Cổ đông ngân hàng mong ngóng ngày đại hội

Cập nhật: 15:25 | 07/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Cũng như các năm trước, kế hoạch kinh doanh và phương án phân phối lợi nhuận của các ngân hàng đang được các nhà đầu tư chứng khoán đặc biệt quan tâm trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Trong bối cảnh dư nợ toàn ngành ngân hàng đang có xu hướng chậm lại trong hai tháng đầu năm 2024, lợi nhuận ngân hàng liên quan đến tăng trưởng tín dụng sẽ được cổ đông đặc biệt quan tâm.

Nhiều nhà đầu tư đang lọc tìm ngân hàng có triển vọng tăng trưởng tín dụng để đầu tư, bởi khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay vẫn chưa cao, sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng. Trong khi đó, nợ xấu lại đang có xu hướng tăng, do sức mua của thị trường còn yếu.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 là -0,6% và tính đến ngày 16/2 hiện đang là -1%.

Cổ đông ngân hàng mong ngóng ngày đại hội
Hình minh họa.

Dư nợ tín dụng của một số nhà băng trong tháng 1/2024 giảm mạnh hơn trung bình ngành như Vietcombank là -2,3%, BIDV là -1,3% so với cuối năm 2023, MB là -0,7%.

Nhận định về tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, khó có thể đạt mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra là 15%, nếu sức mua không cải thiện và nhu cầu vốn không tăng trở lại kể từ quý II/2024.

Trong khi đó, trước bối cảnh thị trường xuất khẩu còn khó khăn, sức mua trong nước yếu, PSG.TS Nguyễn Hữu Huân lo ngại, nợ xấu của ngành ngân hàng khó có thể kiểm soát ở mức thấp.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này kỳ vọng, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tái cơ cấu, gia hạn thời gian trả nợ sẽ được Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian áp dụng, thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024.

Khi nợ xấu gia tăng, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cao, theo đó sẽ bào mòn đi. Tuy vậy, lợi nhuận ngành ngân hàng được Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá tích cực trong năm nay, khi dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 10%.

Tại Sacombank, năm 2023, ngân hàng này đạt 7.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với năm 2022. Công ty Chứng khoán Agribank nhận định, lợi nhuận của Sacombank sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, nhờ triển vọng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (sau khi trích lập xong các tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý trong năm 2023).

Nhiều ngân hàng khác được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm nay cao hơn năm ngoái như ACB có thể đạt trên 20.000 tỷ đồng, HDBank đạt hơn 13.000 tỷ đồng.

Bản thân các ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng như Vietcombank dự kiến lãi trước thuế hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 10% hay ngân hàng MB tham vọng lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 14,5%.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng bao gồm biên lãi ròng phục hồi, tăng trưởng tín dụng cao hơn và nền lãi suất thấp đã được thiết lập trong năm 2023.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, 2024 vẫn là năm thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản, song tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn nhờ chi phí vốn giảm và lợi nhuận trước dự phòng gia tăng, giúp các ngân hàng có dư địa để tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Vấn đề cổ tức “nóng trở lại”

Cổ phiếu ngành ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư, lĩnh vực ngân hàng vẫn luôn được xem là huyết mạch của nền kinh tế, khi kinh tế dần hồi phục sẽ là cơ hội cho tín dụng cải thiện, lợi nhuận ngân hàng tăng, cổ tức ở mức cao…, tạo động lực thúc đẩy giá cổ phiếu trong thời gian tới.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, đầu tư cổ phiếu ngân hàng bên cạnh kỳ vọng giá tăng thì cổ tức là vấn đề được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, cổ tức của nhiều ngân hàng hiện cao. Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu của các ngân hàng có triển vọng để rót vốn, nhất là khi sự phân hóa lợi nhuận, nợ xấu giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét.

Thực tế, cổ tức luôn là vấn đề được cổ đông quan tâm trong các kỳ đại hội ngân hàng. Với nhu cầu tăng vốn trước áp lực tiến tới các chuẩn mực của Basel III, không ít ngân hàng thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, dành nguồn lực tài chính để tăng vốn điều lệ.

Chẳng hạn tại VietinBank vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, chia cổ tức bằng cổ phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá gần 11.648 tỷ đồng.

Trong năm qua, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 53.700 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng đầu năm nay, lãnh đạo VietinBank kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 và lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tại đại hội cổ đông năm 2023, Vietcombank đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng. Trong năm qua, Vietcombank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019, với tỷ lệ 18,1%, tăng vốn lên gần 56.000 tỷ đồng.

Có ngân hàng thực hiện thưởng cổ phiếu như PGBank. Ngày 23/2/2023, PGBank đã chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:4. Số lượng cổ phiếu sẽ phát hành là 120 triệu đơn vị, tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính năm 2022.

Bên cạnh các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu, một số nhà băng trả cổ tức bằng tiền mặt, sau khi Ngân hàng Nhà nước không còn “siết” hình thức này như trong giai đoạn dịch Covid-19 (nhằm dành nguồn lực để xử lý nợ xấu).

Đáng chú ý, tại ngân hàng Sacombank, mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt qua các năm, tuy nhiên lần gần nhất ngân hàng này chia cổ tức đã là từ năm 2015.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông Sacombank từng chất vấn lãnh đạo Sacombank vì sao lợi nhuận cao, giá cổ phiếu tăng nhưng nhiều năm liền không chia cổ tức.

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank cho biết, ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu. Sacombank đã cơ bản xử lý xong nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Trong năm 2023, Sacombank sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá số cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu, mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.

Chủ tịch Sacombank cũng nhấn mạnh 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và sang năm 2024 sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức. Chính vì vậy, tại ĐHĐCĐ sắp tới, cổ đông Sacombank có thể sẽ nhận được câu trả lời cụ thể cho vấn đề này.

Nhiều năm không chia cổ tức, ĐHĐCĐ Sacombank sắp tới dự báo sẽ “nóng trở lại”

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) hiện đang được nhiều cổ đông mong chờ với vấn ...

Thêm loạt nhà băng chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ, đâu là đại hội được mong đợi nhất?

Nhiều ngân hàng đã phát đi thông báo về thời điểm dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, tuy ...

Vân Anh

Tin cũ hơn
Xem thêm