Công thần lần lượt rời đi, ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai chỉ còn lại 2 người

Cập nhật: 10:31 | 16/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Việc 2 trong số 4 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cùng nộp đơn từ nhiệm khiến ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai chỉ còn lại 2 người gồm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.

2727-quyc-cyyng1
Ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai chỉ còn lại 2 người là ông Lại Thế Hà và bà Nguyễn Thị Như Loan.

2 thành viên HĐQT từ nhiệm

Ngày 12/6 vừa qua, 2 Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) là ông Nguyễn Văn Trường và ông Hồ Viết Mạnh đã nộp đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Cùng lúc ông Đào Quang Diệu cũng nộp đơn xin từ nhiệm chức Trưởng ban kiểm soát công ty với lý do cá nhân.

Ba đơn từ nhiệm này sẽ được Hội đồng quản trị trình tại Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 6 này, thời gian chưa chốt do tình hình dịch bệnh COVID-19.

Theo tìm hiểu, ông Hồ Viết Mạnh (sinh năm 1960) là kỹ sư lâm nghiệp. Ông Mạnh đã gắn bó với chức vụ Thành viên HĐQT Quốc Cường Gia Lai từ năm 2011.

Trước đó, năm 2007 - 2015, ông Mạnh là Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường. Hiện gia đình ông Mạnh sở hữu tổng cộng hơn 18,7 triệu cổ phiếu QCG, trong đó ông Mạnh nắm 1,54 triệu đơn vị, tương đương 0,56% vốn điều lệ của công ty.

Về phía ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1970), tham gia vào Quốc Cường Gia Lai từ tháng 9/2016, ông Trường vừa là Thành viên HĐQT vừa là Kế toán trưởng của công ty.

Trước khi gia nhập vào Quốc Cường Gia Lai, năm 2008 - 2015, ông Trường làm việc tại CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom. Hiện ông Trường chỉ sở hữu 80 cổ phiếu QCG sau khi đã bán 48.800 cổ phiếu vào đầu năm 2021.

Như vậy, nếu đơn từ nhiệm của ông Mạnh và ông Trường được thông qua, HĐQT của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn hai người là bà Nguyễn Thị Như Loan, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Lại Thế Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc. Dự kiến cổ đông sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT vào lần đại hội tới.

Tiền của Quốc Cường Gia Lai rơi xuống mức thấp nhất 10 năm

Kết thúc quý I/2021, Quốc Cường Gia Lai báo lãi sau thuế giảm 36% so với quý I/2020, đạt 19,4 tỷ đồng. Lãi ròng (lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ) giảm 43% còn 17 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 10.048 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ đồng so với số đầu năm.

Nguyên nhân chính đến từ giá trị tồn kho của doanh nghiệp giảm từ 7.373 tỷ đồng hồi đầu năm về 7.122 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong giá trị tồn kho là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp (6.242 tỷ đồng).

Đến tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp này có 6 dự án đang bị ách tắc, trong đó quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Dự án này đã được UBND TP HCM chấp thuận đầu tư từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017.

Quốc Cường Gia Lai cho biết, do bất cập của các chính sách mà công ty mất hơn ba năm cũng chưa làm xong thủ tục. Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.

Báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, Quốc Cường Gia Lai vẫn giữ 2.882 tỷ đồng khoản phải thu do nhận tiền của CTCP Đầu tư Sunny Island cho dự án Phước Kiểng từ năm 2017.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang mượn 1.234 tỷ đồng từ các công ty và cá nhân liên quan. Trong đó khoản tiền nợ với cá nhân Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan là 107 tỷ đồng và Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà 45 tỷ đồng.

1246-quyc-cyyng
(Nguồn: BCTC quý I của Quốc Cường Gia Lai).

Các khoản nợ tài chính của Quốc Cường Gia Lai tính đến ngày 31/3 đạt 484 tỷ đồng, 75% số đó là nợ dài hạn và 25% số nợ còn lại là ngắn hạn. Doanh nghiệp chủ yếu vay ngân hàng để tài trợ cho hai dự án thủy điện Langrai 2 và Ayun Trung.

Tổng tiền mặt của Quốc Cường Gia Lai đến cuối quý I tiếp tục giảm từ 40,5 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 25,3 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản chỉ chỉ chiếm 0,25%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành như Nam Long (7,3%), Khang Điền (10,3%)...

Với lượng tài khoản thanh khoản thấp, hệ số khả năng thanh toán nhanh của Quốc Cường Gia Lai hiện đạt 0,11 lần cho thấy áp lực tài chính của doanh nghiệp đang rất cao.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai đang trên đà giảm. Tính chung 1 quý qua, mã này đã giảm tới gần 20% giá trị. Những phiên giao dịch gần đây ghi nhận số phiên giảm áp đảo hoàn toàn, phiên tăng giá chỉ xuất hiện lác đác.

Chốt phiên 15/6, QCG giảm 0,65% về mốc 7.650 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 462 cổ phiếu được khớp lệnh.

1724-qcg-1
Diễn biến giá cổ phiếu QCG
Lịch chốt quyền cổ tức bằng tiền của 12 doanh nghiệp: CAV, SFI, SSC, VMS, DSV

Thêm 12 doanh nghiệp trong đó có CAV, SFI, SSC, VMS, DSV,... vừa công bố lịch chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền năm 2019 ...

Tin tức doanh nghiệp nổi bật ngày 16/6/2021: FPT, CII, DXG, NBB, HDC

Cập nhật kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động, thông tin phát hành cổ phiếu, thông tin trả cổ tức và tin tức giao ...

Các doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức ngày 16/6/2021

Trong ngày 16/6/2021, các doanh nghiệp như LIX, GIL, TSG, NLS,... sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền/cổ ...

Quang Huy