Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật

Cập nhật: 17:27 | 15/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Hiện tượng sống ảo đã trở thành trào lưu khi nhiều người trẻ dù ở bất cứ đâu cũng có thể chụp ảnh “tự sướng” rồi đăng mạng xã hội. Hiện tượng sống ảo hiện nay chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là độ tuổi học sinh và dần dần giá trị sống sai lệch của giới trẻ hiện nay.

Dễ trở nên... nghiện lướt mạng

Thanh Tình - một sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH QG Hà Nội nhận định, giờ mà có sinh viên nào không biết sử dụng mạng xã hội thì chắc chắn là quá lạc hậu, hoặc bị coi là “quê một cục”. Tình đã có thâm niên sử dụng facebook hơn 3 năm.

Năm ngoái, khi được gia đình trang bị cho một “em” Iphone thì Yến cũng bắt đầu sử dụng thêm zalo và viber. “Em chỉ sử dụng trên mỗi ứng dụng một tài khoản thôi, thế mà cũng mất khối thời gian để cập nhật thông tin của mình và xem thông tin của bạn bè rồi. Thế mà có bạn còn lập đến vài ba tài khoản mỗi ứng dụng, trên các smart-phone khác nhau. Nếu tài khoản dành cho bố mẹ xem thì “up” ít thông tin thôi hoặc chỉ “up” chuyện học hành, còn tài khoản dành cho bạn bè thì cứ thoải mái tám...” - Thanh Tình vui vẻ chia sẻ.

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật
Sống ảo đang ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở giới trẻ mà ở mọi độ tuổi

Mạng xã hội đang làm thay đổi và hình thành những thói quen, lối sống, văn hóa của một bộ phận lớn những người sử dụng, đặc biệt là facebook mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất ở Việt Nam. Theo thống kê, lượng dùng facebook hàng tháng ở Việt Nam là khoảng 30 triệu người. Từ việc chỉ để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập, rồi đến tham gia hội nhóm sở thích, thậm chí chỉ để selfie, giải trí, việc lướt mạng đã dần trở nên không thể thiếu với giới trẻ, thậm chí còn được sử dụng bất kỳ lúc nào, ngay cả trong giờ học.

Cũng theo khảo sát tại một trường đại học thì trong số 300 sinh viên từ năm một đến năm bốn, có đến 296 sinh viên (chiếm 98,7%) sử dụng facebook. Đa số sinh viên truy cập trong thời gian nghỉ ngơi tại nhà (chiếm 55,7%), hoặc trong giờ nghỉ giải lao trên lớp (14%); song cũng có không ít các bạn truy cập bất cứ lúc nào (22,7%), thậm chí ngay cả trong giờ học (7,6%). Mục đích tham gia mạng xã hội của sinh viên hiện nay đa phần để trò chuyện, nhắn tin; hay cập nhật thông tin của bạn bè, thông tin xã hội; tham gia vào các hội, nhóm sở thích; chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân. Cũng có nhiều bạn dùng để tìm kiếm tài liệu học tập. Song gần phân nửa số sinh viên được hỏi đã thẳng thắn cho biết họ sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích giải trí là chính.

Một thầy giáo phụ trách công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại một trường đại học nhận xét, việc sinh viên tham gia mạng xã hội có mặt tốt, đó là thông qua mạng để tiếp thu, chia sẻ những thông tin hữu ích, tham gia các hội nhóm tích cực của đoàn thanh niên, của trường, lớp phục vụ cho quá trình học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, hoạt động này được đánh giá là chưa thực sự thường xuyên và hiệu quả.

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật
Tính năng livestream (phát trực tiếp) đang ngày càng trở thành một trào lưu khó cưỡng lại của giới trẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng tính năng này vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Còn có hiện tượng sinh viên bình luận tiêu cực, không chính xác; hoặc chia sẻ những câu chuyện nhảm nhí, vô bổ, không mang nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống; hoặc sao nhãng học tập, thậm chí tham gia các trò chơi cá cược trên facebook, bị lừa gạt dẫn đến nợ nần; sống ảo tưởng, mơ hồ về giá trị bản thân, kết bạn những người mình không quen biết, có khi đơn giản chỉ vì nhìn thấy profile ưa nhìn và thú vị, đẹp trai, xinh gái…

Hiện tượng gây bức xúc và nhiều khó khăn đối với những người quản lý sinh viên là thậm chí có sinh viên còn đăng tin học hộ, thi hộ một cách công khai trên facebook, ghi rõ thời gian học, địa điểm học, số tiền công. Bên cạnh đó, do thông tin trên facebook là quá nhanh, quá nhiều, trong khi thật giả lẫn lộn, khiến sinh viên với vốn sống non nớt, tầm hiểu biết xã hội chưa sâu, sẽ dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”, không biết lựa chọn các thông tin đúng, hữu ích, dễ bị cuốn vào guồng xoáy bình luận một cách vô thức, không kiểm soát được.

Nguy cơ tiềm ẩn từ sống ảo

Nhiều sinh viên cứ vô tư đưa hình ảnh cá nhân lên mạng mà không biết mình có thể rất dễ trở thành miếng mồi ngon của kẻ xấu. Mới đây, M.H. - một nữ sinh viên năm thứ ba, hoảng hồn khi phát hiện hình ảnh của mình xuất hiện trên một tài khoản facebook và một tài khoản zalo mang nickname lạ hoắc, tự giới thiệu là sinh viên đang nuôi cha mẹ già, con trẻ, cần tiền nên “đi khách” với giá 1 triệu đồng và kèm số điện thoại.

Khi M.H. đề nghị chủ tài khoản facebook kia xoá những hình ảnh, thông tin của mình đi thì ngược lại, tiếp tục bị lấy thêm hình ảnh trên trang facebook cá nhân của M.H để đăng tiếp, kèm theo những lời lẽ khiếm nhã. Chưa hết, sau đó thì mỗi ngày có hàng chục người truy cập vào facebook của M.H, bình luận và điện thoại đến số máy cá nhân của M.H, đề nghị... đi khách sạn.

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật
Vô tư đưa hình ảnh cá nhân lên mạng mà không biết mình có thể rất dễ trở thành miếng mồi ngon của kẻ xấu

Thích chụp ảnh selfie chỉnh sửa thật đẹp rồi “up” mạng vẫn chưa đủ, nhiều sinh viên còn kết bạn với cả những người không quen, đôi khi đơn thuần chỉ để câu like, thể hiện “sức lan tỏa” của bản thân ra xã hội mà không lường được những mối nguy hại có thật đến từ thế giới ảo. Vừa qua, một nữ sinh viên Hà Nội đã nhận được tin nhắn kết bạn trên mạng xã hội zalo, tự giới thiệu là nhiếp ảnh gia. Khi nữ sinh này đồng ý, “nhiếp ảnh gia” tự giới thiệu kia đã mời cô làm mẫu ảnh. Nghe lời đường mật của người lạ, cô không ngần ngại cho số điện thoại.

Ngay trong chiều cùng ngày, vị “nhiếp ảnh gia” mới quen lập tức mời “mẫu” đến một khách sạn để chụp ảnh. Tại phòng khách sạn, sau vài câu bắt chuyện, “nhiếp ảnh gia” đã hiện nguyên hình “yêu râu xanh”. Vừa cưỡng bức nữ sinh, hắn còn tranh thủ dùng điện thoại di dộng để ghi hình, quay clip nhằm tiếp tục đe dọa cô sau này. Tên “nhiếp ảnh gia” đốn mạt sau đó bị bắt giữ, nhưng nữ sinh viên cũng đã nhận được một bài học đắt giá cho sự khờ khạo của mình khi tham gia mạng xã hội.

Không chỉ sinh viên trở thành nạn nhân của tội phạm đến từ thế giới ảo, mà còn một nguy cơ khác là các sinh viên cũng dễ trở thành tội phạm trên mạng xã hội. Tuấn là một cao thủ chơi game. Có chút tài lẻ trên mạng, cộng thêm mong muốn “đánh quả lừa”, Tuấn lập một tài khoản facebook rồi kết bạn với rất nhiều người, sau đó gửi đường link đến các tài khoản này để đánh cắp thông tin cá nhân của họ.

Sau đó, Tuấn đăng nhập vào tài khoản của họ, giả làm chủ tài khoản, lân la trò chuyện với bạn bè của họ và đặt vấn đề mua thẻ cào điện thoại. Rất nhiều người đã mắc bẫy gửi tiền vào các thẻ tài khoản mà Tuấn đã đăng ký sẵn. Chỉ trong 4 tháng, với thủ đoạn này Tuấn chiếm đã đoạt gần 1 tỷ đồng. Từ một sinh viên giỏi công nghệ thông tin, trở thành một tên tội phạm công nghệ, Tuấn đã tự đánh mất tương lai của mình chỉ trong gang tấc.

Định hình giá trị sống sai lệch

Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học VN, cho biết sống ảo nghĩa là phô bày những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân mình, đăng tải những gì mình không có hay những hình ảnh không còn là chính mình (vì photoshop quá đà chẳng hạn). Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng sống ảo hiện nay chủ yếu là giới trẻ. Đặc biệt là độ tuổi học sinh. Thạc sĩ Tô Nhi A, giảng viên tâm lý Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, nhận xét: “Lứa tuổi từ học sinh THCS là giai đoạn mà nhân cách chưa đạt được đến mức độ phát triển, cho nên ai làm cái gì thì bắt chước làm theo. Các em bị nhập nhằng và bị đánh tráo khái niệm giữa cái gọi là sự nổi tiếng và giá trị đích thực của bản thân mình”.

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật
Giới trẻ dần dần bị phụ thuộc vào điện thoại

Thạc sĩ An cho biết việc sử dụng nút like cũng cho thấy bạn có đang sống ảo và một cách vô tình cũng trở thành tác nhân của hiện tượng sống ảo. “Việc like dù thích hay không thích, like không có chọn lọc là vô tình chúng ta lại “tiếp tay” cho những người đang sống ảo. Khi sống ảo, họ xem mạng xã hội như một sân khấu để trình diễn. Nhưng họ không thể trình diễn mà không có người xem, chính vì thế nút like là động lực, động cơ để người đó tiếp tục sống ảo”, thạc sĩ An giải thích.

Băn khoăn về hệ lụy của việc sống ảo, Đỗ Thị Thanh Tuyền, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đặt câu hỏi: “Có những trường hợp sống ảo nhưng mang lại niềm vui, như ngoại hình mình xấu xí và thiếu tự tin, thế là dùng đến công nghệ để làm mình đẹp hơn trên mạng xã hội. Khi đẹp hơn, lung linh hơn mình sẽ thấy tự tin và có được niềm vui trong cuộc sống. Vậy những trường hợp như thế có phải là hệ lụy?”.

Trả lời băn khoăn này, thạc sĩ Tô Nhi A cho hay: “Niềm vui đó là có thật nhưng nó không bền vững, sự tự tin đó cũng không lâu dài vì nó không phải là con người thật của bạn. Khi bạn tạo nên một hình tượng lung linh thì người khác kết nối với bạn chỉ vì thế giới ảo lung linh đó chứ không phải là bạn. Và cũng vì cứ sống theo lối sống ảo đó, ta sẽ bắt đầu ảo tưởng sức mạnh vào bản thân mình, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy”.

Thạc sĩ Tô Nhi A phân tích thêm, hiện tượng sống ảo tạo ra từ sức ép về mặt tinh thần và việc định hình giá trị sống bị sai lệch. Cứ nghĩ có tiếng rồi có tiền từ sự nổi tiếng một cách bất chấp trên mạng xã hội là coi mình thành công. Nhưng khái niệm thành công này được hiểu một cách sai lệch, từ đó sẽ dẫn đến sai lệch trong việc định hình nhân cách, rồi kết giao bạn bè sai lệch, hành xử sai lệch, ảo tưởng về sức mạnh bản thân… Tính năng livestream (phát trực tiếp) đang ngày càng trở thành một trào lưu khó cưỡng lại của giới trẻ. Tuy nhiên, việc lạm dụng tính năng này vào những mục đích không lành mạnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Hãy là chính mình

Rất nhiều người trẻ đặt câu hỏi: “Vậy mạng xã hội tốt hay xấu?”. Thạc sĩ Tô Nhi A cũng khẳng định: “Vốn dĩ mạng xã hội là phương tiện thì không thể nào gắn cho nó là xấu hay tốt. Xấu hay tốt là do động cơ, tính chủ đích của người dùng quyết định. Bạn dùng nó như thế nào để nó là phương tiện tô đậm cuộc sống thật của bạn”. Nguyễn Thị Hồng Linh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, thắc mắc: “Vậy nếu lỡ sống ảo rồi thì làm sao để hết sống ảo?”. “Với bất cứ một vấn đề gì cũng tác động từ hai khía cạnh là nhận thức và cảm xúc rồi mới đi đến hành động. Ta phải nhận thức được về vấn đề đó là tốt hay xấu rồi sẽ tác động đến cảm xúc của ta là lo sợ để rồi ta điều chỉnh hành vi cho đúng đắn”, thạc sĩ An chia sẻ.

Bi kịch của lối sống sai lệch: Mải mê sống ảo, quên luôn sống thật
Sử dụng mạng xã hội với chính con người thật, hãy đăng những gì là của mình.

Để tránh hiện tượng sống ảo, thạc sĩ An khuyên mỗi người trẻ nên tìm cho mình những sân chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoài xã hội cũng như học cách trực tiếp chia sẻ tâm tư, tình cảm của mình cho người thân hoặc một ai đó, không nên tìm đến thế giới ảo. Thạc sĩ Tô Nhi A khẳng định: “Cha mẹ cũng không thể nằm ngoài cuộc. Bởi độ tuổi mà con bắt đầu sống ảo nhiều là độ tuổi mà con chưa hoàn thiện về nhân cách. Lúc đó cha mẹ phải giúp con định hình. Nhưng để làm được điều này, cha mẹ nên là bạn của con. Phải sống với cuộc sống hiện tại của con để hiểu được con mình đang muốn gì, cần gì. Để con thấy được là cha mẹ đang đồng cảm với mình. Từ đó, con sẽ sẵn sàng chia sẻ, giãi bày thay vì tìm đến mạng xã hội”.

Thạc sĩ A phân tích thêm tất cả mọi yếu tố từ gia đình đến xã hội chỉ đóng vai trò tác động, còn yếu tố quyết định nằm ở chính bản thân mỗi người trẻ. Phải biết sử dụng mạng xã hội với chính con người thật, hãy đăng những gì là của mình. Đừng sa đà vào thế giới ảo để rồi nó điều khiển cuộc sống của ta.

Biết được bí mật này, đời sống gối chăn của vợ chồng bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn

Tuyệt chiêu đề có mối quan hệ vợ chồng ngày một mặn nồng là một trong những vấn đề đóng vai trò quan trọng mà ...

Công cuộc nâng cấp “gò bồng đào” và hiểm họa từ “bánh thần kỳ”

Được quảng cáo rầm rộ là mang đến sự "diệu kỳ" cho phụ nữ sau khi ăn như làm căng tròn, tăng kích thước vòng ...

Bi hài về biện pháp tránh thai "sáng tạo" của giới trẻ

Ngày nay, càng nhiều các bạn trẻ cởi mở hơn trong chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân. Tất nhiên, đi kèm với quyết ...

Vân Hà

Tin liên quan