Công ty mẹ của Cao su Sao Vàng (SRC) được giao nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan

Cập nhật: 06:15 | 18/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn Hoành Sơn, công ty mẹ của Cao su Sao Vàng là một trong số ba nhà đầu tư thuộc liên danh được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép nghiên cứu tiền khả thi dự án đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan.

Mới đây, liên danh ba nhà đầu tư gồm Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn - Công ty TNHH Phonesack Việt Nam - Công ty TNHH Nam Tiến đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị. Đây là tuyến đường bộ ngắn nhất nối cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị), kết nối khu vực duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan.

Theo công văn của UBND tỉnh Quảng Trị, liên danh ba nhà đầu tư nói trên được phép thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát và bổ sung nội dung xây dựng đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào cùng hồ sơ đề xuất đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương hồi tháng 7/2023 để hoàn thiện hồ sơ tổng thể đoạn tuyến Quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị theo phương thức PPP.

Thời gian nộp hồ sơ là 3 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản chấp thuận. Sau thời gian trên, nếu liên danh Hoành Sơn - Phonesack Việt Nam - Nam Tiến không có hồ sơ báo cáo thì văn bản này hết hiệu lực.

Công ty mẹ của Cao su Sao Vàng (SRC) được giao nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan
Tập đoàn Hoành Sơn góp mặt trong liên danh được giao nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan

Cũng theo công văn của UBND tỉnh Quảng Trị, nhà chức trách cũng yêu cầu quy mô đầu tư Dự án đảm bảo tối thiểu theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lập theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức PPP và các văn bản có liên quan.

Được biết, dự án đường Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng) đến cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông) được Thủ tướng Chính phủ xác định trong quy hoạch mạng đường bộ quốc gia từ năm 2015, dài khoảng 92km, bao gồm 5 đoạn.

Cụ thể, đoạn 1 từ cảng biển Mỹ Thủy đến quốc lộ 1A dài 13,8km (đã có đường cũ với quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe); đoạn 2 từ Quốc lộ 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đoạn 3 từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 34km; đoạn 4 đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh tây dài 24km; đoạn 5 từ đường Hồ Chí Minh nhánh tây đến cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km (đã có đường cũ với quy mô đường cấp IV-VI miền núi). Trong đó, đoạn 2 và 3 dài 42km chưa đầu tư xây dựng.

Trước đó, hồi tháng 10/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP với quốc lộ 15D đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, đoạn 2 và 3 dự án dài 42km này chưa được đầu tư xây dựng này đã được Quảng Trị và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tính toán với quy mô đảm bảo nhu cầu khai thác, phù hợp quy hoạch, tổng mức đầu tư 42km là 6.800 tỷ đồng.

Được biết, gần đây, lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay tăng đột biến, tần suất 300 - 400 xe/ngày. Các phương tiện vận tải di chuyển qua các tuyến đường hiện có với chiều dài khoảng 250km mới đến cảng biển gần nhất. Việc đầu tư tuyến mới sẽ rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí, thời gian, đảm bảo an toàn giao thông…

UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc đề xuất đầu tư dự án theo PPP trong bối cảnh ngân sách trung ương và địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội ngày một tăng cao.

Trong số ba nhà đầu tư nằm thuộc liên danh nói trên, có lẽ Tập đoàn Hoành Sơn là cái tên “đình đám” nhất. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập ngày 19/1/2001 bởi doanh nhân Phạm Hoành Sơn (còn được biết tới với biệt danh Sơn “xay xát”). Xuất phát điểm là một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, sau hơn hai thập kỷ hoạt động, Tập đoàn Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời... Cùng với đó, quy mô vốn và tài sản cũng liên tục được mở rộng. Hiện tại, vốn điều lệ của Tập đoàn đang ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Theo thông tin cập nhật tại website doanh nghiệp, Hoành Sơn có tổng tài sản lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới 180 triệu USD.

Công ty mẹ của Cao su Sao Vàng (SRC) được giao nghiên cứu làm đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan
Phần tự giới thiệu của Tập đoàn Hoành Sơn

Tập đoàn Hoành Sơn được xem là một trong những “ông lớn” tại khu vực miền Trung khi nắm trong tay hàng loạt dự án nghìn tỷ tại Hà Tĩnh như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng (2011), Cảng biển quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng (2015), Dự án Điện Mặt trời Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng (2019), Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh 2.000 tỷ đồng (2019),…

Không chỉ vậy, doanh nghiệp này cũng được biết đến là một tay chơi M&A “thứ thiệt”. Rời “quê choa” Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn Hoành Sơn đã lần lượt “thâu tóm” thành công hai doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sở hữu “đất vàng”. Cuối năm 2023, doanh nghiệp này đã vượt qua Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) để trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty CP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC). Trước đó, doanh nghiệp gốc Hà Tĩnh từng giành quyền chi phối Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) - đơn vị phát triển “siêu dự án” Cảng Phước An có tổng vốn đầu tư lên tới 17.571 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Trị, theo tìm hiểu, bên cạnh dự án đầu tư xây dựng đường nối cảng biển Việt Nam qua Lào tới Thái Lan, Tập đoàn Hoành Sơn cũng đang nghiên cứu đề xuất làm dự án Cảng tạm hàng rời và khu dịch vụ hậu cần cảng tại Hải Lăng và dự án kho bãi và điểm trung chuyển hàng hóa tại huyện Cam Lộ.

Về hai nhà đầu tư còn lại trong liên danh, được biết, Phonesack Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thuộc Tập đoàn Phonesack (Lào). Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2010, hiện có vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Nam Tiến được thành lập năm 2006, có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ là 15 tỷ đồng. Tại Quảng Trị, doanh nghiệp này đang nghiên cứu thực hiện dự án kho bãi và hệ thống băng tải kết nối hai kho bãi để vận chuyển than đá xuất nhập khẩu giữa Lào về Việt Nam qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) – La Lay (Salavan, Lào).

Từ “kép phụ” thành “kép chính”, Tập đoàn Hoành Sơn đã “tròn vai”?

Tập đoàn Hoành Sơn lâu nay đã nổi tiếng là một tay chơi M&A “sành sỏi” với những màn “đổi vai” “thần sầu” tại các ...

Hành trình “chinh phạt” vào Nam ra Bắc của đại gia “Sơn xay xát”

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, với khí phách của một doanh nhân trẻ, ông Phạm Hoành Sơn ...

Tình hình kinh doanh và số phận dự án 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng dưới thời Chủ tịch Hoành Sơn ra sao?

Vượt qua Vinachem, Tập đoàn Hoành Sơn đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại Cao su Sao vàng khi sở hữu hơn ...

Hà Lê