"Dồn dập" trúng thầu từ gói nhỏ đến gói lớn, Tổng công ty Thăng Long (TTL) "hái" lãi thế nào?

Cập nhật: 11:04 | 03/08/2023 Theo dõi KTCK trên

Tổng công ty Thăng Long – CTCP (HNX: TTL) liên tiếp góp mặt ở các gói thầu từ hàng trăm đến vài nghìn tỷ trong thời gian qua, nhờ đó kết quả kinh doanh đã có sự cải thiện giữa thời lạm phát và khó khăn.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói 6.12 – Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và tuyến số 2. Gói thầu này nằm trong dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1.

Gói thầu này có giá dự toán 2.655 tỷ đồng. Trúng thầu là liên danh 6 nhà thầu, trong đó có sự góp mặt của Tổng công ty Thăng Long – CTCP.

Trước đó, TTL liên tục được xướng tên tại các gói thầu có giá trị lớn. Có thể kể đến các gói thầu như: Gói thầu số 13-XL Thi công xây dựng đoạn Km47+000 - Km66+965,91 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công), thuộc Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh quy mô 5.336,85 tỷ đồng. Trong đó, phần giá trị Tổng công ty Thăng Long đảm nhiệm thi công là hơn 1.544,2 tỷ đồng.

Gói XL3 - Xây dựng Nút giao cuối tuyến thuộc phân đoạn Km90+472 – Km91+568 tại Sở GTVT Long An (hơn 431 tỷ đồng);

Tổng công ty Thăng Long trúng thầu nhiều dự án trong thời gian qua
Tổng công ty Thăng Long trúng thầu nhiều dự án trong thời gian qua

Gói thầu thi công xây dựng công trình, thuộc Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam (Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam mời thầu, giá trị trúng thầu hơn 532,9 tỷ đồng).

Ngoài ra, kết quả mở thầu cho thấy TTL cũng nằm trong liên danh tham gia tại các gói XL3, Dự án thành phần 7 của Dự án đường vành đai 3 Hồ Chí Minh - Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An (hơn 431,3 tỷ đồng); và gói XL4 - Thi công xây dựng Cầu Bình Gởi đoạn từ Km51+280 đến Km52+580 (650,9 tỷ đồng)…

Suốt chiều dài hoạt động, TTL ghi dấu ấn với việc từng được công bố thắng ít nhất 29 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 14.500 tỷ đồng.

Nhìn chung, các gói thầu giá trị "khủng" đã "nuôi lớn" TTL trong thời gian qua. Cụ thể, quý II, doanh thu của TTL ghi nhận khả quan với 425 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với kỳ so sánh, tương đương 35%. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng nhẹ hơn, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện và qua đó lãi gộp đạt 42 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, TTL đạt lợi nhuận ròng gần 9 tỷ đồng trong quý II, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, số lãi TTL thu về khá khiêm tốn so với loạt gói thầu bạc tỷ doanh nghiệp đã trúng trong những tháng qua.

Bên cạnh đó, quy mô tài sản TTL cũng tăng nhanh chỉ sau 6 tháng đầu năm, tuy nhiên chủ yếu gia tăng hàng tồn kho (578 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn (1.238 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn của công ty hiện ở mức 2.044 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng tài sản TTL.

Tình hình kinh doanh quý II/2023 của Tổng công ty Thăng Long
Tình hình kinh doanh quý II/2023 của Tổng công ty Thăng Long

Về nguồn vốn, nợ phải trả của TTL đã tăng thêm gần 170 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng, lên mức 1.869,3 tỷ đồng; riêng nợ ngắn hạn chiếm đến 1.751,7 tỷ đồng. Hệ số tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn khá thấp, ở mức 1,1, cho thấy áp lực tài chính của công ty khá lớn, nhất là ở khả năng chuyển các tài sản thành tiền mặt để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Điều này càng cụ thể hơn ở việc TTL đang rất tích cực vay tiền trong thời gian qua. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng lên mức 716,8 tỷ đồng. Chỉ trong quý II/2023, doanh nghiệp này đã vay thêm 627,8 tỷ đồng; tuy vậy số tiền này vẫn chưa đủ bù đắp vào dòng tiền. Trong kỳ, dòng tiền kinh doanh ở mức âm 220,1 tỷ đồng, chủ yếu do gia tăng hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn. Như vậy đã 4 quý liên tiếp dòng tiền kinh doanh của TTL đều ở mức âm.

Dù lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính ở mức 130,3 tỷ đồng (chủ yếu do nguồn tiền đi vay), tuy nhiên dòng tiền thuần trong kỳ của Tổng công ty Thăng Long – CTCP vẫn ở mức âm 91,1 tỷ đồng. Điều đó phản ánh phần nào tình hình tài chính của doanh nghiệp đang có vấn đề và cần sự điều chỉnh, khắc phục trong giai đoạn tới.

Cao Nam