Bản tin tài chính quốc tế ngày 3/3/2021: Bê bối chấn động tại Nike

Cập nhật: 07:21 | 03/03/2021 Theo dõi KTCK trên

Bản tin tài chính quốc tế ngày 3/3/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật bao gồm những nội dung chính sau đây: Giá vàng thế giới phục hồi; Tỷ giá USD diễn biến theo xu hướng giảm nhanh; Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh; Kết thúc phiên 2/3, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điếm...

Bản tin tài chính quốc tế ngày 3/3/2021: Bê bối chấn động tại Nike
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Giá vàng thế giới hôm nay 3/3 phục hồi sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và USD suy yếu

6h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.739 USD/ounce, tăng 17 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.

Giá vàng thế giới dù đã tăng trở lại nhưng vẫn chịu áp lực bán lớn. Sự tăng trưởng của các thị trường chứng khoán và đà hồi phục của USD tiếp tục gây khó cho vàng.

Theo chuyên gia phân tích Georgette Boele của ABN Amro, đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tạm chững lại, trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã giảm từ đỉnh một năm vốn đươc xác lập vào tuần trước. Trong khi chỉ số USD Index ổn định ở gần đỉnh 4 tuần.

Tỷ giá USD diễn biến theo xu hướng giảm nhanh, ghi nhận những biến động liên tục trong các phiên gần đây.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 90,81 điểm, giảm 0,23% so với 91,04 điểm trước đó.

Trước đó, tỷ giá USD ghi nhận đà tăng mạnh trong đầu tuần giữa bối cảnh đồng EURO giảm khá mạnh sau khi Đức công bố số liệu kinh tế ảm đạm. Cụ thể, Đức công bố doanh số bán lẻ trong tháng 1 giảm 4,5% so với tháng 12/2020, tệ hơn nhiều so với dự báo là giảm 0,3%. Người dân Đức giảm chi tiêu do các lệnh phong tỏa chống COVID-19 và việc tạm dừng chính sách giảm thuế bán hàng.

Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh

Tính đến đầu giờ sáng ngày 3/3, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2021 đứng ở mức 59,15 USD/thùng, giảm 0,42 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 2/3, giá dầu WTI giao tháng 5/2021 đã giảm 0,9 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2021 đứng ở mức 62,36 USD/thùng, giảm 0,34 USD/thùng trong phiên và đã giảm tới 1,01 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 2/3.

Giá dầu ngày 3/3 tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh thị trường dầu thô lo ngại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ đồng ý tăng sản lượng vào cuộc họp thường kỳ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/3 tới. Nếu lo ngại này thực sự xảy gia, thị trường sẽ được bổ sung thêm 1,5 triệu thùng/ngày.

Bitcoin hôm nay (3/3) mất giá nhẹ, giảm 3,23% trong 23 giờ qua kéo theo sự suy yếu của loạt tiền ảo hàng đầu, đẩy vốn hóa tổng thị trường về 1.480 tỷ USD.

Lúc 6h30 trên CoinDesk, giá Bitcoin đứng mức 48.350 USD (giảm 1.580 USD so với 24 giờ trước đó, tương đương 3,23%), kéo vốn hóa về 901 tỷ USD, trong khi lượng giao dịch không có biến động lớn, ghi nhận mức 51,8 tỷ USD.

Trong 24 giờ gần nhất, giá tiền ảo phổ biến giao dịch thấp nhất ghi nhận được tại 47.118 USD và cao nhất là 50.213 USD.

Nhiều tiền ảo hàng đầu cũng lao dốc theo Bitcoin. Cụ thể, Ethereum giảm 3,17% về 1.500 USD, Cardano giảm 6,2% về 1,22 USD, Binance Coin giảm 6,1% về 238,9 USD, Stellar giảm 3,26% về 0,416 USD…

Kết thúc phiên 2/3, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm khi cổ phiếu công nghệ giao dịch trong sắc đỏ.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 3.870,29 điểm, sau khi tăng hơn 2% ở phiên trước và chứng kiến ngày tốt nhất kể từ tháng 6. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 143,99 điểm, tương đương 0,5%, xuống 31.391,52 điểm. Nasdaq Composite mất 1,7% xuống 13.358,79 điểm, khi Apple và Facebook giảm hơn 2%. Amazon và Microsoft đều rớt 1%, trong khi Tesla giảm 4,5%.

Công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu là hai lĩnh vực có diễn biến tệ nhất, đều giảm hơn 1%. Trong khi đó, nguyên liệu tăng nhẹ đã phần nào thúc đẩy thị trường.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 1,41%. Diễn biến này gần như ổn định trong vừa qua sau khi tăng lên mức cao 1,6% vào tuần trước, điều này làm giảm bớt một số lo ngại về việc chi phí đi vay và lạm phát cao hơn.

Bê bối chấn động tại Nike: Phó chủ tịch khu vực Bắc Mỹ vừa phải từ chức ngay lập tức vì nghi vấn tuồn hàng cho con trai bán kiếm lời

Tờ Bloomberg đưa tin, lãnh đạo cấp cao của Nike là Ann Hebert vừa bất ngờ tuyên bố rời khỏi công ty sau nghi vấn tuồn hàng hiếm của hãng cho con trai bán tại chợ đen.

Bà Hebert vốn giữ chức Phó chủ tịch và Tổng giám đốc Nike khu vực Bắc Mỹ. Theo thông báo chính thức từ công ty, bà này sẽ rời khỏi Nike "ngay lập tức". Bà mới nắm giữ vị trí phó chủ tịch kể từ tháng 6 năm ngoái, phụ trách doanh thu, hoạt động marketing và bán hàng của Nike trong khu vực Bắc Mỹ. Được biết, bà Hebert đã gắn bó 25 năm ở Nike.

Nội Mông (Trung Quốc) sắp cấm đào Bitcoin vì quá hao điện

Khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) - khu vực nổi tiếng với giá điện siêu rẻ, có kế hoạch cấm các dự án đào tiền ảo mới và đóng cửa các cơ sở hiện tại để giảm mức tiêu thụ điện.

Theo Chỉ số Tiêu thụ Điện Năng của Bitcoin do Đại học Cambridge tổng hợp, hoạt động đào bitcoin tiêu thụ khoảng 128,84 TWh/năm, tức nhiều hơn lượng điện năng mà các quốc gia như Ukraine và Argentina tiêu thụ.

Theo CNBC, do giá điện rẻ, Trung Quốc chiếm khoảng 65% tổng hoạt động khai thác bitcoin trên toàn cầu và riêng Nội Mông chiếm khoảng 8%. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm khoảng 7,2% hoạt động đào bitcoin trên thế giới.

Ngân hàng Thế giới kêu gọi các nước ký hợp đồng vaccine ngay từ bây giờ

Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã kêu gọi các quốc gia nhanh chóng ký kết hợp đồng mua vaccine chống COVID-19 ngay từ thời điểm hiện tại để họ có thể sắp xếp lịch trình chuyển giao sớm nhất.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, ông Malpass cũng cho rằng, các quốc gia cần nỗ lực làm việc thông qua nhiều kênh khác nhau, trên cơ sở thúc đẩy sự minh bạch trong các hợp đồng giữa bên mua, nhà sản xuất và bên trung gian để đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

Ngoài ra, ông Malpass cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của chương trình nghị sự về khí hậu của G20, đồng thời lưu ý rằng, Ngân hàng Thế giới đang khởi động các đánh giá về khí hậu và sự phát triển của quốc gia mới nổi để tích hợp vào tất cả các dự báo và chiến lược của mỗi quốc gia.

Nigeria: Tài khoản ngân hàng của Shell bị đóng băng

Shell hiện phải đối mặt với một loạt rắc rối pháp lý sau vụ kiện tụng tại Nigeria. Theo đó, một tòa án tại Nigeria đã hạn chế quyền truy cập của Shell vào các tài khoản ngân hàng của nước này để buộc tập đoàn này đạt được thỏa thuận với Aiteo Eastern E&P, một công ty dầu mỏ địa phương thuộc sở hữu của tỷ phú Nigeria Benedict Peters.

Vào năm 2015, bộ ba tập đoàn đa quốc gia Shell, Total và ENI đã bán 45% cổ phần một lô dầu và đường ống dẫn dầu Nembe Creek Trunk Line (NCTL) cho công ty Aiteo với giá 2,4 tỷ USD.

Vài năm sau, Aiteo đã đệ đơn khiếu nại lên các cơ quan tư pháp với lý do Shell cung cấp thông tin sai sự thật trước khi chuyển nhượng. Công ty này phát hiện các đường ống dẫn dầu hiện đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, tạo điều kiện cho người dân lén hút dầu. Tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến Aiteo không thể xóa nợ. Aiteo đã phải vay gần 1,5 tỷ USD từ các ngân hàng địa phương và quốc tế để thực hiện giao dịch trên.

Bản tin tài chính quốc tế ngày 2/3/2021: Nợ nước Mỹ tăng lên mức kỷ lục 29 nghìn tỷ USD

Bản tin tài chính quốc tế ngày 2/3/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật bao gồm những nội ...

Các doanh nghiệp KH- CN mong chờ chính sách thuế - tài chính đặc thù

Trong thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản, chính sách liên quan đến việc ưu đãi miễn, giảm thuế đối với ...

Bản tin tài chính quốc tế ngày 26/2/2021: Thai Airways thua lỗ chưa từng có

Bản tin tài chính quốc tế ngày 26/2/2021 được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý bạn đọc tham ...

Lưu Lâm t/h