Doanh nghiệp bất động sản và xu thế chuyển hướng đa ngành (bài 1)

Cập nhật: 10:45 | 29/05/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Xu hướng các doanh nghiệp địa ốc khai phá những mảng mới đã diễn ra trong vài năm qua, trong đó thấy rõ nhất là việc doanh nghiệp xoay trục, mở rộng đầu tư về tỉnh lẻ; phát triển các phân khúc mới như nghỉ dưỡng, khu công nghiệp; hay cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

doanh nghiep bat dong san va xu the chuyen huong da nganh bai 1 Địa ốc Hoàng Quân "thò chân" vào bất động sản nông nghiệp
doanh nghiep bat dong san va xu the chuyen huong da nganh bai 1 Để mảnh đất màu mỡ không trở thành vũng bùn lầy
doanh nghiep bat dong san va xu the chuyen huong da nganh bai 1 Bất động sản nông nghiệp: Nên hiểu thế nào cho đúng?

Không chỉ dừng trong lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp địa ốc còn mạnh dạn mở đường sang nhiều lĩnh vực khác. Chẳng hạn, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên vừa diễn ra, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) đã xin ý kiến cổ đông để mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nông - lâm nghiệp kỹ thuật cao.

Ông Trương Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Vạn Phát Hưng cho biết, mặc dù đầu tư địa ốc là ngành nghề truyền thống của Công ty nhưng lĩnh vực đầu tư nông nghiệp kỹ thuật cao lại đang có tiềm năng rất lớn do nhu cầu khổng lồ của thị trường về sản phẩm sạch.

doanh nghiep bat dong san va xu the chuyen huong da nganh bai 1
Xu thế dịch chuyển sang mảng nông nghiệp của nhiều doanh nghiệp

Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC) cũng công bố thông tin về việc mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là thủy điện và năng lượng tái tạo.

Để thực hiện kế hoạch này, PHC đã nhận chuyển nhượng lại 80% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Phú Lâm để triển khai Dự án Nhà máy thủy điện Đắk So 2, xây dựng trên suối Đắk Sor (tỉnh Đăk Nông).

Trước PHC, Công ty cổ phần Kosy là một trong những doanh nghiệp địa ốc sớm nhảy vào lĩnh vực này.

Cuối tháng 10/2018, Kosy đã bấm nút khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Pạc tại xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu và đang chuẩn bị để tiếp tục triển khai một dự án nhà máy thủy điện khác.

Đáng chú ý, lĩnh vực năng lượng đang thu hút được sự quan tâm đông đảo doanh nghiệp, với sự hiện diện của nhiều tên tuổi như BIM Group, Bamboo Capital (HOSE: BCG), Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) trên cách khu vực tiềm năng tại Long An, Ninh Thuận, Tây Ninh...

Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp nhảy vào cuộc đua đầu tư xây dựng dự án năng lượng tái tạo đến từ Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá mua điện mặt trời lên 9,35 cent/kWh (khoảng 2.086 đồng), có hiệu lực từ 01/06/2017.

Một lĩnh vực khác cũng được nhiều doanh nghiệp địa ốc quan tâm thời gian gần đây là lĩnh vực thẩm mỹ. Đơn cử, Vicoland đã ký hợp đồng nguyên tắc thành lập Beauty Clinic với Daewon Cantavil PTE. Ltd để sớm cho ra mắt bệnh viện thẩm mỹ số 1 ở Việt Nam.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc mở rộng kinh doanh, đầu tư sang những lĩnh vực khác như thủy sản, nông sản, năng lượng là một hướng đi nhằm đa dạng hóa ngành nghề để giảm thiểu rủi ro.

Điều này đến từ việc, thị trường bất động sản không còn dễ dàng như trước khi tín dụng bị siết chặt dần, thủ tục triển khai dự án, nhất là tại TP. HCM khó khăn.

Dự báo, xu hướng đầu tư này sẽ còn tiếp tục khi các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Có thể thấy rõ nhất trường hợp của ông lớn Vingroup, khi doanh nghiệp này liên tục mở rộng địa bàn hoạt động sang cả lĩnh vực bán lẻ, giáo dục, y tế, thương mại điện tử, ô tô, xe máy sau khi thành công với lĩnh vực bất động sản.

Hay như Hoàng Anh Gia Lai cũng đã từng tuyên bố, kết thúc xứ mệnh phát triển/ mở rộng bất động sản bằng việc chuyển sang đầu tư cho mặt trận nông nghiệp sạch hướng tới thị trường xuất khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xu hướng đa dạng hóa đầu tư được giải thích bởi một số lý do: Cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều ngành nghề mới được hình thành, nhiều lĩnh vực có tiềm năng chưa được khai thác triệt để, rào cản gia nhập ngành chưa sâu…, từ đó mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp.

Có thể nói, việc đa dạng hóa đầu tư của các doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển kinh doanh, từ sự xuất hiện cung - cầu mới, từ xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như từ sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải bám sát thị trường, nhạy bén và năng động nắm bắt những thời cơ mới, không ngừng mở rộng quy mô, phát huy được các nguồn lực bên trong, huy động được nguồn lực bên ngoài, giảm thiểu rủi ro theo kiểu “không bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Dù vậy, cũng lưu ý rằng, việc phát triển theo hướng đa ngành nghề không phải là đầu tư theo trào lưu, mà phải có định hướng chiến lược để hạn chế rủi ro, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững. Nếu doanh nghiệp đi đúng hướng và đầu tư thành công, sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu như đã nêu trên. Tuy nhiên, nếu “chệch hướng” hoặc đầu tư không hiệu quả, có thể làm suy sụp hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất thương hiệu và gây ra những thiệt hại to lớn khó lường cho doanh nghiệp.

Trong quá khứ, rất nhiều trường hợp hướng tới đầu tư đa ngành bị thất bại, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến trường hợp của Hoành Anh Gia Lai, Gemadept... Đây là bài học để các doanh nghiệp lưu tâm.

Hữu Dũng

Tin cũ hơn
Xem thêm