Điện Gia Lai gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024

Cập nhật: 09:28 | 10/04/2024 Theo dõi KTCK trên

Nguyên nhân gia hạn là do Điện Gia Lai (GEG) cần chuẩn bị kỹ càng hơn về các nội dung thảo luận.

Công ty CP Điện Gia Lai (HOSE: GEC) cho biết sẽ gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Cụ thể, nghị quyết ngày 08/04 của Điện Gia Lai cho thấy HĐQT đã phê duyệt việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Theo đó, Điện Gia Lai sẽ không tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 29/04/2024 như thông báo trước đó, mà dời sang thời điểm khác trước ngày 30/6/2024. Thời gian cụ thể sẽ được Công ty thông báo sau. Đồng thời, hủy bỏ danh sách cổ đông tham dự ĐHĐCĐ 2024 (ngày chốt danh sách trước đó là 29/03/2024). Nguyên nhân gia hạn là do Điện Gia Lai cần chuẩn bị kỹ càng hơn về các nội dung thảo luận.

Điện Gia Lai gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024
Thông báo gia hạn ĐHĐCĐ năm 2024

Theo quy định, ĐHĐCĐ thường niên phải tổ chức họp trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, HĐQT được quyết định gia hạn họp trong trường hợp cần thiết nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Do vậy, việc gia hạn tổ chức của Điện Gia Lai là phù hợp với quy định.

Theo tìm hiểu, Điện Gia Lai tiền thân là Công ty Thủy điện Gia Lai Kon Tum, được thành lập ngày 1/6/1989. Đến năm 2010, doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ hơn 261 tỷ đồng.

Tháng 1/2013, Điện Gia Lai chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình “ông vua mía đường” Đặng Văn Thành và được xác định là đơn vị tiên phong, hạt nhân của tập đoàn này trong lĩnh vực năng lượng.

Hiện nay, doanh nghiệp này được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời ở Việt Nam. Điện Gia Lai đã đầu tư và vận hành 2 nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam là Phong Điền (có công suất 48 MWp, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) và Krông Pa (69 MWp, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng).

Danh mục đầu tư điện mặt trời của Điện Gia Lai gồm 4 dự án đã vận hành thương mại. Ngoài 2 dự án kể trên, còn có 2 dự án khác là Dự án nhà máy điện mặt trời TTC Hàm Phú 2 và Dự án nhà máy điện Trúc Sơn.

Bên cạnh điện mặt trời, doanh nghiệp này còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu 14 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng với tổng công suất 85,1MW chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (93%) và Bắc Trung Bộ (7%).

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Điện Gia Lai, doanh thu thuần hợp nhất 2023 tăng nhẹ 3%, đạt 2.163 tỷ đồng trong bối cảnh ngành điện 2023 đối mặt khó khăn thách thức trên nhiều phương diện.

Doanh thu bán điện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu với tỷ lệ 99,2%, còn lại là cung cấp dịch vụ, xây lắp và mua bán hàng hóa thiết bị. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 4%, đưa lợi nhuận gộp đạt 1.121 tỷ đồng, tăng 11% so với 2022. Biên Lợi nhuận gộp theo đó duy trì mức 52%, cao hơn trung bình ngành là 39%.

Lợi nhuận trước thuế đạt 195 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ, nhưng vượt 8% kế hoạch năm 2023 là 180 tỷ đồng.

Sản lượng điện toàn hệ thống 2023 đạt 1.233 triệu kWh, tương ứng 2.096 tỷ đồng doanh thu bán điện, lần lượt cao hơn 17% và 11% so với 2022. Xét về loại hình, điện gió với 4 nhà máy 230 MW vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với sản lượng đạt 509 triệu kWh, tương ứng doanh thu 917 tỷ đồng, chiếm 41% sản lượng và 44% doanh thu trong cơ cấu.

Tiếp theo là điện mặt trời (5 nhà máy và 34 hệ thống áp mái 292 MWp), ghi nhận sản lượng và doanh thu lần lượt 368 triệu kWh và 809 tỷ đồng, chiếm 30% sản lượng và 38% doanh thu. Thủy điện với 12 nhà máy 81 MW đóng góp 356 triệu kWh và 370 tỷ đồng, chiếm 29% sản lượng và 18% doanh thu.

Biên EBIT (thước đo lợi nhuận của một doanh nghiệp, bao gồm tổng doanh thu trừ đi chi phí, ngoại trừ thuế thu nhập và lãi vay) và Biên EBITDA (thước đo hiệu suất của một doanh nghiệp, bao gồm tổng doanh thu trừ đi các loại chi phí ngoại trừ tiền lãi, khấu hao và thuế) của Công ty tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 48% và 79%; so với trung bình ngành lần lượt ở mức 35% và 48%.

Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của GEC đạt 16.131 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn giảm 31%. Ngoài ra, sau khi COD Nhà máy Tân Phú Đông 1, GEC chi trả công nợ cho PC1 - Tổng thầu EPC. Phải trả người bán ngắn hạn và dài hạn ghi nhận giảm 86% so với đầu năm, xuống còn 188 tỷ đồng.

Tổng nợ vay tính đến cuối năm 2023 là 10.097 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, hệ số Khả năng thanh toán lãi vay vẫn duy trì ở mức 1,2 lần, trên ngưỡng an toàn, thỏa mãn yêu cầu của các định chế tài chính trong và ngoài nước đang tài trợ nguồn vốn cho GEC và đảm bảo khả năng trả lãi.

Trong chiến lược mở rộng đầu tư các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, GEC đã mua lại 1 dự án thủy điện tại tỉnh Đắk Lắk có công suất 8,6 MW - cũng theo đúng chủ trương phát triển năng lượng tái tạo của GEC, nâng công suất thủy điện lên gần 90 MW. Dự án có diện tích khoảng 30 ha nằm trên dòng sông Krông H’năng và được hưởng giá bán điện theo biểu phí tránh được. Khi đi vào vận hành sẽ cung cấp sản lượng gần 33 triệu kWh/năm với doanh thu dự kiến 36 tỷ đồng/năm. Dự án đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý và sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2024, vận hành vào quý IV/2025.

LPBank công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa công bố tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, trong đó, ...

Kinh Bắc (KBC) gia hạn ĐHĐCĐ thường niên năm 2024

Lý do gia hạn được Kinh Bắc đưa ra là bởi các nhiệm vụ và kế hoạch quan trọng cho năm 2024 đã được thông ...

ĐHĐCĐ lần 1 bất thành, CEO Group công bố thời gian tổ chức họp lần 2

Trong cuộc họp sắp tới, CEO Group sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 2.100 tỷ đồng và ...

Tiểu Vy