Doanh nghiệp Việt khẳng định bản lĩnh trước thách thức từ xung đột thế giới

Cập nhật: 10:13 | 20/04/2022 Theo dõi KTCK trên

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động, không lên được kế hoạch sản xuất kinh doanh xuất khẩu trang thị trường Nga.

1041-dnxk
Ảnh minh họa

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, cuộc xung đột này sẽ có những tác động trong trung hạn và dài hạn đến các hoạt động kinh tế nói chung cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên nếu biết nắm bắt, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam biến “nguy” thành “cơ”.

Doanh nghiệp tự chủ động

Để ứng phó với khủng hoảng các doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua. Cùng với đó, đa dạng hóa đồng tiền thanh toán để tránh tác động và rủi ro đồng thời cần chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh. Các doanh nghiệp phải rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông chia sẻ: “Hàng năm, doanh nghiệp xuất khoảng 30 triệu USD sang Nga, gồm hạt tiêu, cà phê, điều, dừa… Hai tháng đầu năm nay, sản lượng nông sản xuất khẩu của Phúc Sinh gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái”.

Tuy nhiên, toàn bộ các đơn hàng trị giá hàng triệu USD của Phúc Sinh bị dừng lại do xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang và các ngân hàng chặn hết chứng từ xuất khẩu sang Nga.

Mấy ngày gần đây, ông Thông phải liên tục gọi điện cho các khách hàng tại Nga và châu u để thúc đẩy tiến độ giải quyết các đơn hàng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nhiều doanh nghiệp khó xuất khẩu thuỷ sản đi Nga vì chưa biết thanh toán ra sao, vận chuyển bằng cách nào, không thể chốt được hợp đồng do đồng Rúp mất giá mạnh.

Nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga và Ukraine bị ảnh hưởng trực tiếp thì cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung đang bị ảnh hưởng gián tiếp từ cuộc xung đột giữa hai quốc gia này. Giá dầu và các hàng hóa cơ bản như sắt thép, vật liệu xây dựng tăng mạnh tạo sức ép chi phí đầu vào với các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản, vận tải…

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh phải tạm dừng xuất khẩu sang Nga, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực.

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, trong trung và dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam nên cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, cần tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường có biến động; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ. Đây cũng là cách mà nhiều nền kinh tế "nhỏ mà không nhỏ" đã làm để nâng cao sức cạnh tranh khi bước ra thị trường thế giới.

Nhà nước chung tay hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ tại các nước châu u có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ.

Để ứng phó với ảnh hưởng trên thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn tập trung nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 để bù đắp nguồn cung trong nước, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.

Thuận Thảo

Tin cũ hơn
Xem thêm