“Chứng khoán Việt Nam sau 20 năm hoạt động ngày càng phát triển”

Cập nhật: 09:02 | 25/01/2020 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam về mốc 20 năm xây dựng và phát triển của thị trường chứng khoán Việt, ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) khẳng định: Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển, không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự nâng cao rõ rệt về “chất”.

chung khoan viet nam sau 20 nam hoat dong ngay cang phat trien

Có thể nói, năm 2019 là năm khá khó khăn đối với nhiều thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhờ vào tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng khá bền vững, xin ông cho biết những kết quả đạt được của TTCK Việt Nam trong năm 2019?

Năm 2019 được đánh giá là năm khó đoán định đối với nhiều thị trường chứng khoán thế giới trong đó có cả thị trường chứng khoán Việt Nam, do chịu tác động bởi những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới và căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực từ thông tin kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

Trong năm 2019, thị trường cổ phiếu đã tăng 7,5% và tăng 10,7% so với cuối năm 2018 về quy mô vốn hóa, tương đương 72,6% GDP năm 2019, huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu đều tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ.

Thị trường trái phiếu chính phủ vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với giá trị niêm yết đạt 1.154 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2018 (tương đương 20% GDP năm 2019). Tổng số vốn huy động được cho ngân sách nhà nước thông qua phát hành TPCP đạt hơn 215 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018, với kỳ hạn huy động dài và lãi suất thấp. Cụ thể, kỳ hạn bình quân TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành được nâng lên mức 13,6 năm, tăng 1,2 năm so với mức bình quân năm 2018. Lãi suất trúng thầu đã giảm trên tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2018, theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm giảm khoảng 87 - 220 điểm cơ bản

Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới ra đời từ tháng 8/2017 với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nhưng đã có bước phát triển ấn tượng với khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 89.266 hợp đồng/phiên tăng 13%, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 58% so với cuối năm 2018.

Trong năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đón nhận thêm 02 sản phẩm mới đi vào giao dịch: Sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) đã bắt đầu được giao dịch vào ngày 28/6/2019 và sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ cũng được khai trương vào ngày 4/7/2019. Các sản phẩm đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Đặc biệt, ngày 26/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, với 92,13% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Chứng khoán mới khi đi vào thực thi sẽ có những tác động tích cực đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa, chất lượng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Năm 2020 đánh dấu 20 năm xây dựng và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là một cột mốc quan trọng để đánh giá lại các mục tiêu đã đề ra trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, định hướng đến năm 2025. Ông có thể cho biết sơ lược về khả năng hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong Đề án vào năm 2020?

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đưa TTCK Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới...

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017, số lượng nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Đây là mục tiêu khó khăn, đặt trong bối cảnh TTCK trong nước chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn; đồng thời công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trong năm qua có chậm lại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ để chúng ta có thể hoàn thành một số mục tiêu

Trước hết là các tín hiệu tích cực từ bối cảnh vĩ mô. Nền kinh tế Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và duy trì ở mức tăng trưởng cao đến hết năm 2020; các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá cũng sẽ theo chiều hướng ổn định. Đây là điều kiện nền tảng cho sự phát triển của TTCK trong thời gian tới.

Thứ hai, Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn với hàng loạt doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách thoái vốn và cổ phần hóa trong năm 2020 như: Mobifone, VNPT, Agribank, Vicem...., sẽ tạo nên lượng cung hàng hóa lớn trên TTCK , góp phần tăng giá trị vốn hóa cho TTCK trong thời gian tới. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu tăng tốc và sẽ phát triển rất nhanh.

Thứ ba, Bộ Tài chính và UBCKNN đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp cơ cấu lại TTCK được nêu trong đề án: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên TTCK ; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; Giải pháp nâng hạng thị trường...

Từ chiều hướng tăng trưởng ổn định của TTCK thời gian qua và các yếu tố hỗ trợ tích cực, cùng với các giải pháp tái cấu trúc thị trường đang triển khai, chúng ta có thể kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh về quy mô của TTCK trong thời gian tới và nhiều mục tiêu cụ thể đã đặt ra cho năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.

Ông có thể nói thêm về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm qua?

Thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức hoạt động từ ngày 28/7/2000. Qua 20 năm, chúng ta đã phát triển được một thị trường chứng khoán cơ cấu thị trường tương đối hoàn thiện với đầy đủ 3 mảng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, quy mô vốn hóa, thanh khoản và tính bền vững của TTCK đều được cải thiện không ngừng. TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cấp độ hai. Như vậy, có thể nói, sau gần 20 năm hoạt động, TTCK Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự nâng cao rõ rệt về “chất”.

Về số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai Sở Giao dịch chứng khoán từ 02 công ty ban đầu, đến nay chúng ta đã có 1.605 công ty. Về hoạt động huy động vốn, tính từ 2005 đến hết 2019, tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán đạt khoảng 2,64 triệu tỷ đồng, đóng góp 16% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu tính riêng trong năm 2019, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 318,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2005 đến hết năm 2019, hai SGDCK đã tổ chức được 1.078 phiên đấu giá. Số lượng cổ phần bán được 8,1 tỷ cổ phần, giá trị thu được là 306.238 tỷ đồng. Qua đó, giúp đẩy mạnh công tác cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước qua đó góp phần tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên TTCK không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Có thể nói, TTCK đang đã song hành với thị trường tín dụng, bổ sung hỗ trợ cho nhau hiệu quả để giải quyết bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế, trong đó thị trường tín dụng tập trung xử lý nhu cầu vốn ngắn hạn đến trung hạn và TTCK tập trung xử lý nhu cầu về vốn từ trung hạn đến dài hạn. Cơ cấu thị trường vốn của Việt Nam đang trở nên cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

TTCK Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào thành công của nhiều doanh nghiệp lớn. Hình thức huy động vốn của doanh nghiệp cũng được mở rộng không chỉ dừng lại ở thị trường cổ phiếu mà còn được mở rộng sang thị trường trái phiếu. Việc huy động vốn trên TTCK giúp doanh nghiệp tăng quy mô vốn điều lệ của mình, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế. Nhiều chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của doanh nghiệp niêm yết đã được ghi nhận và cho áp dụng rộng rãi trong khối doanh nghiệp nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chất lượng về quản trị doanh nghiệp cũng như độ tin cậy của hệ thống báo cáo tài chính trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể. Một thị trường chứng khoán minh bạch hơn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Đức Kế - Kiều Vui