

Thấy con mải chơi, đã nhiều lần mẹ của cháu khuyên nhủ ra ngoài chơi thể thao cùng bạn bè nhưng cháu nhất quyết ở trong phòng ôm máy tính vì sợ ra ngoài thì không có Internet chơi game. Nhiều hôm khi đã đến bữa cơm nhưng cháu một mực ở trong phòng chỉ để ôm máy tính chơi điện tử. Lâu dần, cháu trai bắt đầu thay đổi tính tình, hay nổi cáu, thường xuyên đánh quát lại mẹ và bà ngoại. Quá lo lắng nên mẹ cách ly con với máy tính và game, nhưng cháu lại tìm cách trốn ra khỏi nhà để tìm đến chỗ có thể thỏa mãn cơn nghiện game của mình. Đến lúc thấy con mình ốm yếu, gầy gò, mặt mũi lờ đờ gia đình tức tốc cưỡng chế đưa cháu nhập viện.

Sau khi thăm khám, bác sĩ đã tư vấn cho gia đình phối hợp cùng bệnh viện điều tiết sinh hoạt để cắt cơn dần dần, khuyên cháu ăn uống và sinh hoạt điều độ. "Bệnh nhân được nhập viện làm một số xét nghiệm thường quy, sau đó điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, nếu trường hợp nặng phải kết hợp với thuốc an thần. Nếu các thuốc không phát huy khả năng ngăn các dấu hiệu sẽ sử dụng liệu pháp sốc điện làm thay đổi 5 hóc môn thần kinh, đồng thời xóa tạm thời đường thần kinh trong cơ thể, những sự kiện không mong muốn…"- Bác sĩ Định cho hay. Được biết, trường hợp trên sau khi điều trị tại bệnh viện, cháu đã có những tiến bộ tích cực như tăng cân, lễ phép, cảm xúc phù hợp hơn, vui vẻ và hòa đồng với mọi người xung quanh.

Chuyên gia khuyến cáo và chỉ cách nhận biết khi nào cần đưa trẻ nhập viện

Các chuyên gia đến từ các khoa và bộ môn Tâm thần học chia sẻ, người nghiện game online tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ và Dopamin liên tục được sản sinh và tăng dần ngưỡng thích nghi của cơ thể. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là việc một người từ bỏ/giảm thời gian dành cho những thú vui/hoạt động thường ngày để tập trung vào chơi game online thì đã được coi là nghiện game. Ở những người nghiện game, người ta nhận thấy có sự sụt giảm đáng kể nồng độ chất dẫn truyền thần kinh Serotonin tại khe sinap ở não.

Sự sụt giảm nồng độ Serotonin giống với bệnh sinh của trầm cảm, vì vậy người nghiện game có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt. Hiện người ta chưa rõ trầm cảm, lo âu là hậu quả của nghiện game hay là nguyên nhân gây ra nghiện game online.

Về vấn đề này, chuyên gia y tế Trần Thị Mỹ Hạnh, Đại học Y tế Công cộng, người nghiện thường có biểu hiện tự cô lập mình với gia đình, bạn bè hoặc mọi hình thức tiếp xúc với xã hội và dồn sự tập trung nhiều nhất vào chơi game vì bị thu hút mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống. "Nghiện game online gây nhiều tác hại, người sử dụng internet 5- 6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội", BS. Trần Thị Mỹ Hạnh nói. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu con có biểu hiện chơi game thâu đêm không ăn uống; loạn thần như hay gào thét bất thường hoặc ủ ê, không quan tâm mọi thứ xung quanh; hoang tưởng phải đi khám ngay.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TPHCM), hiện nay rất phổ biến tình trạng trẻ ở lứa tuổi học trò nghiện game. Trước đây, học trò chơi game đều phải đến tiệm internet, nên chúng ta thấy đông, còn hiện tại tưởng chừng ít hơn. Nhưng thực ra không phải vậy, bởi hiện nay các cháu đều có máy tính riêng hoặc smartphone, có phòng riêng, nhiều điều kiện để tiếp xúc với game hơn, từ đó dẫn đến tỷ lệ trẻ nghiện game ngày càng tăng. Khi quá nghiện game, trẻ thường có nhu cầu tụ tập thành từng đội để cùng “chinh chiến”.

Bác sĩ Hiển giải thích: “Cơ chế nghiện game cũng giống như cơ chế nghiện cờ bạc, khá giống với cơ chế nghiện một số chất kích thích. Để cai nghiện game không dễ. "Tôi đã và đang chữa cho nhiều trường hợp nghiện game trong độ tuổi học sinh. Nhiều cháu chỉ cần điều trị tâm lý vài tháng là ổn, nhưng cũng có những cháu phải can thiệp bằng thuốc. Để có biện pháp giúp các cháu cân bằng lại cuộc sống, tốt nhất là gia đình phải quan tâm con em mình, phát hiện sớm các biểu hiện nghiện game như học hành sa sút, thích đóng cửa ở trong phòng một mình, hoặc nặng hơn sẽ thường xuyên nói dối để ra ngoài chơi, chi tiêu tiền bất hợp lý", Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển

Khi bản thân thắng một trận trong game thì não tiết ra chất dopamine (hay còn gọi là con đường khen thưởng dopamine) gây kích thích não, tạo sự hưng phấn và khiến cho người chơi say mê, quên hết tất cả công việc phải làm. Đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ngoài nhu cầu giải trí, các cháu còn coi game là nơi chứng tỏ uy quyền của mình nên càng say mê. Vì vậy, nhiều cháu bất chấp mọi hậu quả mà người lớn cảnh báo để lao vào chơi game, vừa để thỏa mãn thú vui, vừa để chứng tỏ mình với bạn bè cùng trang lứa. Khi bị gia đình cấm cản, trẻ sẽ có những biểu hiện về mặt tâm lý rất đáng lo ngại.

Nếu chẳng may con em mình nghiện game, thay vì la mắng các cháu, gia đình nên nhờ thầy cô, bạn bè động viên, khuyên răn. Đồng thời lập thời gian biểu để cùng cháu thực hiện các công việc trong ngày, bớt thời gian cho trẻ tiếp xúc với máy tính, nhưng không nên cắt đột ngột. Ví dụ, ngày đầu lùi 5 - 10 phút, ngày hôm sau lùi thêm vài phút, dần dần từng nấc một, kiên trì như vậy thì sẽ đến lúc cháu cảm thấy không có game cũng không sao. Phụ huynh phải xác định chặng đường cai nghiện game cho con không ngắn, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, nếu không, trẻ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất kiểm soát và gây hậu quả xấu”.

Giai thoại về người con gái "sắc nước hương trời" miền Tây, qua bốn đời chồng vẫn còn trinh

Ở miền Tây sông nước có lời đồn, vào đầu thập niên 1920, có một người con gái tuổi Dần tuy đã qua 4 đời ...

Bi kịch đằng sau đại dự án gần 10.000 tỷ ở Hải Phòng

TBCKVN - Theo phản ánh của người dân,việc cưỡng chế của chính quyền theo kiểu đánh úp. Quyết định cưỡng chế được thông báo vào ...

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật

Hiện tượng sống ảo đã trở thành trào lưu khi nhiều người trẻ dù ở bất cứ đâu cũng có thể chụp ảnh “tự sướng” ...

Phương Nga