Dã thú nuôi trẻ - Chuyện có thật hay chỉ trên phim ảnh?

Cập nhật: 16:46 | 22/09/2023 Theo dõi KTCK trên

Dường như câu chuyện về cậu bé người vượn Tarzan trong suy nghĩ nhiều người… chuyện chỉ có trên phim ảnh. Nhưng trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam đã phát hiện không ít chuyện trẻ em được thú rừng nuôi dưỡng và đến nay chủ đề này vẫn đầy bí ẩn, thu hút sự chú ý và cả trí tưởng tượng của nhiều người.

Hai chú bé chó

Cuối năm 2004, dư luận Siberia (Nga) chấn động khi phát hiện một cậu bé được chó nuôi sống suốt 7 năm trời. Cậu tên là Andrei Tolstyk, bị cha mẹ bỏ rơi khi mới 3 tháng tuổi. Các nhân viên xã hội tìm ra Andrei khi không thấy tên cậu bé trong danh sách học sinh đến tuổi đi học ở khu Altai. Do không có cơ hội giao tiếp với con người, Andrei không nói được và cư xử không khác một chú cún. Cậu bé đi trên bốn chi, khụt khịt ngửi đồ ăn, thỉnh thoảng cũng cắn người khác.

Mẹ của Andrei nhẫn tâm bỏ con lại cho người cha tối ngày say xỉn từ khi cậu bé còn nằm trong nôi. Cha Andrei cũng sớm bỏ rơi cậu và bỏ đi đâu không ai hay biết. Dân cư ở ngôi làng Bespalovkaya, nơi gia đình Andrei từng sống, rất thưa thớt. Nhà cậu bé lại nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh. Chẳng ai nhận ra hai bậc cha mẹ vô trách nhiệm đã bỏ mặc đứa con chào đời chưa lâu của họ. Thật may mắn, nhà Andrei nuôi một chú chó giữ nhà, vị cứu tinh bốn chân đã giúp cậu bé sống sót và nuôi lớn cậu.

Dã thú nuôi trẻ - Chuyện có thật hay chỉ trên phim ảnh?
Ảnh minh họa

Cậu bé đang sống trong một trại trẻ mồ côi của thị trấn. Nhân viên trong trại kể lúc mới đến, Andrei rất sợ hãi khi nhìn thấy nhiều người. Để giao tiếp với cậu, mọi người chỉ còn cách ra dấu. Sau 2 tuần, Andrei bắt đầu đứng thẳng lưng, đi lại bằng hai chân. Dần dần, cậu cũng tập cách dùng thìa ăn, tự trải chăn khi ngủ và biết chơi đùa với quả bóng như trẻ con bình thường.

Cách đây khoảng hơn chục năm, cảnh sát gần Moscow (Nga) cũng đã cứu Ivan Mishukov khỏi những chú chó hoang dã đã nuôi sống cậu 2 năm liền. Ivan trốn khỏi nhà khi mới 4 tuổi vì bị mẹ và tình nhân của bà hành hạ. Gặp một đàn chó hoang, Ivan "cống nạp" một ít thức ăn. Đổi lại, chúng bảo vệ cậu khỏi cái giá lạnh đến -30oC và những kẻ xấu. Cảnh sát đã cố tiếp cận cậu bé 3 lần nhưng đều thất bại vì sự bảo vệ kiên cường của những con chó. Để tách Ivan khỏi đàn chó, họ phải dùng thức ăn làm mồi. Trường hợp của Ivan khá may mắn vì trước khi trở thành "Tarzan", cậu đã biết nói. Chính vì thế, cậu bé dễ dàng hòa nhập vào xã hội. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, cậu vẫn mơ về "gia đình bốn chân" ngày xưa.

Thực tế, không phải em bé nào trở thành "con nuôi" của thú hoang cũng được như Ivan. Khó khăn lớn nhất của các em là học ngôn ngữ bởi phần lớn đều bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ. Trong đầu trẻ không có khái niệm về tiếng người, khả năng tiếp thu ngôn ngữ loài người sẽ mất dần. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ được tách khỏi cuộc sống hoang dại sau tuổi dậy thì, cơ hội giao tiếp như con người gần như bằng không. Andrei và Ivan không phải là những trường hợp duy nhất trên thế giới bị cha mẹ bỏ rơi và được động vật nuôi sống.

Bé sói, bé khỉ, bé sói, bé voi và…

Tài liệu gây sự thu hút của nhiều người sớm nhất ghi nhận trường hợp trẻ em được thú rừng nuôi dưỡng là vào năm 1341. Cậu bé người sói có tên Hesse được tìm thấy ở Đức khi đang sống hoang dã cùng một đàn sói. Bấy giờ cậu mới được khoảng 7 tuổi. Lúc đầu cậu vẫn giữ thói quen đi bằng cả bốn chân, có thể nhảy rất xa và không chịu mặc bất kỳ loại quần áo nào. Hesse sống tới tận 80 tuổi và theo tự sự thì Hesse thích sống với chó sói hơn là với người.

Dã thú nuôi trẻ - Chuyện có thật hay chỉ trên phim ảnh?
Ảnh minh họa

Người thú nổi tiếng nhất và sống lâu nhất với thú là cậu bé người khỉ John Sebunya, cậu đã được lũ khỉ đầu chó nuôi từ năm lên 4 tuổi. Năm 1991, cậu được phát hiện tại Uganda khi đang đánh đu trên những cành cây. Sau đó một tổ chức cứu trợ trẻ em mồ côi đã nhận nuôi John. Cậu được dạy chữ, học nói và hòa đồng dần với cộng đồng dân cư bản địa. Ngày 13/10/1999, trong chương trình Bằng chứng sống (Living Proof) mang tên Cậu bé sống cùng bầy khỉ (The Boy who Live with Monkeys) của đài truyền hình BBC, John đã kể lại quãng thời gian sống trong rừng sâu: "Tôi chỉ có thể nhớ lại được vài sự kiện khi tôi sống giữa lũ khỉ đầu chó. Thức ăn của tôi chủ yếu là dế, trứng đà điểu, quả lê gai, ngô xanh và mật ong rừng. Tôi đi bằng cả bốn chân tay và ngủ trong bụi rậm hoàn toàn trần trụi. Một ngày nọ tôi đang đi tìm thức ăn cùng với lũ khỉ thì bị hai cảnh sát bắt". Hiện, John đang có một cuộc sống vui vẻ trong trung tâm cứu trợ nhân đạo tại Kampala (Uganda).

Trường hợp người thú được ghi nhận kỹ lưỡng nhất thuộc về 2 trẻ em người sói ở Ấn Độ sống vào những năm 1920. Một mục sư tên là Singh đã phát hiện ra 2 em trong lần đến một làng hẻo lánh giảng đạo. Chính ông đã viết cuốn sách dày tường thuật lại chi tiết trường hợp này với nhiều bức ảnh minh họa từ khi được phát hiện cho đến khi 2 nhân vật qua đời. Đó là 2 bé gái tám và một tuổi rưỡi. Các em được mục sư Singh đưa về nuôi ở một cô nhi viện. Mặc dầu được nuôi nấng và chăm sóc rất chu đáo nhưng các em vẫn không bỏ được tính sói.

Các em gần như ngủ suốt ngày và đi tìm thức ăn lúc chạng vạng. Các em làm mọi người kinh ngạc vì chạy bằng cả bốn chi, thỉnh thoảng lại hú lên như sói và luôn lẩn tránh ánh sáng mặt trời. Đôi mắt các bé nhìn trong bóng đêm có vẻ tinh nhạy hơn mắt người thường. Các em cũng khiến mọi người khiếp sợ bởi cách tợp nước bằng lưỡi và ý thích ăn thịt sống - kể cả thịt đã thối rữa - hơn là rau và thức ăn làm từ ngũ cốc. Các em tránh làm bạn với người nhưng lại thích chơi với lũ chó trong cô nhi viện. Sau một thời gian, người chị chết vì bệnh lỵ, còn người em thì 10 năm sau cũng qua đời. Trong suốt 10 năm chăm sóc nuôi dạy, 2 trẻ đã tập được nhiều tính người như tự mặc được quần áo, ăn uống và tập đọc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các em vẫn có ý muốn chạy trốn vào rừng.

Theo các tài liệu ghi nhận được trong quá khứ, những tên tuổi người thú khác còn bao gồm: bé trai gấu ở Lithuania được phát hiện vào năm 1661. Năm 1719, người ta phát hiện hai đứa trẻ linh dương trong dãy Pyrenées. Nhà nhân chủng học lỗi lạc Jean Claude Armen miêu tả những cậu bé linh dương này: "Mắt cá chân của chúng dày bất thường và được cho là do thói quen nhảy theo đàn linh dương. Những dấu chân rất mờ nhạt trên cát cho thấy sự mềm dẻo, hòa hợp mà chỉ những con linh dương mới có".

Dã thú nuôi trẻ - Chuyện có thật hay chỉ trên phim ảnh?
Ảnh minh họa

Năm 1815, người ta tìm thấy một người lợn ở Salzburg. Theo kể lại thì em bé kêu ủn ỉn như lợn và các điệu bộ của em khó coi đến mức ngớ ngẩn. Năm 1985, ở Kenya, một nhóm người Anh đi săn đã bắt gặp em bé khoảng 9 tuổi đang di chuyển bằng bốn chân theo một đàn voi rừng. Người ta đã tìm cách rình bắt khi bé tách ra khỏi đàn voi đến bên suối nước gần đó. Bé có lớp da sần sùi, nâu đen như da voi và có nhiều sẹo lớn. Bác sĩ Batshave Devoe, người chăm sóc cho cô bé người voi, đã ghi lại những cử chỉ lạ lùng của bé. Ông cho biết, hầu hết các hành động của cô bé đều giống y xì loài voi. Theo ông, cô bé này đã sống chung với voi ít nhất là 3 năm.

Các trường hợp người sói, người gấu, người voi... cũng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý và tâm bệnh học. Theo họ, những đứa trẻ - thú này khi trở về xã hội loài người gần như mất hẳn khả năng thích nghi với môi trường chung quanh. Vì thế, rất ít người - thú chịu đựng được hoàn cảnh sống mới trong thời gian lâu dài. Cho đến nay, chúng vẫn là một dấu hỏi lớn ám ảnh các nhà tâm lý và tâm thần học.

Những câu chuyện chưa có lời giải

Như vậy, trong khi nhiều nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được là tại sao những đứa trẻ yếu ớt, bé nhỏ kia khi rơi vào tay đàn thú dữ ăn thịt người lại có thể sống sót; không những thế các em còn được chính những con dã thú đó nuôi nấng trong một thời gian dài thì trên một bình diện khác, nhiều người lại nghi ngờ rằng, có thực là chúng đã được thú hoang nuôi dưỡng không? Chẳng nhẽ lại có nhiều đứa trẻ may mắn đến như vậy!

Dã thú nuôi trẻ - Chuyện có thật hay chỉ trên phim ảnh?
Ảnh minh họa

Để giải thích cho những thắc mắc trên, nhà tâm lý trẻ em Bruno Bettelheim cho rằng những đứa trẻ người - thú này đơn giản chỉ là những trẻ em mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển về thể chất và bị cha mẹ ruồng bỏ. Ông nêu ra một số đặc điểm tiêu biểu ở chúng bao gồm thói quen đi bằng cả bốn chân tay, phát ra những âm thanh giống thú vật... trong đó có một số đặc điểm giống với các trẻ em mắc chứng tự kỷ, chẳng hạn như khó khăn trong việc nói năng, những tiếng hú, những hối thúc phải chạy lăng xăng trong khi mình trần, phải cắn người và đi tiêu, tiểu không theo ý muốn...

Hay một đặc tính khác thường được biết đến của những trẻ em này là sự không có cảm giác đối với nhiệt độ nóng lạnh. Trong một trường hợp nổi tiếng hồi thế kỷ 18, Victor, cậu bé người khỉ có thể ngồi xổm trần truồng trong cơn mưa như trút, lạnh buốt mà chẳng tỏ vẻ gì là khó chịu và có thể bốc khoai tây nóng từ nồi canh đang sôi. Sức đề kháng lạ kỳ như thế cũng thường thấy ở các trẻ em mắc chứng tự kỷ. Bettelheim cho rằng, đối với những người vốn tin chuyện trẻ em được dã thú nuôi thì bất cứ hành vi giống động vật nào cũng được xem như bằng chứng về sự nuôi nấng bởi thú vật.

Cho đến nay vẫn tiếp tục có những câu chuyện mới được kể về những đứa trẻ chưa được khai hóa, nửa người nửa thú này. Thực sự trẻ em có thể được động vật nuôi hay không hay những câu chuyện đó cũng chỉ là phản ánh niềm khát khao tìm lại sự hài hòa với thiên nhiên mà con người đã đánh mất? Đây cũng là một câu hỏi chưa có lời đáp!

Làm việc này tưởng nghịch lý nhưng lại khiến chuyện “vợ chồng” trở nên nồng ấm hơn

Theo kết luận từ những cuộc nghiên cứu xã hội, các nhà khoa học đã đưa ra một bí mật rất bất ngờ, tưởng nghịch ...

Lý giải vì sao tình yêu đồng tính thường không bền lâu

Với nhiều người, tình yêu của những người đồng tính thường khó bền vì đó là những mối quan hệ chỉ nhằm thoả mãn các ...

Biết được bí mật này, đời sống gối chăn của vợ chồng bạn sẽ trở nên tuyệt vời hơn

Tuyệt chiêu đề có mối quan hệ vợ chồng ngày một mặn nồng là một trong những vấn đề đóng vai trò quan trọng mà ...

Phương Nga

Tin liên quan
Tin cũ hơn
Xem thêm