Bản tin tài chính ngân hàng ngày 31/12: Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt trên 13%

Cập nhật: 09:26 | 31/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 31/12/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Tết Canh Tý 2020 tiếp tục không in tiền lẻ, LienVietPostBank dự kiến lợi nhuận năm 2019 vượt 2.000 tỉ đồng,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112 tang truong tin dung nam 2019 uoc dat tren 13

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 30/12: Kỳ vọng lãi suất vay giảm

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112 tang truong tin dung nam 2019 uoc dat tren 13

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 24/12: Cao điểm tái cơ cấu ngân hàng năm 2020

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112 tang truong tin dung nam 2019 uoc dat tren 13

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/12: Nhiều ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch năm

Trụ cột 2 Basel II có thực sự khó với các ngân hàng Việt?

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chuẩn Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn) đáp ứng Trụ cột 1 với yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn (hay còn được gọi là hệ số CAR) và Trụ cột 3 về sự minh bạch thông tin.

Trong đó, mới chỉ có một ngân hàng thành công áp dụng cả ba trụ cột chuẩn là VIB. Theo lộ trình kế hoạch, việc áp dụng Trụ cột 2 được yêu cầu vào năm 2021, khoảng thời gian sau 1 năm cho thấy đây là một yêu cầu mang tính phức tạp và khó khăn hơn và thành công của VIB nhận được sự đánh giá cao của các đối tác và cơ quan quản lí.

Trụ cột 2 được nhắc đến ở đây là "đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn" về cả định tính và định lượng. Cụ thể, ngân hàng cần chuẩn hoá qui trình, phương pháp và công cụ đo lường rủi ro, kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn (ICAAP).

Như vậy, nếu tại Trụ cột 1 là yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu với các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường thì Trụ cột 2 là một quá trình xây dựng qui trình, tính toán, đánh giá các rủi ro trọng yếu khác.

Ngân hàng cần xác định các loại rủi ro chưa được đề cập đến trong Thông tư 41 phụ thuộc vào đặc thù hoạt động, các mảng kinh doanh và nhiều yếu tố liên quan khác của riêng mỗi ngân hàng: rủi ro tập trung, rủi ro uy tín,... Đây cũng chính là bước khó đầu tiên đối với các ngân hàng khi thực hiện trụ cột này.

Những vấn đề về Trụ cột 2 được đề cập và qui định tại Thông tư 13 của NHNN, tuy nhiên, tại đây chỉ có lí thuyết mà không đưa ra phương pháp tính toán, lượng hoá.

Trong quá trình lượng hoá, các ngân hàng cần đưa ra những kịch bản căng thẳng với cả những yếu tố bên ngoài (lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng GDP, tỉ lệ thất nghiệp,...) và những yếu tố nội tại (tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ trả nợ trước hạn, tỉ lệ đòng bẩy, tỉ lệ giảm giá tài sản,...). Đây là một quá trình tính toán khá phức tạp và do đó nó đòi hỏi yêu cầu đầy đủ về vốn và nhân lực.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 3112 tang truong tin dung nam 2019 uoc dat tren 13
Ảnh minh họa

Tết Canh Tý 2020 tiếp tục không in tiền lẻ

Ngân hàng Nhà nước sẽ không in tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường trong dịp Tết Canh Tý 2020.

Như mọi năm, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng), gồm cả tiền cũ và tiền mới vào các thời điểm trong năm, trước Tết nguyên đán. Việc không in tiền lẻ trong dịp năm mới giúp ngân sách tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, điều này sẽ còn duy trì trong thời gian tới.

Năm ngoái, dù không in tiền lẻ mới dịp Tết nguyên đán 2019, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ Ngân hàng Nhà nước cho biết lượng tiền lẻ trong lưu thông cung ứng cho dịp Tết 2019 vẫn tăng khoảng 25% so với cùng kỳ.

Còn chưa đầy một tháng nữa tới Tết Canh Tý 2020, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hòa và cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thanh toán, vốn tín dụng phục vụ cuối và đầu năm, cũng như bảo đảm các hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, thông suốt.

NHNN: Tăng trưởng tín dụng năm 2019 ước đạt trên 13%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2019, tính đến hết năm, tín dụng tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018.

Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lí.

Ước tính đến 31/12/2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 11% so với cuối năm trước và chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng khoảng 16%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghệ cao tăng khoảng 15%.

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/12/2019, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% (cùng kì năm 2018 tăng 13,3%). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định.

Tín dụng 'đen' hoành hành trên mạng

Khi cơ quan chức năng mạnh tay với các tổ chức cho vay nặng lãi dưới dạng tín dụng đen công khai, thì trên mạng internet và kho ứng dụng (app) trên điện thoại tín dụng đen lại nở rộ.

Chỉ cần tải app về điện thoại, người vay không cần tài sản thế chấp, chỉ cần vài thao tác đơn giản đã có được các khoản vay với phí cao.Khi chậm trả, lập tức người vay bị “khủng bố” bằng nhiều hình thức.

Ở phần giới thiệu, các app này quảng cáo cho vay nhanh, không cần thế chấp tài sản, lãi suất tối đa chỉ 20 - 30%/năm...

Sau đó, các app vay tiền sử dụng chính thông tin này để gây sức ép buộc người vay trả nợ. Bên cạnh vài đánh giá tốt kiểu “chim mồi”, có rất nhiều đánh giá xấu, nhận xét các app đòi nợ kiểu “khủng bố”.

Bà Đỗ Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giám sát các Tổ chức tín dụng trong nước (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, vấn nạn cho vay qua app trên điện thoại có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt là tại một số tỉnh thành phía Nam (như TPHCM, Bình Dương, Đắk Lắk, An Giang...). Sau khi nắm được thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước các tỉnh thành kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan xử lý.

Theo bà Nhàn, cho vay tài chính là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, phải được NHNN cấp phép. Tổ chức nào được NHNN cấp phép thì thuộc trách nhiệm quản lý, giám sát của ngân hàng, nếu vi phạm Thanh tra Ngân hàng sẽ xử lý, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển cơ quan điều tra.

Còn với các tổ chức hoạt động không được NHNN cấp phép, các địa phương phải giám sát, xử lý.

SSI Research: Huy động đã tăng trưởng rất tốt trong quí IV/2019

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua (23/12 - 27/12), CTCP Chứng khoán SSI đã nhận định huy động đã tăng trưởng rất tốt trong quí IV/2019 và vượt cao hơn cùng kì năm ngoái trong khi tín dụng tăng đều và thấp hơn mục tiêu 14%.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến 20/12/2019, tăng trưởng huy động và tín dụng lần lượt là 12,5% và 12,1% so với đầu năm trong khi mức tăng của cùng kì năm 2018 tương ứng là 11,5% và 13,3%.

Các chuyên gia của SSI cho rằng vốn của các tổ chức tín dụng hiện tại đang khá dồi dào nên lãi suất huy động không chịu nhiều áp lực dù đang ở giai đoạn cao điểm cuối năm.

Lãi suất thị trường 1 không ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể nào, vẫn dao động trong khoảng 4,1% - 5,0%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 5,5% - 7,5%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4% - 7,9%/năm với kì hạn 12, 13 tháng.

Trong tuần qua, thị trường mở không phát sinh các giao dịch mới nào. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 19.500 tỉ đồng thông qua OMO đáo hạn. Số dư OMO và tín phiếu đều đang bằng 0.

Tuy vậy, thanh khoản trên liên ngân hàng tiếp tục cải thiện nhờ nguồn cung VND dồi dào từ các ngân hàng thương mại lớn và các giao dịch bán ngoại tệ về NHNN. Lãi suất trên liên ngân hàng giảm mạnh xuống 1,9%/năm với kì hạn qua đêm và 2,53%/năm với kì hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND - USD thu hẹp về vùng 0,3 - 0,8%/năm.

Forbes lần đầu công bố 100 công ty đại chúng lớn nhất Việt Nam: Quán quân tài sản thuộc về BIDV

Lần đầu tiên Forbes Việt Nam công bố danh sách "100 công ty đại chúng lớn nhất". Theo thống kê này, sàn HSX có 65 đại diện, UPCOM có 23 đại diện, HNX có 7 đại diện, còn lại là các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết.

Danh sách "100 công ty đại chúng lớn nhất" đánh giá quy mô doanh nghiệp dựa trên 4 tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa theo phương pháp xếp hạng danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes (Mỹ).

Khác với danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất” (đối tượng là các doanh nghiệp niêm yết tại HSX và HNX), danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” mở rộng phạm vi tới các doanh nghiệp giao dịch trên UPCOM và công ty đại chúng chưa niêm yết.

Các doanh nghiệp như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vingroup chia nhau các vị trí dẫn đầu của danh sách. Trong top 10 xuất hiện 5 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những cái tên như Vingroup, Hòa Phát, TechcomBank, VPBank, Thaco hay Masan Group...

Với đặc thù ngành, lĩnh vực ngân hàng chiếm tỉ lệ áp đảo với 22 đại diện, trong đó chiếm 6 vị trí trong top 10. Tiếp theo sau là các ngành dầu khí, bất động sản, bán lẻ.

Trong danh sách, Petrolimex là quán quân về doanh thu với 8,35 tỉ USD, Vietcombank là quán quân về lợi nhuận sau thuế với 636 triệu USD. Trong khi đó, với 57 tỉ USD, Ngân hàng BIDV giữ vị trí quán quân về tổng tài sản và Vingroup dẫn đầu về giá trị vốn hóa với giá trị đạt xấp xỉ 16,5 tỉ USD (báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2018).

LienVietPostBank dự kiến lợi nhuận năm 2019 vượt 2.000 tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2019 với lợi nhuận trước thuế dự kiến vượt mốc 2.000 tỉ đồng, đây là mức cao nhất kể từ ngày thành lập ngân hàng đến nay, vượt mức kế hoạch đề ra (1.900 tỉ đồng).

Kết thúc năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank dự kiến đạt trên 200.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường 1 đạt trên 140.000 tỉ đồng, huy động vốn từ thị trường 1 đạt trên 165.000 tỉ đồng.

Ngân hàng cho biết các hoạt động thu phí dịch vụ có những chuyển biến khởi sắc tích cực, dự kiến đạt trên 550 tỉ đồng, gần gấp đôi so với năm 2018 nhờ phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ mới, triển khai nhiều chương trình thúc đẩy hỗ trợ bán hàng.

Trong năm 2019, LienVietPostBank đã hoàn thành đưa vào khai trương hoạt động thêm 148 phòng giao dịch, nâng tổng số chi nhánh, phòng giao dịch lên gần 540 điểm, là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Sát ngày cuối năm, Vietcombank bổ nhiệm 3 Giám đốc chi nhánh

Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB), trong những ngày cuối cùng của tháng 12, ngân hàng đã thực hiện bổ nhiệm Giám đốc của ba chi nhánh tại các tỉnh Nam Định, Hải Dương và Hưng Yên.

Cụ thể, Hội đồng quản trị ngân hàng quyết định điều động và bổ nhiệm bà Đoàn Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Vietcombank Sóc Sơn giữ chức vụ Giám đốc Vietcombank Nam Định kể từ ngày 1/1/2020.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Vietcombank Nam Định được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Vietcombank Hưng Yên.

Ông Nguyễn Xuân Cao Cường, Giám đốc Vietcombank Hưng Yên được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Vietcombank Hải Dương kể từ ngày từ ngày 1/1/2020 thay cho bà Nguyễn Thị Thêu nghỉ chế độ hưu trí.

Hoài Dương