Dự án cao tốc Bắc - Nam: Chuẩn bị đầu tư 11 đoạn cao tốc thành phần

Cập nhật: 15:49 | 17/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp đầu tư gồm: 3 đoạn đầu tư công Cao Bồ - Mai Sơn, dài 15 km, tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn, dài 98 km, tổng vốn đầu tư hơn 7.669 tỷ đồng; cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng. 

Sáng 17/05, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Hội nghị đã thu hút gần 150 nhà đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, có khoảng 100 nhà đầu tư trong nước và 50 nhà đầu tư quốc tế đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, trước mắt, sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố gồm: 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hợp tác công - tư loại hợp đồng BOT.

du an cao toc bac nam chuan bi dau tu 11 doan cao toc thanh phan
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn quốc tế giải đáp một số câu hỏi của các đại biểu, nhà đầu tư quan tâm đến dự án

Tổng mức đầu tư của các dự án khoảng 118.000 tỷ đồng trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, theo quy định của pháp luật Việt Nam, 8 dự án đầu tư hợp tác công - tư sẽ được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Để đảm bảo việc triển khai tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, được sự chấp thuận của Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động hai tư vấn giao dịch quốc tế là Công ty Deloitte và Ernst & Young, đây là các tư vấn hàng đầu thế giới, tham gia hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải rà soát cấu trúc tài chính của dự án, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và dự thảo hợp đồng...

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp đầu tư gồm: 3 đoạn đầu tư công Cao Bồ - Mai Sơn, dài 15 km, tổng vốn đầu tư 1.607 tỷ đồng; Cam Lộ - La Sơn, dài 98 km, tổng vốn đầu tư hơn 7.669 tỷ đồng; cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km, tổng vốn đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng.

8 đoạn kêu gọi đầu tư hợp tác công - tư gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45, dài 63 km, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 3.169 tỷ đồng); Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, dài 43km, tổng vốn đầu tư hơn 6.333 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 2.003 tỷ đồng); Nghi Sơn – Diễn Châu, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 8.381 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 2.550 tỷ đồng); Diễn Châu – Bãi Vọt, dài 49km, tổng vốn đầu tư hơn 13.338 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ hơn 8.077 tỷ đồng). Đoạn Nha Trang – Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 5.058 tỷ đồng); Cam Lâm – Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 9.311 tỷ đồng); Vĩnh Hảo – Phan Thiết, dài 101km, tổng vốn đầu tư hơn 11.603 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 3.884 tỷ đồng); Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 2.480 tỷ đồng).

du an cao toc bac nam chuan bi dau tu 11 doan cao toc thanh phan

Giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Trong đó, ba dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long).

Dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc – Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu không có tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải Bắc –Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và khoảng 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, mục tiêu của dự án là cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khi dự án được đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu ùn tắc và TNGT, phát triển KTXH trong thời kỳ CNH-HĐH và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, bên cạnh việc công khai minh bạch toàn bộ thông tin liên quan đến dự án, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền bình đẳng như nhau, có thể tham gia đầu tư dự án nếu có đủ năng lực và kinh nghiệm.

Hành lang vận tải Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối trung tâm chính trị Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM với 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL. Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam có chiều dài khoảng 2.109km kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hiện đã đầu tư và khai thác khoảng 600km.

Đức Hậu