Cổ phiếu khu công nghiệp: Nỗi lo thích ứng sau tháng 5

Cập nhật: 14:52 | 02/06/2020 Theo dõi KTCK trên

KTCKVN - Việc Việt Nam sớm khống chế được sự lây lan của dịch COVID-19 chưa hẳn đã mở ra cơ hội đối với một số doanh nghiệp khu công nghiệp và thị trường cổ phiếu khi nội tại của nhóm này vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập...

Trong tuần qua (tuần cuối tháng 5/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến con sóng lớn của nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp, điển hình nhất là cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: TTA).

Cổ phiếu này có trọn 5 phiên tăng trần liên tiếp trong tuần với lượng khớp đứng đầu thị trường và luôn còn dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu ITA tăng tới 38,9%, lên 3.640 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính từ đầu tháng 4 tới ngày 29/5, sau đợt sụt giảm mạnh trong tháng 3 cùng xu hướng chung của thị trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cổ phiếu ITA tăng 98,9%.

co phieu khu cong nghiep noi lo thich ung sau thang 5

Ngoài ITA, hầu hết cổ phiếu bất động sản công nghiệp khác cũng tăng mạnh thời gian qua. Cụ thể, cổ phiếu KBC của CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) cũng có mức tăng 26,58%; cổ phiếu của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UpCOM: NTC) tăng 45,78%; Cổ phiếu BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC (UpCOM: BCM) cũng tăng 57,5%, Cổ phiếu SNZ của Tổng CTCP Phát triển khu Công nghiệp (UpCOM: SNZ) tăng hơn 73,9%;... cùng với sự hồi phục nhanh chóng của chỉ số VN-Index trong tháng 4 và 5.

Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, động lực chính là do kỳ vọng từ việc các nhà máy đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc, đặc biệt sau dịch COVID-19 và Việt Nam ngay lập tức đã trở thành một trong những điểm đến phù hợp trong chiến lược dịch chuyển này.

Đặc biệt, cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lập Tổ công tác đặc biệt và đề án thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. Thông tin này như tiếp thêm năng lượng để nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp "chạy" nhanh hơn.

Thực tế, theo báo cáo kết quả kinh quý I/2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mảng bất động sản công nghiệp có lợi nhuận tốt trong đó ITA đạt mức lãi 25 tỷ đồng, tăng trưởng 341% so cùng kỳ, NTC lãi 85,3 tỷ đồng, tăng 22% cùng kỳ, LHG báo lãi 63,2 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, SZC báo lãi 53,7%, tăng 190%...

Tuy nhiên, việc Việt Nam sớm khống chế được sự lây lan của dịch COVID-19 cũng chưa hẳn mở ra cơ hội cho một số doanh nghiệp khi nội tại của nhóm này đang còn nhiều hạn chế và bất cập. Theo đó, từng doanh nghiệp trong nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng sẽ có sự phân hóa rõ ràng dựa trên các yếu tố về quỹ đất, chi phí giải phóng mặt và tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp.

Thực tế, dù sở hữu quỹ đất dồi dào, tuy nhiên, Becamex lại nằm trong số ít doanh nghiệp khu công nghiệp báo lãi sụt giảm mạnh trong quý I/2020 khi ghi nhận mức giảm 48% so với cùng kỳ, đạt gần 311 tỷ đồng và cũng là quý thấp nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Việc doanh thu tài chính sụt giảm mạnh, trong khi các chi phí không thay đổi được xem là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên. Ngoài ra, Becamex đang có tỷ lệ đòn bẩy khá cao. Tổng dư nợ vay tính tới cuối quý I/2020 chiếm 51%, tương ứng với 14.386 tỷ đồng, tương đương hệ số vay/vốn chủ sở hữu lên tới gần 1. Ngoài các khoản vay tại tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, Becamex còn ghi nợ trái phiếu dài hạn hơn 2.140 tỷ đồng.

Tương tự Becamex, Tín Nghĩa cũng là doanh nghiệp đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy khá cao khi tổng nợ vay (bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn) lên tới gần 3.890 tỷ đồng, chiếm hơn 39% tổng nợ phải trả. Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, Tín Nghĩa là doanh nghiệp có hệ số đi vay/vốn chủ sở hữu cao nhất và lớn hơn 1.

Bên cạnh Tín Nghĩa và Becamex, Sonadezi Châu Đức, IDICO cũng là những doanh nghiệp có hệ số đi vay/vốn chủ sở hữu ở mức cao.

Ngoài rủi ro về tỷ lệ đòn bẩy, khả năng về hạ tầng, công nghệ và yếu tố con người cũng đang làm chậm lại quá trình dịch chuyển nguồn lực đầu tư này.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, dù phát triển từ lâu nhưng hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Thậm chí, có khu công nghiệp không có đường giao thông để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa.

Điều tối quan trọng với hạ tầng khu công nghiệp là phải có khu xử lý chất thải rắn và nước thải tập trung bởi khi đầu tư bất cứ dự án nào, việc đảm bảo yếu tố môi trường rất quan trọng. Tuy nhiên thực tế, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại ít chú trọng điều này.

co phieu khu cong nghiep noi lo thich ung sau thang 5 Dòng tiền "chảy" mạnh vào cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp

KTCKVN - Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tiếp tục tạo ấn tượng khi ...

co phieu khu cong nghiep noi lo thich ung sau thang 5 Cổ phiếu bất động sản vẫn nằm ngoài "ống ngắm" của nhà đầu tư

KTCKVN - Trong tầm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc cho nhiều nhóm ngành như ngân hàng, dệt may, hàng không,… trở thành tâm điểm ...

co phieu khu cong nghiep noi lo thich ung sau thang 5 Cầm cố cổ phiếu bất động sản phát hành trái phiếu: Nỗi lo đỡ giá khi thị trường lao dốc

Thị trường chứng khoán lao dốc, nỗi lo hiện hữu với nhà đầu tư khi giá cổ phiếu được sử dụng làm tài sản đảm ...

Quốc Trung