Doanh nghiệp trải lòng về tình hình thực thi pháp luật lao động

Cập nhật: 10:03 | 03/06/2016 Theo dõi KTCK trên

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lắng nghe nhiều doanh nghiệp phản ánh về những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật lao động xoay quanh các quy định về bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, thời gian làm thêm...

doanh nghiep trai long ve tinh hinh thuc thi phap luat lao dong


Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị.


Doanh nghiệp trải lòng...

Ngày 2/6, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về tình hình thực thi pháp luật lao động.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, dù đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung nhưng một số quy định của Bộ luật Lao động vẫn còn dừng ở những quy định có tính chất chung, phải nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn sinh động. Một số văn bản được hướng dẫn chậm nên thiếu đồng bộ, một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, yêu cầu từ các cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại cũng đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung bộ luật...

Thứ trưởng nhấn mạnh, “Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực thi pháp luật lao động, các văn bản quy định chi tiết”.

Tại cuộc đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu lên những vướng mắc trong thực thi pháp luật lao động xoay quanh các quy định về bảo hiểm xã hội, tiền lương tối thiểu, thời gian làm thêm.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam khẳng định việc quản lý lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với các ngành có đông lao động như dệt may thì có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi pháp luật lao động.

Đi vào vấn đề cụ thể, ông phân tích chính sách tăng lương tối thiểu đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. “Luật quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tổi thiểu nhưng nhu cầu sống luôn biến động. Một nội dung quy định không có cơ sở chắc chắn thì gây tranh cãi rất nhiều” – ông nói.

Hơn nữa, theo ông, việc tăng lương tối thiểu liên tục và ở mức cao làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng người lao động để nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động...

Về tranh chấp lao động, ông đánh giá luật đã quy định kỹ nhưng việc thực thi lại nảy sinh nhiều vấn đề. “Chúng tôi tìm hiểu là để tổ chức một cuộc đình công mất 20-22 ngày nhưng bức xúc của người lao động không chờ đến khi các thủ tục hoàn tất mới đình công. Đó là lí do tại sao tôi theo dõi từ năm 2000 đến nay, có khoảng gần 7.000 cuộc đình công thì 100% các cuộc đình công này trái luật” – ông cho biết.

Từ những khó khăn trên, ông nhất trí cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật là yêu cầu bức thiết, cấp bách. Việc sửa đổi, bổ sung luật phải theo hướng làm thế nào để doanh nghiệp vừa thuận lợi trong quản lý, vừa đảm bảo doanh nghiệp phát triển, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động. “Luật nên nới rộng thời gian làm thêm, tính lại tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bởi tỷ lệ đóng và mức đóng hiện nay rất cao, doanh nghiệp không thể chịu nổi” – ông đề nghị.

Ngay sau phát biểu của ông Trương Văn Cẩm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cũng nêu nhiều vướng mắc khi thực thi pháp luật lao động. Ông nêu quan điểm, Luật phải phù hợp với đặc thù kinh tế hiện tại của đất nước, phải thấy hiện nay chúng ta đi sau thế giới rất nhiều nên phải làm sao để thời gian, cường độ làm việc hơn người ta mới đuổi kịp họ được. Trong khi đó, quy định thời gian làm thêm của luật lại không phù hợp thực tiễn.

Ông cho rằng, việc quy định thời giờ làm thêm hiện nay là không phù hợp. Ở các nước phát triển như Nhật Bản cho phép người lao động làm thêm 720 giờ/năm, Trung Quốc 600 giờ/năm. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển nhưng chỉ cho phép 200-300 giờ/năm là quá thấp. Ông kiến nghị nên dành cho người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận theo khung thời gian theo tháng. Theo ông, “nếu không làm thêm, người lao động chỉ nhận mức lương từ 4 triệu đồng/tháng, với khoản tiền này cuộc sống họ rất vất vả. Việc làm thêm là giúp lao động có thêm thu nhập, sống tốt hơn đó là nhu cầu thực tế. Tại sao chúng ta lại quá hạn chế mong muốn chính đáng của họ...”.

Về bảo hiểm xã hội, ông cũng cho rằng tỷ lệ đóng đang rất cao, cao nhất khu vực, doanh nghiệp khó đáp ứng được. “Tôi hiểu mong muốn là để sau này người về hưu được hưởng lương hưu cao hơn nhưng phải tính lại để doanh nghiệp phát triển, có như thế mới đảm bảo việc làm cho người lao động, mới giảm dần bội chi ngân sách được” – ông nói.

Doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình xây dựng luật

Giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhắc lại quan điểm luật phải vừa bảo vệ người lao động nhưng cũng vừa phải đảm bảo sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Về lương tối thiểu, Thứ trưởng cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang bàn với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội là khi chưa ban hành được luật tiền lương tối thiểu thì khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động tới đây sẽ đưa thêm một số điều về tiền lương rõ hơn. “Đúng là tốc độ tăng lương tối thiểu thời gian qua rất lớn, lần thương lượng lương tối thiểu năm nay sẽ tính toán hết các yếu tố, xem xét mối tương quan với khu vực để tạo ra sự cạnh tranh của quốc gia” – Thứ trưởng thông tin.

Xung quanh vấn đề thời gian làm thêm, Thứ trưởng cho biết, bản thân ban soạn thảo cũng cho rằng cần cân nhắc vấn đề này. Thời gian tới, sẽ làm chuyên đề về vấn đề này theo hướng phải đáp ứng hài hòa yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng hồi phục của người lao động.

Về bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng nhấn mạnh những phát biểu của đại diện các doanh nghiệp có phần hợp lý, song dưới góc độ người lao động, người nghỉ hưu thì là bài toán cần phải tính. Thứ trưởng cho rằng phải điều chỉnh chính sách, phải tăng mức đóng, hưởng giảm dần và cần có lộ trình hợp lý để bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bảo hiểm tiến tới phải hình thành tài khoản cá nhân để người lao động biết được đóng và hưởng bao nhiêu.

Đáng chú ý, Thứ trưởng cho rằng đang có vấn đề rất lớn trong tổ chức thực hiện: “không phải lỗi của người tham gia, cũng không phải lỗi của ông chủ, lỗi ở hệ thống bảo hiểm, cơ quan quản lý chậm trễ trong việc sử dụng công nghệ vào quản lý”.

Thứ trưởng yêu cầu, cơ quan bảo hiểm xã hội phải xác định người lao động là đối tượng khách hàng. “Anh em bảo hiểm cần thay đổi tư duy, người lao động chính là khách hàng, phải thay đổi quyết liệt hơn nữa, nếu không bao nhiêu phiền phức, khó khăn dồn lại cho người lao động, cho doanh nghiệp” – Thứ trưởng nói.

Cuối cùng, thừa nhận cơ quan soạn thảo chưa lường hết được những vấn đề thực tế khi xây dựng luật song, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng luật. “Quá ít các doanh nghiệp góp ý trong quá trình lấy ý kiến vào quá trình xây dựng dự thảo luật, nghị định hay thông tư. Chất lượng góp ý thì vô cùng buồn, đa phần chỉ là góp ý dấu chấm, dấy phẩy, cơ bản đồng tình, chưa thấy doanh nghiệp nào góp ý những vấn đề thực tiễn” – Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới sẽ tăng cường tổ chức nhiều hơn những hội thảo lấy ý kiến. Đồng thời mong muốn “các doanh nghiệp bỏ công bỏ sức góp ý để luật phù hợp thực tiễn, khi thực hiện không phải mất công sức sửa đổi, giải quyết những vướng mắc”./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tin liên quan