Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/12: Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Cập nhật: 09:30 | 20/12/2019 Theo dõi KTCK trên

TBCKVN - Bản tin tài chính ngân hàng ngày 20/12/2019 do Thời báo Chứng khoán Việt Nam cập nhật có những nội dung chính sau đây: OCB triển khai thành công nền tảng ngân hàng mở và nhận chứng chỉ PCI DSS, Deutsche Bank sẽ đóng cửa hàng trăm chi nhánh,…

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2012 chinh sach tien te ho tro tang truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 19/12: Quĩ đầu tư Mỹ đề nghị Chính phủ Việt Nam nâng tỉ lệ sở hữu khối ngoại tại NH

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2012 chinh sach tien te ho tro tang truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 18/12: Doanh nghiệp phải bồi dưỡng cán bộ ngân hàng để được vay vốn

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2012 chinh sach tien te ho tro tang truong

Bản tin tài chính ngân hàng ngày 17/12: Sacombank ngừng hoạt động 4 phòng giao dịch

OCB triển khai thành công nền tảng ngân hàng mở và nhận chứng chỉ PCI DSS

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cùng các đối tác công nghệ công bố triển khai thành công ngân hàng mở Open API và nhận chứng chỉ PCI DSS.

Tại Việt Nam, OCB là một trong những ngân hàng tiên phong với mô hình ngân hàng mở qua nền tảng Open API. Thông qua ứng dụng OCB Omni, người dùng không chỉ sử dụng những dịch vụ thuần túy của ngân hàng như chuyển tiền, tiết kiệm mà còn trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ từ các đối tác liên kết.

Để đạt tiêu chuẩn PCI DSS, các đơn vị cần đáp ứng 12 yêu cầu khắt khe dành cho hệ thống. Đó là các yêu cầu về chính sách an ninh thông tin, quy trình xử lý dữ liệu, cấu trúc mạng máy tính... nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu thẻ trong suốt quá trình xử lý và lưu trữ tại các ngân hàng hoặc các đơn vị có chức năng thanh toán trực tuyến. Qua đó hạn chế các lỗ hổng bảo mật và rủi ro bị đánh cắp thông tin, đồng thời tăng cường bảo vệ dữ liệu lưu trên thẻ và giao dịch thanh toán thẻ.

Nhận thức tầm quan trọng của PCI DSS trong việc cung cấp các dịch vụ thẻ đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, vào tháng 12/2018, OCB bắt đầu triển khai thực hiện dự án chuẩn hóa hệ thống. Quá trình này được Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) - thành viên của Tập đoàn FPT cùng với Công ty ECQ phối hợp đánh giá, rà soát các quy trình và hệ thống an toàn thông tin theo tiêu chuẩn thế giới của PCI SSC.

Bên cạnh đó, sử dụng thẻ tín dụng OCB, khách hàng không cần dùng thẻ thông qua qua dịch vụ QR Code và có thể an tâm kiểm soát giao dịch với dịch vụ SMS Banking, Internet Banking miễn phí.

ban tin tai chinh ngan hang ngay 2012 chinh sach tien te ho tro tang truong
Ảnh minh họa

Lãi suất VND liên ngân hàng liên tiếp giảm sâu

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND kỳ hạn qua đêm giảm xuống còn 2,90%, kỳ hạn 1 tuần là 3,12%, kỳ hạn 2 tuần là 3,40% và kỳ hạn 1 tháng là 3,88%/năm.

Như vậy, lãi suất VND trên thị trường này đã đánh dấu "mặt bằng" mới và ngắn hạn, lần đầu tiên sau khoảng ba tuần qua các kỳ hạn ngắn đều đã rơi xuống dưới mốc 4%/năm; trong đó lãi suất qua đêm đã xuống dưới mốc 3%.

Cao điểm đợt biến động vừa qua, lãi suất VND qua đêm từng "leo thang" trên 4,5%/năm, thậm chí có giao dịch lên tới quanh 5%/năm...

Qua những phiên đầu tuần này, thị trường liên ngân hàng đánh dấu sự bình ổn trở lại của lãi suất, cũng như thanh khoản đã cân bằng hơn.

Phản ánh cân đối trên, hoạt động đấu thầu tạo nguồn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO) cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng tiếp tục không phải mượn thêm vốn cân đối phiên thứ tư liên tiếp.

Trong phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu sẵn sàng 3.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 4%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Trong ngày có 5.897 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 5.897 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 25.262 tỷ đồng.

Trước đó, để cân đối thanh khoản và bình ổn lãi suất, số dư nguồn hỗ trợ nói trên từng vọt lên tới 72.000 tỷ đồng.

Thêm ngân hàng thưởng Tết to

Tại ngân hàng K, Tết dương lịch năm nay người lao động có thưởng cộng với tháng lương thứ 13. Tết âm lịch sẽ thưởng nhiều hơn và tùy vào mức độ hoàn thành công việc của cá nhân cũng như đơn vị (phòng ban, chi nhánh, phòng giao dịch), nhưng tối thiểu cũng được 1 tháng lương. Và trong quý 1, ngân hàng sẽ tiếp tục thưởng thêm cho người lao động 1 tháng lương từ Quỹ đồng hành phát triển.

Như vậy dịp Tết năm nay (cả trước và ngay sau Tết), cán bộ nhân viên ở ngân hàng này sẽ được nhận thưởng tổng cộng tối thiểu là 3 tháng lương. Được biết lương bình quân của cán bộ nhân viên ngân hàng này hàng thoáng khoảng 15 triệu đồng.

Trong khi đó tại ngân hàng S., cán bộ ngân hàng này vừa chia sẻ Tết dương lịch năm nay mỗi người được 2 triệu đồng. Dịp Tết âm sẽ thưởng dựa trên hiệu quả công việc, dao động từ 1 – 3 tháng lương.

Mức thưởng cho Tết dương lịch ở ngân hàng B. - một ngân hàng khá nổi bật trên thị trường năm nay - cũng là 2 triệu đồng còn Tết âm lịch thì chưa công bố.

Tại ngân hàng S. khác, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cho biết đang chốt phương án và có thể công bố trong một vài ngày tới. Tuy nhiên thưởng Tết năm nay chắc chắn khá hơn vì ngân hàng đã hoạt động tốt hơn hẳn các năm vừa rồi. Như Tết âm lịch năm ngoái, mức thưởng phổ biến là 2 - 3 tháng lương. Thu nhập bình quân ở ngân hàng này khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi người lao động ở nhiều ngân hàng và doanh nghiệp hồ hởi chờ Tết thì ở ngân hàng O. và ngân hàng G., cán bộ nhà băng này cho biết đã quen với việc không có thưởng đã vài năm nay vì ngân hàng khó khăn, lương hàng tháng cũng ở mức thấp trong hệ thống.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp Ban chỉ đạo hợp tác ngân hàng ASEAN 2020

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng - Trưởng Ban chỉ đạo hợp tác ngân hàng ASEAN năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì buổi làm việc với các thành viên Ban chỉ đạo và các tổ giúp việc Ban chỉ đạo (lãnh đạo và đại diện các Vụ, Cục liên quan của NHNN).

Đây là cuộc họp để triển khai các nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trên cương vị chủ trì/đồng chủ trì tiến trình hợp tác tài chính, ngân hàng trong khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN và ASEAN+3.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế đã trình bày về tiến độ và kế hoạch triển khai nội dung, lễ tân-hậu cần, truyền thông cho các Hội nghị và sự kiện cấp cao tài chính, ngân hàng do NHNN chủ trì/đồng chủ trì trong năm 2020 (dự kiến có khoảng 37 sự kiện bao gồm các hội nghị cấp Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính, các cuộc họp nhóm công tác và các sự kiện bên lề khác).

Đại diện các Vụ, Cục tham dự đã tham gia trao đổi, góp ý để công tác phối hợp chuẩn bị về mặt nội dung, lễ tân-hậu cần, truyền thông cho các sự kiện nêu trên được triển khai thành công.

Kết thúc cuộc họp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo Vụ Hợp tác Quốc tế với vai trò đầu mối tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Đơn vị triển khai các nội dung phân công cụ thể tại đề án nội dung, lễ tân-hậu cần đã được Thống đốc phê duyệt, thường xuyên báo cáo Ban chỉ đạo về tiến độ công việc để triển khai thành công các sự kiện NHNN chủ trì/đồng chủ trì, góp phần vào thành công chung của Việt Nam trong vai trò nước Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Theo đánh giá của giới chuyên môn, định hướng điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN đang bám sát chỉ đạo của Chính phủ cũng như theo tín hiệu của thị trường. Nhìn lại những tháng qua, đặc biệt trong những tháng cuối năm, NHNN đã có một loạt động thái liên quan đến CSTT được đánh giá là có tác động khá tích cực tới nền kinh tế.

Đơn cử từ ngày 16/9/2019, NHNN đã có các quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các NHTM từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Sau động thái hạ lãi suất điều hành trong tháng 9/2019, sang trung tuần tháng 11/2019, NHNN đã yêu cầu các TCTD giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn 0,8%/năm và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm; hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 6%/năm. Động thái này của NHNN được giới chuyên gia đánh giá là bước đi hợp lý, phù hợp với xu hướng chung mà NHTW các nước trên thế giới đang thực hiện nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng.

Với những động thái điều chỉnh chính sách liên tiếp như trên của NHNN, theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, NHNN đang muốn tạo tiền đề để các TCTD giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro bất định thế giới tăng và lạm phát khá thấp. Đồng tình quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, việc giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này một mặt có thể giảm bớt gánh nặng cho NSNN, bởi hiện tại, chi phí trả lãi cho khoản tiền gửi này được trích từ NSNN. Mặt khác nó cũng là một tín hiệu của nhà điều hành muốn các TCTD đẩy mạnh cho vay đối với nền kinh tế thay vì gửi tại NHTW.

Thụy Điển ngừng áp dụng chính sách lãi suất âm sau 5 năm

Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) đã quyết định nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 0%, sau gần 5 năm duy trì lãi suất âm.

Trong một thông báo, Riksbank cho biết ngân hàng này xét thấy lạm phát đang ở gần mức mục tiêu 2% và có thể sẽ duy trì ở mức này nên đã quyết định nâng lãi suất repo lên 0%. Lãi suất repo là lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng khi cho các ngân hàng thương mại vay tiền.

Đầu năm 2015, Riksbank - ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới - đã lần đầu tiên trong lịch sử hạ lãi suất xuống -0,1% và duy trì lãi suất âm từ thời điểm đó.

Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia cũng đã áp dụng chính sách lãi suất âm - nghĩa là các ngân hàng thương mại sẽ mất phí khi gửi tiền tại ngân hàng trung ương, nhằm khuyến khích hoạt động cho vay để thúc đẩy các nền kinh tế trì trệ và tránh nguy cơ giảm phát nguy hiểm.

Riksbank cho biết lãi suất repo dự kiến sẽ dừng ở mức 0% trong vài năm tới và ngân hàng này sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng cũng như tiếp tục mua trái phiếu chính phủ.

Deutsche Bank sẽ đóng cửa hàng trăm chi nhánh

Theo tạp chí Nhà quản lý (MM), công ty mẹ Deutsche Bank lên kế hoạch đóng cửa từ 200 - 300 chi nhánh thương hiệu Deutsche Bank cũng như của công ty con Potstbank. Tuy nhiên, số lượng cụ thể chi nhánh bị đóng cửa đang được Deutsche Bank thảo luận nội bộ.

Việc giảm mạng lưới chi nhánh cũng như tiến trình tái cấu trúc đang diễn ra hiện nay sẽ được hoàn tất vào năm 2022 và dự kiến sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm hàng tỷ euro để có thể tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Hiện cả Deutsche Bank và Postbank có khoảng 1.300 chi nhánh, trong đó riêng Deutsche Bank chỉ còn 500 chi nhánh sau các đợt cắt giảm trước đó.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Deutsche Bank chưa cho biết số lượng cũng như địa điểm chi nhánh sẽ bị đóng cửa, chỉ nói rằng hiện ngân hàng đang đàm phán với đại diện của các nhân viên.

Theo kế hoạch tái cơ cấu, đến năm 2022, Deutsche Bank sẽ cắt giảm 18.000 nhân viên, xuống còn 74.000 người.

Ngân hàng này đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu và cắt giảm nhân lực từ tháng 7 vừa qua, song cho đến cuối tháng 9, Deutsche Bank vẫn còn gần 90.000 nhân viên làm việc toàn thời gian.

Trong kế hoạch tái cơ cấu, Deutsche Bank muốn tiết kiệm 1 tỷ euro chi phí cho bộ phận kinh doanh khách hàng tư nhân, theo đó có khoảng 6.000 nhân viên làm việc ở bộ phận này sẽ bị cắt giảm.

VDSC: Các qui định mới sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng quốc doanh

Theo VDSC, những qui định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh trong khi tác động đa chiều tới các ngân hàng tư nhân.

Dù vậy về lâu dài, theo mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất của chính phủ cũng như các nỗ lực gần đây của NHNN để đạt mục tiêu này, VDSC cho rằng khả năng mở rộng lợi tức tài sản của các ngân hàng sẽ trở nên hạn chế hơn.

Mặt khác, các yêu cầu về an toàn vốn mới (theo Thông tư 41/2016 hoặc Thông tư 22/2019) và việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (Thông tư 22/2019) đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn về vốn và huy động do đó dự kiến sẽ hạn chế khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng.

Trong khi đó, qui định về việc chuyển số dư tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước vào cuối mỗi ngày (Thông tư 58) nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến chi phí huy động của các ngân hàng quốc doanh, nơi có tỉ lệ tiền gửi không kì hạn của Kho bạc Nhà nước cao.

Đối với qui định quản lí chặt chẽ hơn hoạt động cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng theo Thông tư 18/2019 (trong đó qui định giảm dần tỉ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng (có số dư nợ giải ngân trực tiếp tại công ty tài chính tiêu dùng đó trên 20 triệu đồng) về 30% kể từ năm 2024).

Nhìn chung, VDSC nhận định các qui định mới của NHNN sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (VietinBank nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất) trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDBank nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất).

Thu Hoài