CPI quý I tăng 5,56% do tác động của COVID-19

Cập nhật: 16:43 | 27/03/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN – Chiều 27/3, tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức,Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2020 ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, trong khi CPI bình quân tăng tới 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

cpi quy i tang 556 do tac dong cua covid 19

Dịch nCoV tác động thế nào đến CPI

cpi quy i tang 556 do tac dong cua covid 19

CPI tháng Tết tăng 6,43%, mức tăng cao nhất trong 7 năm

cpi quy i tang 556 do tac dong cua covid 19

3 kịch bản cho nền kinh tế Việt năm 2020

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 đã giảm 0,72% so với cùng tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, CPI các tháng Ba từ năm 2016 trở lại đây lần lượt là tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; và giảm 0,72%.

Nguyên nhân khiến CPI tháng Ba giảm mạnh là do những tác động như: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng virus mới gây ra (SARS-CoV-2); cuộc chiến giá dầu giành thị phần thế giới giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga làm cho giá xăng dầu thế giới giảm mạnh; nguồn cung gia cầm dồi dào là các nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 3/2020 giảm.

Tuy CPI tháng Ba so với tháng trước là thấp nhất trong 5 năm qua, nhưng ngược lại, nếu so với cùng kỳ năm trước hay tính bình quân thì lại đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

cpi quy i tang 556 do tac dong cua covid 19
Hình minh họa

Cụ thể, tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%.

Còn tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.

5,56% là mức tăng rất cao, hiện đang vượt xa ngưỡng 4% mà Quốc hội đã quyết nghị cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay. Điều này đang đặt ra những thách thức cho việc kiểm soát giá cả thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.

Quay trở lại với diễn biến CPI tháng Ba, Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức giảm 0,72% của CPI tháng 3/2020 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất.

CPI tháng 3/2020 hiện tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Chỉ số giá USD tháng 3/2020 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm thị trường chứng khoán, bất động sản không ổn định.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyễn My

Tin cũ hơn
Xem thêm