Cổ phiếu SRC tăng 33% sau 7 phiên

Cập nhật: 06:28 | 11/01/2019 Theo dõi KTCK trên

Cổ phiếu của Cao Su Sao Vàng nối dài chuỗi tăng điểm với 2 phiên tăng trần liên tiếp.

Kết phiên 10/1, cổ phiếu SRC của CTCP Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) tăng 2% lên mức 18.000 đồng/cp, đánh dầu phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần ngày 9/1 và 8/1.

Thanh khoản giao dịch quanh mức 117.130 cp mỗi phiên, cá biệt có phiên đạt hơn 422.590 cp (ngày 10/1).

Năm 2018, cổ phiếu SRC vẫn giữ giá dù có những biến động giảm điểm trong quý II và III.

co phieu src tang 33 sau 7 phien

Leo dốc cùng giá cao su?

Trên thị trường thế giới, giá cao su đang tăng trở lại từ cuối tháng 11. Tính đến 10/1, giá cao su đang dao động ở mức 182,1 JPY/kg, tăng 18% so với mức đáy năm 2018. Đây là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp nuôi trồng và sản xuất cao su, không phải các đơn vị sử dụng nguyên liệu đầu vào là sản phẩm này.

SRC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cao su như săm, lốp…, do đó giá cao su thiên nhiên tăng sẽ ảnh hưởng tới giá nguyên liệu đầu vào của công ty.

Tuy nhiên, câu chuyện giá vốn đầu vào có thể ở mặt tích cực nếu xem xét hàng tồn kho của doanh nghiệp này. Tính đến cuối tháng 9, SRC có 286 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm 31% tổng tài sản. Trong đó, công ty có 160 tỷ đồng nguyên vật liệu và 111 tỷ đồng thành phẩm. Với diễn biến giá cao su tăng, SRC có thể hưởng lợi với giá vốn đầu vào và kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận cao hơn nếu giá bán các sản phẩm tăng.

Năm 2018, SRC đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 922 tỷ đồng và 37 tỷ đồng trước thuế. 9 tháng 2018, công ty thực hiện 76% kế hoạch doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận.

Diễn biến giá cao su 6 tháng qua

co phieu src tang 33 sau 7 phien
Nguồn: Thị trường hàng hóa

Kỳ vọng từ thoái vốn và chuyển nhượng khu đất “vàng”?

Năm 2018, theo kế hoạch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, giảm sở hữu xuống 36% vốn, trong đó có SRC. Tại ĐHĐCĐ thường niên của SRC đầu năm trước, ban lãnh đạo đang chờ chỉ đạo của Vinachem. Sau 1 năm, tiến trình này vẫn chưa có tín hiệu mới.

Một yếu tố khác đáng chú ý tại SRC là việc chuyển nhượng khu đất tại 231 Nguyễn Trãi. Vấn đề này đã được đưa ra từ ĐHĐCĐ năm 2016. SRC đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP Hoành Sơn nhằm thực hiện dự án di dời cơ sở sản xuất chính tại Nguyễn Trãi (Hà Nội) đến Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Theo kế hoạch, hai bên (SRC và Tập đoàn Hoành Sơn) sẽ thành lập một công ty liên doanh để phát triển dự án ngay tại khu đất Nguyễn Trãi. Công ty này có vốn điều lệ dự kiến là 100 tỷ đồng, trong đó SRC sẽ góp 26% vốn (tương đương 26 tỷ đồng), 74% vốn còn lại sẽ do phía Hoàng Sơn góp. Bên cạnh đó, SRC sẽ được nhận từ Hoành Sơn một khoản tiền nhượng quyền sử dụng khu đất tại Nguyễn Trãi với giá trị là 435 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện dự án này là 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Sau khi kết thúc dự án, SRC sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi công ty liên doanh.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, ban lãnh đạo công ty cho biết việc chuyển nhượng khu đất bị chậm tiến độ do chưa được Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất phê duyệt. SRC đã nhận 143,5 tỷ đồng vào từ Hoành Sơn, tuy nhiên không ghi nhận vào doanh thu do nguyên nhân trên.

Trong lần đại hội thường niên 2018, vấn đề chuyển nhượng tiếp tục được cổ đông lật lại. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho biết dự án vẫn chưa được phê duyệt nên việc di dời và chuyển nhượng khu đất chưa có bước tiến. Bên cạnh đó, SRC đang tiến hành hoàn thiện một số công việc theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Năm 2019 là năm thứ 3 kể từ khi SRC công bố ký hợp đồng với Hoành Sơn. Nếu việc này có thể được triển khai, SRC sẽ nhận được khoản tiền 435 tỷ đồng ghi vào kết quả kinh doanh.

Lê Hải

Theo ndh.vn