BIDV chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023

Cập nhật: 13:17 | 29/02/2024 Theo dõi KTCK trên

Ngày 28/2, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.

Theo đó, Đại hội dự kiến tổ chức vào thứ 7, ngày 27/4 tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông là thứ 3, ngày 26/3, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/3/2024.

BIDV chốt ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID)

Theo thông tin từ BIDV, Hội đồng quản trị của ngân hàng này sẽ thông qua các báo cáo quan trọng năm 2023 và định hướng năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, 2023, phương án tạm trích lập các quỹ năm 2024 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, BIDV đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, bao gồm gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).

Vào cuối năm 2023, BIDV đã phát hành gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 qua đó vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ mức 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng.

Ngoài kế hoạch trả cổ tức, Hội đồng quản trị BIDV cũng sẽ thông qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Qua đó đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý IV/2023, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 14.869 tỷ đồng, nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản thu nhập ngoài lãi ghi nhận sự tăng trưởng khả quan với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.617 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.567 tỷ đồng, tăng 39%.

Đáng chú ý, trong kỳ, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đã giúp BIDV thu về khoản lãi 3.138 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh khác khiến BIDV lỗ gần 677 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này đem về cho nhà băng khoản lãi 364 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đi lùi 61% còn 11,7 tỷ đồng.

Kết quả, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 20.602 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động của ngân hàng gần như đi ngang so với năm trước kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lên 12.772 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng đã tăng lên 4.885 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể với khoản lãi lớn thu về từ các hoạt động kinh doanh nên kết quả, BIDV thu về lợi nhuận trước thuế 7.887 tỷ đồng, tăng 50,3%; lợi nhuận sau thuế 6.191 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 56.136 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,3% so với năm 2022. Tương tự quý IV, lãi từ chứng khoán đầu tư của nhà băng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, tăng 1.013%, gấp 11 lần so với năm trước lên 2.872 tỷ đồng.

Ngân hàng báo lãi trước thuế đạt gần 27.650 tỷ đồng, tăng 20,6%; lãi sau thuế đạt 22.027 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm trước.

Năm 2023, BIDV đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng từ 10 - 15% so với năm 2022, tương ứng với từ 25.360 tỷ đồng đến 26.520 tỷ đồng, tùy thuộc vào diễn biến thị trường, năng lực của ngân hàng và sự phê duyệt cơ các Cơ quan Nhà nước. Như vậy, kết thúc năm, ngân hàng đã hoàn thành vượt mức mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản BIDV ghi nhận ở mức 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% so với đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 15,7%.

Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối năm, nợ xấu của BIDV ở mức 22.229 tỷ đồng, ghi nhận sự cải thiện đáng kể so với 3 quý trước đó. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,25%.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 13h00 phiên giao dịch ngày 29/2, cổ phiếu BID đang được giao dịch ở mức 53.400 đồng/cp, tăng khoảng 23% so với thời điểm hồi đầu năm.

Nhóm ngân hàng cần được nghỉ ngơi, cổ phiếu sản xuất có thể sẽ xuất hiện tín hiệu rõ ràng hơn

Bất chấp thị trường chứng khoán lao dốc phiên cuối tuần, thua xa vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, không ít cổ phiếu ngân hàng ...

Liên tiếp phá đỉnh lịch sử, cổ phiếu BID liệu có vững đà tăng?

Diễn biến của BID có phần gây "sốc" trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng khác vẫn chưa phục hồi lên mốc cao nhất ...

Thu Thảo (T/H)