Các Hiệp hội ngành hàng 'cầu cứu' Thủ tướng về giấy đi đường tại TP.HCM

Cập nhật: 15:31 | 26/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo các Hiệp hội ngành hàng khó khăn trong việc cấp giấy đi đường đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa.

Thống nhất hướng dẫn đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa

Hà Nội đảm bảo nguồn cung thực phẩm dồi dào trong mọi tình huống

Bánh trung thu giá rẻ: Mối lo tiềm ẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng

Ngày 25/8, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã có công văn số 01 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng các bộ liên quan, Chủ tịch UBND TP HCM và Giám đốc Sở Công Thương TP HCM về việc kiến nghị cấp giấy đi đường.

Theo công văn, tổng hợp phản ảnh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội, cho thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.

3038-giaydiduong
Ảnh minh họa

Cụ thể, tại công văn 2796 và Công văn 2800 của UBND TP HCM đề cập về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông, trong đó có nhóm đối tượng được cấp giấy phép lưu thông là nhân viên làm việc liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa có mã số đơn vị cấp là 3D sẽ hoạt động theo thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ theo số lượng và phạm vi hoạt động, giao Sở Công Thương quyết định từng trường hợp cụ thể.

Ngày 22/8, Sở Công Thương TP HCM ban hành quy trình hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa (cung ứng dịch vụ logistics) đăng ký cấp giấy đi đường trong thời gian thực hiện giãn cách từ ngày 23/8 đến ngày 5/9/2021.

Theo đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic đã nhanh chóng nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào của các hiệp hội ngành hàng nhận được phản hồi từ Sở Công Thương.

Ngày 24/8, Sở Công Thương TP HCM ban hành Công văn 3996 về việc phân công cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23/8 đến 6/9 trên địa bàn TP HCM.

Trong đó quy định, Sở Công Thương chỉ cấp giấy đi đường cho nhân viên của các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp); UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất vừa cung ứng hàng hóa nội địa, vừa trực tiếp xuất nhập khẩu.

"Điều này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp bị đình trệ, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được", công văn của các Hiệp hội nêu.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đều phải tự thực hiện bộ hồ sơ xuất khẩu bằng giấy (không có thủ tục online) và các nghiệp vụ liên quan, không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ qua các công ty dịch vụ logistics (forwarder).

Trước tình hình trên, trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, các Hiệp hội ngành hàng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời tăng cường thêm số cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông qua email để làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát, đến trụ sở Sở Công thương đóng dấu.

Hiệp hội sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm lập danh sách doanh nghiệp là hội viên có nhu cầu để gửi tới Sở Công thương. Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký, quản lý người lao động.

Thu Uyên (Tổng hợp)