Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/12: Nhiều ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch năm

Cập nhật: 09:45 | 23/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 23/12/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: Thêm ngân hàng Hàn Quốc mở chi nhánh tại Việt Nam, mua tiền giả trên mạng dễ bị xử lý hình sự,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2312 nhieu ngan hang bao lai vuot ke hoach nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/12: Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2312 nhieu ngan hang bao lai vuot ke hoach nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/12: Quĩ đầu tư Mỹ đề nghị Chính phủ Việt Nam nâng tỉ lệ sở hữu khối ngoại tại NH

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2312 nhieu ngan hang bao lai vuot ke hoach nam

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/12: Doanh nghiệp phải bồi dưỡng cán bộ ngân hàng để được vay vốn

Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm không phải vì Việt Nam thiếu tiền trả nợ

Việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam không phải là vì Việt Nam thiếu tiền trả nợ mà vì những thủ tục, quy trình, trình tự ở Việt Nam đối với vấn đề này dường như quá phức tạp, rắc rối và trong nhiều trường hợp nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết, TS. Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Ngay khi Moody’s đưa ra thông báo này, Bộ Tài chính Việt Nam đã lên tiếng khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế.

Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của Bên cho vay.

Theo thông báo được đăng tải trên trang web của Moody's, tổ chức này cho rằng, dù nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng một cách nhanh chóng và đa dạng trong lĩnh vực sản xuất, nhưng thể chế kinh tế và quản trị của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề.

Việt Nam bị hạ triển vọng vì việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ và chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.

“Các khoản thanh toán chậm phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính”, theo Moody’s.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2312 nhieu ngan hang bao lai vuot ke hoach nam

Mua tiền giả trên mạng dễ bị xử lý hình sự

Tiền giả được bán công khai trên Facebook, Zalo... Kẻ buôn tiền thường để lại số điện thoại để tư vấn và giao dịch.

Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Buôn bán tiền giả là hành vi nguy hiểm cho xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về việc xử lý những người có hành vi này tại điều 207 đối với tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho hay, theo quy định của pháp luật, người mua và bán tiền giả đều bị xử lý hình sự với các mức phạt tù khác nhau mà không phụ thuộc vào mệnh giá, giá trị tiền để mua bán.

Theo các luật sư, sở dĩ vấn nạn buôn bán tiền giả bùng phát như hiện nay là do sự hiểu biết pháp luật của những đối tượng này còn hạn chế; do lợi ích từ việc mua bán tiền giả là rất lớn nên họ đã bất chấp để phạm pháp.

Hơn nữa, việc lập tài khoản trên mạng xã hội hiện nay khá dễ dàng. Các đối tượng thường dùng tên giả, giao dịch bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển phát nhanh... nên dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để hoạt động. Để hạn chế nạn mua bán tiền giả, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết pháp luật của người dân. Các đơn vị chủ quản mạng xã hội cần tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ, gỡ bỏ kịp thời những nội dung đăng tải có dấu hiệu trái pháp luật của người dùng.

OCB chính thức kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất

Thống đốc NHNN vừa có quyết định việc bổ sung nội dung hoạt động vào Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Cụ thể, tại Quyết định số 2561/QĐ-NHNN ban hành mới đây, Thống đốc NHNN quyết định bổ sung Điểm 8 Giấy phép hoạt động số 0061/NH-GP ngày 13/4/1996 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Phương Đông nội dung hoạt động sau: "Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh lãi suất theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước".

Ngân hàng TMCP Phương Đông có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 3 Điều 18b Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2017/TT-NHNN ngày 20/11/2017 của NHNN) đối với nội dung hoạt động được bổ sung nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là bộ phận không tách rời của Giấy phép hoạt động số 0061/NH-GP ngày 13/4/1996 của Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Cao điểm tái cơ cấu ngân hàng năm 2020

Năm 2020 đang đến gần. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ còn đúng 1 năm để hoàn thành nhiều yêu cầu, mục tiêu lớn đặt ra trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”.

Tại thời điểm này, ngay ở một trường hợp cụ thể, có lộ trình định rõ, nhưng vẫn chưa thể thực hiện như nêu trong Đề án. Đó là trường hợp Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đầu mối từng có vai trò lớn nhất trong gánh vác trên 300.000 tỷ đồng nợ xấu các tổ chức tín dụng bán sang những năm qua chỉ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Định hướng chuyển sang mua nợ theo giá thị trường, tham gia xử lý nợ xấu thực chất cho hệ thống, Đề án trên nêu giai đoạn 2017 - 2018 tăng đủ vốn cho VAMC lên 5.000 tỷ đồng, rồi đến 2020 đủ 10.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào tăng vốn được công bố.

Như vậy, chỉ riêng một trường hợp VAMC tưởng như tính khả thi cao về bố trí nguồn, quy trình thủ tục để tăng vốn, mà đến nay vẫn không thể đảm bảo được yêu cầu trong Đề án.

Mở rộng ra, tương tự, phương án và mục tiêu tăng vốn tại VietinBank và Agribank cũng không thể thực hiện cho đến nay. Còn lại 1 năm nữa, phương án bố trí nguồn và tăng vốn vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, đây là hai trụ cột của hệ thống.

Kết quả tích cực nhất trong thực hiện Đề án đến lúc này là áp dụng Basel II. Đề án đặt mục tiêu có 12 - 15 ngân hàng thương mại đạt chuẩn mực này đến 2020, thì đến 2019 đã có 18 thành viên áp dụng trước hạn.

Mục tiêu tiếp theo, đến 2020 có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á. Kết quả sẽ phải chờ bảng xếp hạng năm tới, còn hiện Việt Nam có nhóm “Big 4” đạt quy mô tổng tài sản vượt trên 1 triệu tỷ đồng mỗi thành viên.

Theo Đề án, cao điểm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tập trung trong năm 2020, với những mục tiêu lớn và cả những sức ép lớn.

Trước hết, như định hướng thời gian qua, năm tới các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại sẽ phải thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Bao trùm và áp lực nhất là mục tiêu đến 2020 toàn hệ thống phải đưa được nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Tỷ lệ này từng được đề cập trong năm 2019 vào khoảng 4,8 - 5%.

Mục tiêu trên còn gặp thách thức đi kèm là yêu cầu phải phân bố số lãi dự thu của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định ghi nhận đến thời điểm 31/12/2016 theo quy định của pháp luật.

Nhiều ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch năm

Sacombank cho biết, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của ngân hàng dự kiến đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hồi đồng cổ đông. Tổng tài sản dự kiến đạt 457.000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 196.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.

Tại Agribank, ngân hàng đã sớm hoàn thành kế hoạch sau 10 tháng đầu năm. Cụ thể, đến hết tháng 10, lợi nhuận của ngân hàng đạt 10.350 tỷ đồng, vượt mục tiêu 10.000 tỷ đồng được Agribank đề ra hồi đầu năm. Các chỉ số về quy mô tiếp tục khẳng định là ngân hàng dẫn đầu trong hệ thống: tổng tài sản đạt 1,4 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt 1,29 triệu tỷ đồng tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,05 triệu tỷ, tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đạt 68,3% tương đương với 722.039 tỷ đồng.

Năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng. Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Tổng tài sản VietinBank đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 899.056 tỷ, tăng 3,9%. Tiền gửi khách hàng đạt 865.466 tỷ đồng, tăng 4,8%. 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt hơn 8.400 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm.

ABBank cho biết mới mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 1.220 tỷ đồng trước thuế, ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch HĐQT giao, tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2018. Tăng trưởng tín dụng ABBank năm 2019 ở mức 10%. Trước đó, theo số liệu công bố tính đến hết tháng 11, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.107 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt 94.259 tỷ đồng, tăng 4.021 tỷ so với đầu năm.

Còn tại VIB, ngân hàng ước tính lợi nhuận năm 2019 sẽ chạm mốc kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với năm 2016, hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm nhanh từ 2,2% năm 2018 xuống còn 1,78% hiện nay.

Trước đó, trong năm, lãnh đạo Vietcombank cũng nhiều lần khẳng định việc vượt kế hoạch năm với ngân hàng này là không khó. Còn tại BIDV, đại diện của ngân hàng này mới đây đã cập nhật một số chỉ tiêu cho thấy vị trí ngân hàng quy mô lớn nhất hệ thống tiếp tục được giữ vững. Tổng tài sản của BIDV ước đạt 1,4 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt 1,1 triệu tỷ, số dư huy động đạt 1,15 triệu tỷ.

Thêm ngân hàng Hàn Quốc mở chi nhánh ở Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập Ngân hàng Daegu – Chi nhánh TP HCM.

Cũng tại văn bản này, NHNN chấp thuận dự kiến bổ nhiệm ông Kim Jin Tae làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Daegu – Chi nhánh TP HCM; cũng như chấp thuận cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của chi nhánh do Ngân hàng Daegu xây dựng tại đề án thành lập.

Ngân hàng Daegu có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo qui định và hướng dẫn của NHNN để trình Thống đốc NHNN xem xét, quyết định việc cấp giấy phép thành lập chi nhánh tại TP HCM.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Daegu kiêm Chủ tịch Ngân hàng Daegu Kim Tae Oh cũng đã tới thăm Việt Nam và có buổi tiếp với Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Kim Tae Oh bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa hoạt động đầu tư và hợp tác tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Ông Kim Tae Oh cũng cảm ơn sự quan tâm và giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam cũng như NHNN đối với sự phát triển của Ngân hàng Daegu thời gian qua. Đồng thời mong muốn thời gian tới có nhiều cơ hội hơn nữa đóng góp vào thị trường tài chính và sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Hoài Dương