Điểm sáng kinh tế Việt Nam giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng

Cập nhật: 11:49 | 23/07/2023 Theo dõi KTCK trên

Suốt hơn 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn vững vàng và tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trong hành trình vượt qua các thách thức chưa có tiền lệ lịch sử, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Nền kinh tế vẫn duy trì được động lực tăng trưởng và Việt Nam luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính-tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.

Việt Nam luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính-tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu.
Việt Nam luôn được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính-tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu.

Hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế luôn được cải thiện. Các cân đối và chỉ số tài chính -tiền tệ vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; nợ công, nợ xấu được kiểm soát và lạm phát hằng năm được duy trì theo mục tiêu đề ra là dưới 4%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 tăng 11,2% so với năm trước, phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được mở rộng và nỗ lực thích ứng linh hoạt, phản ứng nhanh nhạy với các biến động và đòi hỏi của thị trường (bình quân một tháng năm 2021, cả nước có 13.300 doanh nghiệp tham gia vào thị trường và gần 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Con số tương ứng của năm 2022 là 17.400 và 11.900 doanh nghiệp, còn của nửa đầu năm 2023 là 19.000 doanh nghiệp và 16.700 doanh nghiệp).

Đồng thời, quá trình chuyển đổi số và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 nổi lên như điểm sáng cả về kim ngạch, mức xuất siêu, cơ cấu hàng xuất và sự phục hồi thị trường so với năm 2021: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Xuất siêu hàng hoá 11,2 tỷ USD; lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể đạt mức 11 tỷ USD, về đích trước hẹn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.

Lượng khách quốc tế và nội địa liên tục tăng tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi du lịch như điểm sáng hàng đầu trong các ngành kinh tế Việt Nam suốt hành trình nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (khách quốc tế năm 2022 vào Việt Nam đạt 3.661.200 lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021)...

Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.

Cả nước có 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới; 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước) và 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên được thị trường đón nhận tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.

Đặc biệt, không chỉ trở thành điểm sáng khu vực và thế giới về kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo đói, Việt Nam còn ghi nhận nhiều điểm sáng khác trong xếp hạng quốc tế:

Năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody's, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ "Ổn định" lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards (Giải thưởng du lịch thế giới) vinh danh là Điểm đến hàng đầu châu Á, giống như năm 2018 và 2019; đồng thời, được vinh danh là Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được vinh danh là Điểm tham quan hàng đầu châu Á; TP. Hội An (Quảng Nam) là Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được vinh danh Công viên quốc gia hàng đầu châu Á.

Năm 2022, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) dù giảm 4 bậc so với năm 2021 và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; xếp hạng về đầu ra thứ 35 so với thứ 38 năm 2021), thuộc nhóm các kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN, tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160 theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022" do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện; xếp hạng này dựa theo 39 chỉ số trên ba trụ cột (chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn.

Việt Nam còn được xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới 2022 của tạp chí Mỹ US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 11.553 USD; Bảng xếp hạng dựa trên điểm trung bình được tính từ 5 yếu tố liên quan đến quyền lực của một quốc gia: Sự lãnh đạo, có ảnh hưởng kinh tế, có ảnh hưởng chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh...

Năm 2023, "Chỉ số hạnh phúc toàn cầu" của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên Hợp Quốc...

Những thành quả trên là hội tụ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết và ủng hộ của người dân, đặc biệt là từ việc chuyển hướng chiến lược từ "zero COVID" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả và bám sát các nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, nổi bật là xây dựng nền dân chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, trách nhiệm vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; hướng đến con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển…

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "ổn định"; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng "ổn định"; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng "tích cực"). IMF nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu...

Những kết quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng trân trọng. Cần nhấn mạnh rằng, đằng sau sự thành công của ngoại giao vaccine nói riêng và chiến lược vaccine nói chung là thông điệp và bài học về sự nỗ lực vì mục tiêu bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân cần dựa trên sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp; sự bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, kiên định chủ trương, đường lối, phương pháp, cách làm phải linh hoạt và xuất phát từ tình hình thực tiễn; sự kết hợp hài hoà giữa vận động cấp cao với công tác tham mưu, tư vấn, vận động, tạo điều kiện và sự đeo bám, thúc đẩy quan hệ của các cơ quan và cán bộ đại diện ngoại giao các cấp trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn hiện nay.

Với đường lối phát triển kinh tế, đường lối ngoại giao sáng suốt, đúng đắn trong một thế giới đầy biến động hiện nay với kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua đã tạo cơ sở cho niềm tin vào việc kinh tế nước ta sẽ đạt được những mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra./.

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn CTTĐT Chính phủ

Tin cũ hơn
Xem thêm